Đương tỏ dần góc khuất một gia tộc (Kỳ 4)
Thời gian ở Paris, Phạm Quỳnh có gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ít nhất hai lần. Trong số tư liệu gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên lưu giữ, tôi có được xem hai trang của cuốn sổ tay dạng lịch mà Phạm Quỳnh ghi chép. Đó là thứ Năm, ngày 13 và Chủ nhật ngày 16/7/1922.
...Nhiều người tin rằng, người Pháp và nước Nam có thể lấy tình thân ái mà xum hiệp một nhà, coi nhau như anh em và cùng nhau ra công giúp sức cho nước Nam được tiến bộ nhưng sự thực khó lòng mà thành hiện thực được! Người Tây bao giờ cũng giữ bề trên. Người Nam bao giờ cũng giữ phận dưới có bình đẳng đâu mà thiệt lòng thân ái như anh em một nhà được. Những mong lấy tình thân ái mà gây thành một nền Pháp Việt vững bền thì e rằng còn sớm quá! (Một tháng ở Nam Kỳ. NXB Văn học tr.176). Và thơ ngây nữa? Kêu gọi Pháp trao quyền quốc gia, quyền dân tộc, trao cho Tổ quốc mà thờ? Dễ dàng quá!?
Đi thăm Nam Kỳ, thấy đồng ruộng thẳng cánh có bay, đất đai phì nhiêu dễ làm ăn, ông nóng lòng xót ruột thốt lên lời than rằng, tại sao dân Bắc lại không vào đây mà sinh cơ lập nghiệp, bám chi lấy xứ Bắc Bộ, đất đai bạc màu manh mún, lụt lội, hạn hán triền miên mà không biết rằng, người nông dân Nam Bộ khi ấy đang bạc mặt vì trăm ngàn phương thức bóc lột của những điền chủ giàu có đang có rất nhiều người phải bỏ xứ, bỏ ruộng mà đi! Chao ôi có chút chi đó tồi tội và mong manh khi ông tâm sự với tư cách là nhà kinh tế, nhà chính trị như thế?
Ông ôm ấp hoài bão trở lại với văn chương đã bị gián đoạn tạm thời. Ông khởi viết một số bài gom dưới đề kiến văn cảm tưởng, nghĩa là suy ngẫm về những điều đã nghe đã thấy cùng dịch nôm và bình nghĩa 51 bài thơ của Đỗ Phủ... Trong đó ông mặc nhiên và tế nhị ký thác cả một tâm sự phong phú và đa dạng của một nhà văn phong nhã hào hoa lạc lõng nơi bể hoạn sinh bất phùng thời! Non 6 tháng sau, vào một buổi sáng mùa hè... Buổi sáng ngày 23/8 định mệnh... Ông được chính quyền cách mạng mời đi họp tại nguyên trụ sở Tòa Khâm sứ, Phạm Quỳnh lanh lẹn vô tư khăn áo ra đi, tình cảm chào hẹn với người thân chiều sẽ về.
Nhưng rồi ông không bao giờ trở lại!
Mãi 11 năm sau, năm 1956 gia đình mới tìm thấy di hài của ông tại khu rừng Hắc Thú, cách kinh thành Huế khá xa, một địa điểm hiểm trở xa vắng, đêm đêm thường có thú dữ lai vãng. Nhờ hỏi thăm các chứng nhân còn sống mới biết Phạm Quỳnh mất ngày 6/9/1945. Di hài Phạm Quỳnh được gia đình cải táng ngày 9/2/1956 tại Huế, đặt trong khuôn viên chùa Vạn Phước. Mộ chí ghi chú bằng Hán tự thật đơn giản Nam Phong chủ bút Phạm Quỳnh Thượng chi. Bằng chất giọng ngậm ngùi, bà vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên đã kể tôi nghe chuyện di dời thi hài Phạm Quỳnh về chùa Vạn Phước mùa xuân năm Thân mà bà đã nghe người chị gái cùng em trai chồng trực tiếp làm việc ấy...
