Thót tim nghe lao động Việt Nam kể chuyện chiến sự Libya
(Dân trí) - Khi chiến sự bùng nổ tại Libya, hơn 10.000 lao động Việt Nam tại đây bị động hoàn toàn. Vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm trong cảnh bạo loạn, toàn bộ lao động Việt Nam đã được về nước an toàn song nỗi kinh hoàng vẫn in đậm trong ký ức.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1686/Lao-dong-Viet-am-tro-ve-tu-vung-bao-loan-Libya.htm'><b> >> Lao động Việt Nam trở về từ vùng bạo loạn Libya</b></a>
Ký ức kinh hoàng
Sáng ngày 4/4, gặp lao động Trần Văn Thuật (Hưng Hà - Thái Bình) đang lúi húi thu dọn hành lý trong căn buồng trên tàu ANK LINES khi cập cảng Cái Lân - Quảng Ninh, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là sự tiều tụy, mệt mỏi còn hằn rõ trên khuôn mặt người đàn ông ngoài 50 tuổi này.
Anh Thuật cho biết, hơn 1.000 lao động Việt Nam cuối cùng vừa từ Libya trở về với anh chuyến này, hầu hết đều bị mắc kẹt tại thành phố Benghazi, Libya, nơi diễn ra những trận giao tranh ác liệt và đẫm máu nhất. Kể về chuỗi ngày dài trước khi được lên tàu ANK LINES, anh Thuật còn chưa hết bàng hoàng: “Tôi còn nhớ đầu buổi chiều ngày hôm đó, khi cả đội chúng tôi đang làm việc trên công trường thì nghe tin có một nhóm người biểu tình. Ban đầu chúng tôi cũng chẳng quan tâm vì nghĩ rằng cảnh sát sẽ nhanh chóng ổn định trật tự. Nhưng đến cuối buổi chiều, khi trở về lán trại, cả đội kinh hãi khi thấy cả một biển người với những tiếng hò hét hung tợn, cùng đó là cảnh ngổn ngang, ly tán diễn ra khắp thành phố”.
Nỗi kinh hoàng lớn nhất với anh Thuật và các đồng nghiệp là khi họ về đến trạm cảnh sát ở gần khu lán trại thì thấy tất cả như một đống tro tàn. Mọi thứ đã bị đập phá, đốt cháy và gần như bị san phẳng. Một bóng cảnh sát cũng không còn. Và từ lúc đó, thành phố Banghazi bắt đầu rơi vào cảnh bạo loạn với hình ảnh của kẻ chạy xuôi, người trốn ngược.
Tiếp lời anh Thuật, anh Hoàng Minh Tuấn (Quảng Trạch - Quảng Bình) góp chuyện: “Tình hình căng thẳng từng lúc gia tăng, chúng tôi buộc phải ở trong nhà không được đi ra ngoài. Tâm lý anh em đã bắt đầu hoang mang. Tiếng súng nổ trong thành phố ngày càng nhiều. Nỗi lo lắng cực độ khi chúng tôi nhìn ra cửa kính thấy giao tranh diễn ra ngay bên ngoài đường phố. Người dân và cảnh sát đọ súng như trong phim hành động. Ai ai cũng nháo nhác tìm cách trốn chạy thoát thân”.
Chứng kiến cảnh lộn xộn ấy, nghe tiếng vỏ đạn rơi lộp bộp trên mái nhà, nhiều người trong nhóm anh Tuấn run bần bật. Thậm chí, những viên đạn lạc nhiều lúc sượt ngay qua cửa. Sáng dậy, có hôm mở cửa, mấy anh em nhặt được cả vốc vỏ đạn.
Anh Tuấn nối tiếp câu chuyện trong sự ngập ngừng: Khi thành phố Banghazi nằm trong kiểm soát của người dân, súng và đạn được bày bán ngoài chợ nhiều và rẻ như… rau. Những thanh thiếu niên chừng 15, 17 tuổi đã được phát súng. Thanh niên vác đủ loại súng đi lại đầy đường. Nhiều lúc họ đột nhiên xả một tràng đạn dài lên trời hay nhằm vào những chiếc xe cảnh sát nằm cháy bên đường. Tất cả cảnh sát trong thành phố đều cởi áo bỏ chạy nếu không muốn bị hành xử bằng cách treo cổ ngay khi bị người dân bạo loạn bắt giữ để hành hạ.
