Kỷ niệm 42 năm giải phóng miền Nam 30/4:
Gặp Anh hùng bắn tỉa từng khiến quân địch nhiều phen khiếp đảm
(Dân trí) - Tham gia đánh hàng trăm trận, tiêu diệt nhiều tên địch và ác ôn đầu sỏ “bán nước hại dân”, người lính bắt tỉa Trương Đức Hai đã đi vào lòng người dân hai bên vùng Vĩ tuyến 17 thời kỳ đó như một biểu tượng sáng ngời về ý chí gan dạ, bất khuất…
Người lính ấy nay đã là một vị Anh hùng chính danh, trước đây từng được mệnh danh là “xạ thủ bắn tỉa số 1” với vẻ ngoài rắn rỏi, đầy bản lĩnh, can trường...
Người lính mưu trí, gan dạ thời chiến…
Với nụ cười hiền từ, khi chúng tôi hỏi chuyện quá khứ, ông Hai khiêm nhường bảo: “Chiến tranh đã lùi xa lâu lắm rồi, có những điều lịch sử đã ghi, cũng không tiện nhắc lại trong bối cảnh này. Được sống đến hôm nay đã là niềm hạnh phúc đối với tôi”.
Tuy vậy, ký ức về những ngày tháng đánh Mỹ-Ngụy vẫn chưa thể mờ phai trong tâm trí ông Trương Đức Hai.
Ông Hai lớn lên ở làng Hải Chữ, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nằm ở phía bờ Nam sông Bến Hải, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Chứng kiến nỗi đau đất nước chia cắt cùng sự tàn ác của kẻ thù đối với bà con, ông càng quyết tâm theo bước cha ông đánh Mỹ. Thời điểm những năm 1966 đến 1972, chiến trường Gio Linh là một trong những mặt trận ác liệt. Bởi cùng với việc ném bom bắn phá, địch còn dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc, như lập tuyến hàng rào điện tử Mc-Namara hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam.
Ông Hai (người mặc quân phục xanh đầu tiên, tính từ bên phải) tại lễ gặp mặt các cựu chiến binh chiến trường Trị Thiên Huế
Năm 1965, ông tham gia làm cơ sở cách mạng, với nhiệm vụ làm giao liên rồi lực lượng dân quân du kích xã Trung Hải để chiến đấu bảo vệ quê hương, đánh chống càn không cho địch đánh ra dọc sông Bến Hải.
Vào năm 1967, địch đánh càn vào các xã Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn, chúng đưa dân vào các trại tập trung. Năm 1968, ông được tăng cường về xã Gio Mỹ, trở thành trung đội trưởng rồi lên xã đội trưởng cùng với lực lượng dân quân du kích các xã Gio Mỹ, Trung Giang bao vây căn cứ 31. Lúc chiến dịch Mậu Thân nổ ra, căn cứ 31 án ngữ khu vực phía Đông từ Cửa Tùng vào. Đây là căn cứ trọng yếu của địch, lực lượng du kích đã bao vây, chống càn, không cho địch ra khỏi căn cứ. Địch càn đến đâu thì du kích phối hợp với bộ đội chặn địch đến đó. Ông đã tham gia đánh tỉa nhiều trận, chống càn liên tục suốt năm 1968.
“Hàng ngày địch dùng máy bay trực thăng chi viện lương thực xuống căn cứ 31 đều bị mình bắn. Cuối 1968, đầu 1969, căn cứ này không chịu nổi và địch buộc phải rút đi. Hành lang phía Đông từ Cửa Tùng vào Cửa Việt trở nên thông thoáng khi địch rút về căn cứ Dốc Miếu. Mục tiêu của chiến dịch nhằm không cho địch đánh ra để mở đường cho quân ta đánh vào vùng Cửa Việt, Triệu Phong”, ông Hai kể.