Sau khi tìm được mộ, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức lễ sang cát cho Ngô Đình Khôi cực kỳ long trọng. Bởi vì hai người (Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh) cùng chung một nấm nên đành phải thực hiện việc sang cát cùng một lúc. Thế là một bên cờ quạt trống chiêng thanh la não bạt cúng kiếng rầm rĩ. Một bên lặng lẽ thui thủi chỉ có hai chị em... Họ nhận ngay ra cha mình bởi cặp kính quen thuộc. Hai người ôm cái tiểu đựng hài cốt cha rồi thuê thuyền xuôi dòng Hương Giang đáp về mạn chùa Vạn Phước. Ngôi chùa mà lúc sinh thời, khi ở cương vị Đổng lý Ngự tiền và Thượng thư Bộ Học lẫn Bộ Lại, mỗi khi có việc chi căng thẳng, Phạm Quỳnh thường tới đây một mình để di dưỡng...
Nhà chùa từ lâu giành cho ông một trai phòng lẫn chiếc ghế xích đu. Sư trụ trì từ lâu vốn quen thân với ông Thượng thư Phạm Quỳnh, bữa ấy đã lặng lẽ đón người quen cũ vào khuôn viên của chùa. Nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng cho tôi hay, nhà chùa hiện còn giữ một vài kỷ vật của Phạm Quỳnh như hoành phi câu đối. Cả bức hoành 4 chữ Thổ nạp Á Âu (Thâu nạp văn minh Âu Á) nói lên tiêu chí của tờ Nam Phong nghe đâu là thủ bút của Phạm Quỳnh hiện chùa vẫn giữ. Một lần nhạc sĩ có ý xin nhưng sư trụ trì, một người mới nhã nhặn rằng: “Chúng tôi đã có di huấn là cụ nhà có nhiều kỷ niệm ở đây, cứ để cho bản tự lưu giùm”...
Phạm Quỳnh và cuộc gặp với Nguyễn Ái Quốc
Thời gian ở Paris, Phạm Quỳnh có gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ít nhất hai lần. Trong số tư liệu gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên lưu giữ, tôi có được xem hai trang của cuốn sổ tay dạng lịch mà Phạm Quỳnh ghi chép. Đó là thứ Năm, ngày 13 và Chủ nhật ngày 16/7/1922. Thứ Năm ngày 13, Phạm Quỳnh ghi trong sổ tay thế này “Ăn cơm An Nam với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường (6 Ville de Gobelines)”. Việc đó đã được Phạm Quỳnh ghi chi tiết trong “Pháp du hành trình nhật ký như sau”:
...Anh em đi dạo chơi một lượt các phố đông cho biết, cái cảnh ngày hội ở Paris thế nào. Những đường phố sang trọng xem ra lại không vui bằng những xóm bình dân thuyền thợ. Hội này thật là hội của bình dân mà phàm những cuộc vui bình dân người thượng lưu vẫn không muốn dự. Cho mới biết, dẫu ở nước dân chủ bình đẳng các giai cấp vẫn có ý muốn đặc biệt nhau và sự bình đẳng hoàn toàn, có lẽ không bao giờ có được! (Pháp du hành trình nhật ký. NXB Hội Nhà văn 2004. tr.308-309).
Còn ngày Chủ nhật 16/7/1922, trong sổ tay, Phạm Quỳnh ghi ở nhà Trường, Ái Quốc và Chuyền đến chơi. Chi tiết cuộc gặp được ghi trong Pháp du hành trình nhật ký (Sách đd. Tr. 313) như sau: Trưa mấy ông chí sĩ cùng ăn cơm bữa trước lại nơi ở trọ nói chuyện giờ lâu. Nghe nói các ông đi đâu cũng có bọn trinh tử đi theo sau, chắc bọn đó đứng đâu ngoài cửa cả. Người đồng bang ở nơi khách địa không thể không gặp nhau, gặp nhau không thể không nói chuyện nước nhà. Lòng người ai chẳng thế tưởng cũng chẳng là sự phi phạm gì cả. Xem ra mấy ông ở đây bấy lâu vẫn được yên ổn vẫn được tự do. Còn trinh sát là phận sự của các chính phủ dẫu nước nào cũng vậy, chẳng lấy làm lạ.
