(Dân trí) - Tuyến đường ven biển tỉnh Bình Định dài hơn 115km, dần hiện lên như một bức tranh tuyệt đẹp, không gian đô thị, dịch vụ mới, tạo ra những giá trị khác biệt cho địa phương này.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2021-2025, xác định mục tiêu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung.
Để hiện thực hóa nhiệm vụ này, lãnh đạo tỉnh Bình Định xác định xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này.
Theo ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định, đường ven biển (ĐT639) đi qua Bình Định có điểm đầu kết nối với đường bộ ven biển tỉnh Quảng Ngãi, tại ranh giới giữa Bình Định và Quảng Ngãi, điểm cuối kết nối với đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên, có chiều dài 115km. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng với 8 dự án thành phần dài 99km, còn lại tận dụng quốc lộ 1D khoảng 16km.
Đến nay, có 5/8 dự án đã đưa vào sử dụng hoặc gần hoàn thành, các dự án còn lại được đặt mục tiêu thực hiện xong vào cuối năm 2025.
"Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường ven biển nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, tạo động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có biển.
Mặt khác, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương, củng cố quốc phòng, an ninh. Đặc biệt sẽ tạo điều kiện tốt để mở rộng quỹ đất phát triển đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch; phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai", ông Phong nói.
Ông Phạm Trương, Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn, cho biết, đường ven biển tỉnh Bình Định, đoạn đi qua khu vực phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, vừa đưa vào sử dụng, góp phần mở rộng không gian đô thị Hoài Nhơn về phía biển. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đặc biệt là kích cầu du lịch phát triển của địa phương.
Còn ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho hay, tuyến đường ven biển, đoạn Cát Tiến đến Mỹ Thành (đoạn Cát Tiến - Đề Gi, Đề Gi - Mỹ Thành) khánh thành, đã tạo không gian phát triển quỹ đất mới, phát triển công nghiệp, dịch vụ. Huyện Phù Cát cũng đã tạo ra được quỹ đất hơn 4.000ha dọc các xã, thị trấn ven biển này.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định, mạng lưới đường bộ trên địa bàn dài hơn 11.200km. Toàn tỉnh Bình Định có hơn 886km đường đô thị, tập trung chủ yếu tại thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn, chủ yếu là đường 2-4 làn xe.
Đường giao thông nông thôn ở tỉnh Bình Định chủ yếu là đường bê tông với tổng chiều dài hơn 9.000km, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản, phát triển đời sống.
Ông Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho biết, hạ tầng giao thông có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo động lực mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thương mại…
Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải cùng vào cuộc. Tỉnh tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm. Đặc biệt, tuyến đường ven biển sẽ tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, đến nay, Bình Định có kết cấu hạ tầng hết sức đồng bộ, hạ tầng giao thông kết nối sân bay, cảng biển, tới đây là cao tốc kết nối. Cảng Quy Nhơn đang được nạo vét để đón tàu trọng tải lớn, hệ thống đường ven biển tiếp tục đầu tư, hoàn chỉnh.
"Việc hoàn chỉnh và đồng bộ kết cấu hạ tầng cho phép tỉnh quy hoạch không gian phát triển mới cho đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch…, tạo hành lang vận tải quan trọng nối cảng biển Quy Nhơn, cảng hàng không Phù Cát với các vùng, miền trong nước và quốc tế", Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho hay.
Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ Giao thông hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng tuyến cao tốc và trạm dừng nghỉ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn qua địa bàn tỉnh; hoàn thành nâng cấp, mở rộng quốc lộ 19 thuộc dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; tham gia lấy ý kiến thực hiện dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, dự án Cảng hàng không Phù Cát, mở rộng Cảng Quy Nhơn; góp ý quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng… thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Ông Hồ Quốc Dũng cho biết thêm, thời gian gần đây, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên trước sự "thay da đổi thịt" khi quay trở lại Bình Định.
"Nhiều người hỏi tôi rằng, Bình Định đã làm những gì để trong thời gian ngắn mà có những thay đổi tích cực nhanh đến như vậy. Tôi trả lời vui rằng, để kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh chóng nên tập trung mở đường", ông Dùng chia sẻ.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trong đó đường ven biển hoàn thành, sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát huy hiệu quả tiềm năng về biển của tỉnh, nhất là phát triển du lịch. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, tạo nguồn thu ngân sách của địa phương.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TPHCM, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia khẳng định, hạ tầng giao thông là yếu tố sống còn của bất kỳ địa phương, vùng kinh tế nào, tác động rất mạnh đến thị trường bất động sản.
Những năm qua, Bình Định là một trong vài tỉnh chủ động, sáng tạo, đầu tư mạnh mẽ và thành công nhiều dự án giao thông, nhờ đó đã thu hút nhiều nhà đầu tư về với địa phương.
Hạ tầng giao thông hoàn thiện, đô thị lõi thành phố Quy Nhơn được nối liền với các hướng đông, bắc, tây, nam bởi quốc lộ 19 mới, tuyến đường tây nam cửa ngõ Quy Nhơn đến Khu công nghiệp Becamex, đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài đến Cảng hàng không Phù Cát, tuyến ven biển Đề Gi…
Đặc biệt, đường ven biển của Bình Định đang nổi bật nhất khu vực miền Trung, khi hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển kỳ diệu về đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch ven biển, tạo đột phá phát triển kinh tế cho tỉnh.
Tiến sĩ Trần Du Lịch còn ví đường ven biển tỉnh Bình Định đẹp như "đường bờ tây nước Mỹ", sau khi đích thân ông trải nghiệm đi trên các đoạn, tuyến đã đưa vào sử dụng.
Hồi đầu năm, tại lễ khánh thành dự án đường ven biển đoạn qua huyện Phù Mỹ (Bình Định), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, đường ven biển qua tỉnh Bình Định hoàn thành sẽ tạo ra những khu đô thị mới, dịch vụ mới, tạo ra những giá trị mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý, khi có con đường ven biển mới, phải quy hoạch theo tinh thần phía đông của con đường, xây dựng các khu vui chơi, giải trí, du lịch; phía tây quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị. Như vậy mới khai thác hiệu quả và phải làm ngay quy hoạch để giữ đất, tránh tình trạng lấn chiếm.
Đường ven biển qua địa phận tỉnh Bình Định thuộc hệ thống đường ven biển quốc gia, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/1/2010. Tuyến đường được xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với tổng chiều dài tuyến 115km.
Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng đã tạo ra tuyến giao thông hết sức quan trọng, mở rộng không gian phát triển, giúp khai thác hiệu quả quỹ đất và tiềm năng kinh tế biển, du lịch, dịch vụ của khu vực; tạo trục cảnh quan kết nối các huyện, thị xã với thành phố Quy Nhơn; hình thành tuyến đường cứu hộ, cứu nạn nhân dân trong mùa mưa bão và đảm bảo công tác an ninh, quốc phòng vùng ven biển tỉnh Bình Định.