“Tuy nhiên, những lao động người Việt cũng không bị họ gây khó dễ gì. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, những lao động người Việt luôn tỏ ra thân thiệt với họ, thường xuyên mời họ thuốc lá. Những người dân Libya thỉnh thoảng còn ngồi chơi và cho chúng tôi… nghịch súng thoải mái. Nói thế thôi chứ chúng tôi chẳng mấy ai dám sờ. Chỉ nhìn thấy đã toát cả mồ hôi. Chỉ mong họ thân thiện và không làm hại gì mình thôi. Cũng may là cuối cùng chúng tôi đã về nước an toàn chứ những ngày họ giao tranh ác liệt đã khiến nhiều anh em cũng bị rơi vào tình trạng hoảng loạn” - anh Tuấn chia sẻ.
Và hành trình bôn ba vượt 1/4 quãng đường biển trên địa cầu
Dù đang ở tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” nhưng lao động Hà Văn Nhất (Thạch Hà - Hà Tĩnh) cũng phải lắc đầu lè lưỡi khi nhớ lại những ngày giờ dài đằng đẵng trên con tàu ANK LINES khổng lồ. Nhất kể: “Khi cập cảng mua được thực phẩm thì bữa ăn chủ yếu là khoai tây với thịt đông lạnh hầm nhừ nhưng ăn đến lần thứ 3 thì ngán không thể nuốt nổi. Khi con tàu đã cạn kiệt thực phẩm thì cả ngày chỉ được một đĩa mì. Nhất là nước sinh hoạt rất thiếu thốn. Nói chung là cuộc sống trên tàu với chúng em cũng rất đạm bạc”.
Nhất kể rằng, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn mấy anh em cũng chịu được, lo lắng nhất là hầu như không liên lạc được về với gia đình do sóng điện thoại phập phù. Nhiều đêm đứng nhìn ra biển mênh mông đen kịt, cả mấy anh em khóc nức nở vì nhớ nhà, nhớ quê hương da diết.
Lịch trình cập bến của tàu ANK LINES bị chậm lại nhiều ngày so với dự định cũng khiến nhiều lao động rất lo lắng. Bởi tàu du lịch ANK LINES chỉ chuyên chở lượng người khoảng trên dưới 500 và tích trữ lương thực cho đủ lượng người đó; nay được huy động chở hơn 1.000 lao động khi cấp thiết nên thiếu thốn, chậm lịch trình là điều tất yếu. Trong hành trình dài gần 1/4 quãng đường biển trên địa cầu, con tàu đã phải liên tục cập cảng để tiếp lương thực, thực phẩm và nước để đáp ứng đủ cho sinh hoạt của hơn 1.000 con người. “Quãng thời gian gần 10 ngày tàu dừng lại để sửa chữa tại Singapore rồi lại gặp áp thấp nhiệt đới tại Malaisya khiến anh em chúng tôi lo lắng và nóng ruột như lửa đốt” - công nhân Lê Công Nghị (Triệu Sơn - Thanh Hóa) bày tỏ.
Hành trình hơn 30 ngày qua Ai Cập, kênh đào Xuy-ê, Jocdanni, Srilanka, eo biển Singapore - Malaysia trước khi cập cảng Cái Lân, TP Hạ Long, Quảng Ninh với anh Nguyễn Đức Đương (Hà Đông - Hà Nội) dẫu sao cũng là một cơ hội bôn ba hiếm có trong cuộc đời. Anh nói rằng, khi còn đi học anh đã nghe đến cái tên kênh đào Xuy-ê, việc được đi qua và chứng kiến con kênh đào nổi tiếng thế giới này với anh Đương và những lao động cùng chuyến hành trình là một cơ hội mà trước đó họ chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Như vậy, hơn 10.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya đã chính thức được trở về quê hương để đoàn tụ với gia đình sau những nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan ban ngành nhà cũng như các đơn vị sử dụng lao động nước ta. Trao đổi với PV Dân trí tại buổi tiếp đón đoàn lao động cuối cùng về nước, ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Cùng với việc hỗ trợ trước mắt mỗi lao động về nước 1 triệu đồng, Bộ đang tích cực kêu gọi các doanh nghiệp trong nước tạo điều kiện việc làm cho các lao động mới về đồng thời xúc tiến tìm các nguồn lao động ngoài nước cho những lao động có nhu cầu để giúp các lao động nhanh chóng ổn định cuộc sống”.
Quốc Đô - Anh Thế