Đọc những dòng ghi chép ngắn ngủi trên, có cảm giác thòm thèm, hâng hẫng thế nào! Nếu như chi tiết hai cuộc gặp ấy được người ghi nhật ký cụ thể hơn, chi tiết hơn thì mai hậu sẽ có biết bao điều thú vị. Gặp nhau không thể không nói chuyện nước nhà và ăn cơm ta bàn chuyện ta thật thỏa thích... Chuyện gì vậy nếu không là những chuyện, những việc gặp nhau ở cái chí mưu cho việc tự tôn tự cường dân tộc? Chắc bạn đọc cũng thể tất cho tác giả cuốn nhật ký vì nhiều lẽ... Nhưng nội cái việc hai cuộc gặp ấy đều có mật thám canh chừng ở ngoài và đi chơi đều bị bám đuôi như thế đủ biết, nếu không có sự đồng thanh đồng khí ở một vài điểm nào đó thì Phạm Quỳnh khó có thể có sự can đảm để gặp gỡ đến hai lần như vậy mà không ngại bị liên lụy này khác?
Một tư liệu nữa cũng xin được chép ra đây để bạn đọc rộng đường tham khảo, ngõ hầu biết thêm tại sao Bác Hồ của chúng ta đã dứt khoát và sáng suốt tìm đến chủ nghĩa Mác - Lê Nin, coi đó là kim chỉ nam cho đường lối cách mạng của mình. Như sau này Người đã từng viết “...ngồi một mình trong buồng mà tôi như những muốn nói to, hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ, đây là…”.
Đây là hồi ức của cụ Lê Thanh Cảnh về cuộc gặp ở Paris năm 1922 giữa Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Cao Văn Sến, Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh. Tài liệu riêng của gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên cung cấp. Cụ Lê Thanh Cảnh, nguyên là học sinh Quốc học Huế, từng du học ở Pháp vào thập niên 20 của thế kỷ XX. Sau đó cụ về Việt Nam làm nghiên cứu văn học, triết học cho đến ngày Giải phóng miền Nam cụ vẫn ở Huế... Tài liệu do Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện hiện công tác ở Ban Lý luận văn học, Viện Văn học cung cấp cho gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên tháng 9/1998. Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã sao chụp tài liệu này từ một cuốn hồi ức có tên là “Rời mái tranh trường Quốc học” của các cựu học sinh Trường Quốc học Huế. Tài liệu hiện lưu tại trường quốc học...
Đoạn mở đầu hồi ức về Trường Quốc học Huế cụ đã viết:
...Sau khi đưa bản thảo về trường quốc học, tôi đã khẩn khoản xin ông Hội trưởng Hội Ái Hữu, cựu học sinh trường quốc học cho tôi xin được đặt dấu chấm hết sau bài đã đăng vào số 2. Nhưng tôi không khỏi thắc mắc khi thấy ông Hội trưởng nghĩ sao không biết mà lại cho thêm hai chữ còn nữa buộc tôi hôm nay phải đến cùng quý vị góp món nợ bút nghiên đối với mái trường yêu mến của tất cả chúng ta.
Sở dĩ tôi xin đặt dấu chấm hết là vì nói nhiều về chuyện xưa tích cũ thì không thể bỏ ra ngoài được cái tôi đáng ghét! Một lần nữa tôi xin quý độc giả lượng tình thể tất cho tôi trước khi nghe tôi kể chuyện Anh Quốc (Nguyễn Ái Quốc) và tôi trên đất Pháp. Vì bất cứ trường hợp nào cái tôi đáng ghét ấy, nó cứ ló rạng ra mãi. Mà nó ló rạng không phải vì danh vì lợi nào khác! Vì suốt đời không bao giờ tôi chạy theo bả vinh hoa. Một việc này minh chứng cho tôi là sau khi Nam Triều và Bảo hộ thỏa thuận chấp nhận ký danh hậu bổ vào quan lại, tất cả Tham tá ngạch tòa sứ thì tôi và ông ứng Thuyên (?) tự nhiên chẳng ai bảo ai cấp tốc đệ đơn xin được xóa tên!