Những năm tham gia đánh địch ở Gio Mỹ, nhiều đồng đội đã hy sinh anh dũng, bản thân ông cũng nhiều lần cận kề với cái chết. Đã 2 lần ông Hai bị thương nặng nhưng vẫn quyết tâm đánh đuổi kẻ thù. Cuối 1969, Huyện đội Gio Linh tăng cường ông Hai về xã Gio Lễ, một xã nằm trên tuyến hàng rào điện tử Mac-Namara nên địch thường xuyên kìm kẹp, bắt bớ tra tấn những người làm cách mạng.
Mục đích chủ yếu của ta là đánh lính địa không quân, lính bảo an dân vệ, lính “Dơi- nhện” chuyên phục kích không cho lực lượng chính trị vào trong dân. Với sự mưu trí, dũng cảm, ông đã thường xuyên bám địa bàn, bám dân, xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng. Nhiều lần ông cải trang thành sĩ quan thủy quân lục chiến, lính cộng hòa, lính địa không quân đột nhập vào sào huyệt địch để tiêu diệt những tên ác ôn đầu sỏ giữa ban ngày.
Ông Hai (ngoài cùng bên trái) khống chế 2 kẻ địch (Ảnh tư liệu)
Ông Hai nói, đây là những năm tháng gian khổ nhất, ông đã đánh hàng trăm trận phục kích, phản phục kích, diệt ác trừ gian, quyết tâm không để địch đàn áp phong trào cách mạng.
Thời gian sau đó, ông Hai lại được điều về tăng cường cho xã Gio Sơn, một xã vùng trắng cơ sở cách mạng, bởi dân ở đây đã bị địch đưa vào khu tập trung Quán Ngang. Tại đây, ông cũng đã đánh một số trận tiêu hao sinh lực địch. Đến năm 1972, ông cùng đơn vị C4 bộ đội địa phương Gio Linh đánh vào chi khu Quán Ngang để đưa dân ra khỏi khu tập trung. Sau khi giải phóng, ông được cử về làm Chủ tịch xã Gio An để đưa dân về vùng trắng xây dựng lại cuộc sống.
Với những thành tích và chiến công đã đạt được trong chiến đấu, ông Hai được cấp trên tặng thưởng 6 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ ưu tú và hàng chục huân, huy chương các loại cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen khác.
Phận gà trống nuôi con
Chiến đấu trở về với nhiều chiến công vang dội, nhưng cuộc sống đời thường của ông Hai lại gặp không ít gian truân. Người vợ của ông sau 13 năm mắc bệnh nan y đã không thể qua khỏi, để lại cho ông 4 người con nhỏ. Một mình ông chèo lái lo cho cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học thành tài. Đây cũng là giai đoạn cuộc sống gia đình lâm vào cảnh khó khăn, song với bản lĩnh và khí chất của một người lính can trường trong kháng chiến, ông không để bản thân bị gục ngã.
Dù chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhưng do hoàn cảnh gia đình nên ông Hai xin nghỉ việc sớm để lo cho các con ăn học. Để tìm lối ra, ông đã mạnh dạn vay mượn vốn của bạn bè, thành lập công ty xây dựng. Ông bảo rằng, việc lập công ty cũng nhằm mục đích để bản thân mình tự vươn lên trước mọi khó khăn, có điều kiện giúp đỡ bạn bè, chứ tuổi cũng đã cao, người mang đầy thương tật, vốn liếng không có nên không làm lớn được.
Ghi nhận những đóng góp của ông đối với cách mạng, Đảng và Nhà nước đã quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Trương Đức Hai. Đây là danh hiệu cao quý, song ông vẫn thường tâm niệm rằng, để có được danh hiệu như hôm nay, trước hết là nhờ sự đùm bọc cưu mang của bà con, sự hy sinh to lớn của đồng chí, đồng đội, của những người đã ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc.
Ông Hai nói, gia tài lớn nhất của ông hiện nay là cả 4 người con đã ăn học thành tài, nay đã có công việc ổn định. Ông luôn xem đó là niềm động viên to lớn để tiếp tục sống và cống hiến.
Đăng Đức