Dẫu sao tôi quả quyết rằng, gặp cảnh ngộ nào khó khăn, gay cấn đến đâu, tôi cũng đã làm tròn bổn phận con người và lãnh trọn vinh nhục của nó.
Ông Trần Đức nói khẽ vào tai tôi bảo, hai anh em chúng mình mời 4 cụ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Ngọc Thiện, Cao Văn Sến đến chiều hôm ấy dùng cơm tại khách sạn Montparnasse. Chúng tôi nhận mời thêm cụ Phan Tây Hồ, anh Quốc, vợ chồng Trần Hữu Tường và ông Hồ Đắc Ứng.
Bữa tiệc này tuy chỉ có 10 người mà câu chuyện rất mặn mà, sôi nổi vì có sự hiện diện của 5 nhân vật phi thường ngồi chung tại một bàn.
5 nhân vật ấy theo khuynh hướng chính trị khác nhau mà gặp nhau trong một lúc trên con đường tranh đấu xa quê hương nên trong sự va chạm ấy cũng có nẩy lửa đôi chút. Nhưng ông Đức và tôi là chủ mời muốn giữ mãi hòa khí giữa đồng bào nên chúng tôi hết sức niềm nở và tìm đủ cách để dung hòa các khuynh hướng, thành ra bữa tiệc chính trị mà mãi sau này mỗi khi chúng tôi gặp lại nhau đều thừa nhận là chúng tôi đã tỏ ra hết sức cởi mở và hiếu hòa.
Ông Đức và tôi đứng lên nhã nhặn thành kính xin tất cả quan khách đã gặp nhau đây có thể cùng nhau tìm một giải pháp cứu quốc và kiến quốc để khỏi mang tội với các vị tiền bối đã qua đời và các vị tiền bối hiện nay còn vất vả bôn ba ở hải ngoại cũng như còn ở trong lao tù.
Tôi xin nói tiếp tại đây, có 5 nhân vật lỗi lạc trên chính trường, tôi xin nêu danh sách và khuynh hướng để cùng nhau biết rõ lập trường của mỗi chiến sĩ để tranh luận cho có hiệu lực.
Tôi xin thưa qua danh sách, danh tánh và khuynh hướng chính trị, có chỗ nào sai lầm xin đương sự làm ơn cải chánh cho cử tọa nghe. Tôi xin thưa:
1. Cụ Phan Châu Trinh đồng chí với tôi. Cụ đã làm quan, bỏ về theo đường cách mệnh. Đi Nhật về nước bị tù đày ra Côn Lôn. Nhờ Hội Nhân quyền Pháp can thiệp, được Pháp trả tự do, qua Pháp sống lay lắt, gặp chiến tranh không chịu đi đánh giặc nên bị giam cầm một thời gian. Nay chủ trương Lao tư cộng tác ỷ Pháp cầu tiến bộ.
2. Anh Nguyễn Ái Quốc trốn ra khỏi nước nhà. Qua Pháp. Qua Anh rồi trở về nước Pháp, chủ trương cách mệnh triệt để.
3. Ông kỹ sư Cao Văn Sến viết báo bằng Pháp văn, cực lực phản đối thực dân Pháp ở Đông Dương. Đường lối tranh đấu cho Tổ quốc Việt Nam gần như của cụ Phan Tây Hồ và cũng thiên về đảng Lập hiến Đông Dương của cụ Bùi Quang Chiêu.
4. Ông Phạm Quỳnh, Chủ nhiệm Tạp chí Nam Phong chủ trương Quân chủ lập hiến.
5. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ nhiệm Báo Trung Bắc Tân Văn chủ trương Trực trị và kịch liệt phản đối quan lại Nam Triều mà ông không còn tin tưởng được nữa.
Kính xin quý vị dùng cơm vui vẻ và lần lượt giải thích, thảo luận, trình bày những khía cạnh chủ truương của mình mà anh em còn thắc mắc.
Cụ Phan Tây Hồ bắt đầu nói: Tôi đã gặp Nguyễn Ái Quốc từ 10 năm trước đây mà tôi thấy chủ trương Cách mệnh triệt để quá táo bạo nên tôi không thể nào theo anh được. Và anh cũng không chấp nhận đường lối của tôi. Anh phải đi qua nước Anh rồi về đây. Và rồi có anh Cảnh, bạn thân của anh và cũng là đồng chí với tôi có tìm đủ cách để dung hòa đường lối tranh đấu mà mong muốn cho chúng tôi xích lại gần nhau. Nhưng tôi thấy còn khó...
Anh Quốc tiếp lời: Mấy hôm nay anh Cảnh qua đây có tiếp xúc nhiều với tôi và có nói cho tôi một câu ước mơ của cụ Trần Cao Vân: “Nếu cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân thành công thì sau này việc đầu tiên chúng ta sẽ làm là viết chữ Việt Nam, không phải là Tuất một bên mà phải viết chữ Việt là Phủ Việt. Rìu búa mới kiện toàn được sự nghiệp cách mệnh”. Sở dĩ tôi chủ trương cách mệnh triệt để là xưa nay muốn giành độc lập cho Tổ quốc và dân tộc thì không thể nào ngả tay xin ai được mà phải dùng sức mạnh như cụ Trần Cao Vân đã nói là phải dùng.
BÚA RÌU!
Ông Nguyễn Văn Vĩnh cướp lời ngay: Tôi đã đứng trong hàng ngũ Đông Kinh Nghĩa Thục cùng các bậc tiền bối và rất đau đớn thấy hàng ngũ lần lượt tan rã và hầu hết phần tử ưu tú chiến sĩ quốc gia bị tiêu diệt. Hết phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Chiến khu Yên Thế của Đề Thám ở Bắc rồi đến vụ xin thuế ở miền Trung rồi đến Thiên Địa hội và phong trào kháng chiến ở Nam, Phong trào Cần Vương ở Trung trước sau đều bị phân tán đến nỗi ngày nay tất cả các tổ chức cách mệnh ấy chỉ còn cái tên trong ký ức chúng ta thôi.
Bao nhiêu chiến sĩ đều gục ngã hoặc vất vưởng sống ở Côn Đảo, Thái Nguyên, Lao Bảo hay Buôn Mê Thuột. Bạo động như anh Quốc vừa nói là thậm nguy! Tôi không muốn khóc anh Quốc bị tiêu mà khuyên anh khôn khéo chèo chống cho qua cơn sóng gió hãi hùng, cẩn trọng hoài bão, chí khí và nhiệt huyết để phụng sự Tổ quốc và dân tộc.
Hiện nay khó mà có được những người can trường đanh sắt như anh. Sở dĩ tôi theo lập trường TRỰC TRỊ (admininistion directe) là bởi kinh nghiệm cho tôi thấy Nam Kỳ trực trị mà tiến bộ quá xa hơn Trung với Bắc. Mà Bắc Kỳ nhờ chế độ mập mờ nửa bảo hộ nửa Trực trị (không công khai) mà còn hơn Trung Kỳ quá xa. Chính vì thế, Bảo hộ tại Trung Kỳ là quá lạc hậu, đồng bào chúng ta, trong đó còn trong tình trạng ngu muội. Cứ Trực trị cái đã rồi sau khi được khai hóa theo đà tiến bộ thì tức khắc dân chúng tự có sức mạnh mà trồi đầu lên. Nói Trực trị tôi chẳng khi nào chịu giao nước Nam cho Tây đâu. Quá khứ đường lối tranh đấu của tôi, cuộc đời thiếu thốn của tôi đã hùng hồn đảm bảo cho lời nói của tôi hôm nay.
(Xem tiếp kỳ sau)
Theo Xuân Ba
Petrotimes