1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đương tỏ dần góc khuất một gia tộc (Kỳ 1)

Có một gia đình thuộc vào loại hiếm có trong lịch sử hiện đại nước ta mà qua mấy thế hệ con cháu đã đóng góp cho xã hội những nhân tài nổi tiếng, có những đóng góp to lớn cho dân tộc. Đó là gia đình nhà văn hóa Phạm Quỳnh (1892-1945).

Hơn nửa thế kỷ trôi qua từ khi Phạm Quỳnh từ giã cõi trần, những thông tin về ông vẫn chưa đầy đủ và những thế hệ con cháu ông cũng còn nhiều người chưa được biết.

 

Cách đây hơn 7 năm, nhà văn Xuân Ba đã ngược dòng thời gian, tìm hiểu và phát hiện thêm những sự kiện, tình tiết mang ý nghĩa lịch sử và văn hóa về gia tộc của vị Thượng thư Phạm Quỳnh. Báo điện tử Petrotimes sẽ giới thiệu với bạn đọc nội dung ghi chép ấy.

 

Ca khúc có con số kỷ lục cả về người hát lẫn người nghe và giai điệu được phát nhiều nhất, đông nhất là bài “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, dường như phá cả kỷ lục “Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa” hồi mới hòa bình lập lại trên miền Bắc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý? Hình như có một lần tôi đã mang nhận xét ấy mà hỏi nhạc sĩ Phạm Tuyên bởi ông là tác giả... Hỏi thế bởi nghĩ có nghệ sĩ nào mà lại sao nhãng với những đứa con tinh thần của mình? Nhưng nhạc sĩ vẫn cung cách lặng lẽ và cái cười lặng lẽ cố hữu bao năm, “mình cũng không biết nữa”...

 

Không biết (nhạc lẫn hát) nhưng thích nghe hát! Cố tật ấy tôi đã lẫn vào trong bạt ngàn của thiên hạ và hằng bao năm nay (như một số đông, tôi chắc thế) là trong các hướng ngoảnh, tôi vẫn có một “góc” Phạm Tuyên trong sự chú mục mỗi khi lòng dạ chùng xuống không phải chặt chẽ lẫn căng thẳng trên hành lộ mưu sinh. Như mỗi lúc lòng mình đang chùng khi ngồi với nhạc sĩ trong căn gác nhỏ dùng làm phòng khách. Hình như có mấy bận di dời khi “Bê năm hai tan xác cháy sáng bầu trời, hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời”... là cái đận căn nhà của nhạc sĩ trong khu tập thể Đại La, Đài Tiếng nói Việt Nam nát tan vì bom Mỹ năm 1972.

 

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh
Nhà văn hóa Phạm Quỳnh

 

Bây giờ thì lánh ra làng Vạn Bảo nhưng có vẻ tùng tiệm so súi tận tầng ba của một khu tập thể chật người, lúc nào guốc dép cũng cứ khua rộn cầu thang. Phòng khách chật và thấp nhưng các góc cũng nhô ra một cách khiêm tốn với những ấn phẩm nhạc mà Phạm Tuyên đã viết từ năm 1950. Hơn 600 bài tính đến tiết ngâu năm Dậu 2005.

 

Như một người chép sử có duyên. Từng bài, từng bài như một sự chào, sự làm quen tử tế suốt lượt những nam phụ lão ấu... “Tiến lên đoàn viên em ước ao bao ngày...”, “Ai bảo rừng xanh là quái ác...”, “Hồng như màu của bình minh. Đỏ như màu máu của mình tim ơi...”, “Từ một ngã tư đường phố...”, “Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua...”, “Thương cái rét của thợ cày thợ cấy...”, “Việt Nam Hồ Chí Minh” v.v... và v.v... Những giai điệu mà ngành nào, giới nào cũng tự nhận nhạc sĩ viết riêng cho mình!

 

Đạt được tầm ấy, xếp vào thang bậc như vậy lại chả sướng sao? Và cũng lô nhô vô số phần thưởng, trong đó có chứng nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I (năm 2001). Một bức hoành sơ sài nhưng treo hơi bị sái chắc chưa có điều kiện khắc tử tế nhưng nếu có làm được thì không gian cũng hơi bít bùng. Tôi được nhạc sĩ giải thích 4 chữ của bức hoành ấy là “Thổ nạp Á Âu” bằng chữ Nôm. Ấy là cô đúc tinh thần hành động của Tạp chí Nam Phong suốt 17 năm trên 210 số tạp chí từ năm 1917 đến 1934.

 

Còn phía góc kia là 12 chữ Nôm vuông thành sắc cạnh được viết rất sắc nét theo lối câu đối của một người tốt chữ, bạn của nhạc sĩ “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Chữ trên hoành trên đối ấy là của thân phụ nhạc sĩ, nhà văn hóa Phạm Quỳnh!

 

Có lần tôi tò mò hỏi trong 13 người con của cụ Phạm Quỳnh có ai “phát” về đường nhạc ngoài nhạc sĩ Phạm Tuyên? Nghe chuyện của nhạc sĩ đâm giật mình... Thì ra trên nhiều số báo Nam Phong, ông chủ bút Phạm Quỳnh đã trực tiếp bàn, trực tiếp viết về loại hình cũng như thể thức cung cách của hát cô đầu, hát xẩm, hát trống quân nhiều bận! Cái khiếu âm nhạc ấy nhạc sĩ Phạm Tuyên hưởng của ai nhỉ? Cụ Phạm ông, cụ Phạm bà, của chị gái, anh rể?... Cái giật mình xen sự ngỡ ngàng bởi thời nay hầu như đã vắng bặt những kiểu gia thế như thế, bởi mình đang chạm vào cánh cửa của một gia tộc không thường?

 

Cụ Phạm có 16 người con cả thảy. Nhưng không may khuyết mất ba đốt hồi còn bé. Mà chỉ có một người vợ! Quả là “dưỡng nhân loại chi công”.

 

Cụ Phạm là một người cha, người ông mẫu mực. Là người nặng lòng với nhà! Trong hồi ức của những người con của cụ Phạm còn lưu lại nỗi đau của cụ Phạm khi khuyết mất ba đốt này. Cả ba bé đều chưa đầy tuổi tôi và đều mất vì bạo bệnh. Cô con gái thứ bảy của cụ Phạm mất lúc mới được nửa năm. Còn cô thứ chín chỉ vỏn vẹn có 9 tháng... Cả hai đều trắng trẻo, xinh xắn. Cụ Phạm mời một thầy thuốc người Pháp là Piquemal đến tận nhà chạy chữa hằng ngày mà vẫn không sao cứu được.

 

Hình ảnh cụ Phạm đi bộ theo chiếc kiệu tang bé nhỏ đưa con gái đến tận mộ. Vậy mà đêm về, có bận ông choàng dậy giữa đêm hoảng hốt chạy sang buồng vợ vì cứ ngỡ là con khóc. Vì cận thị nên những bận hoảng hốt như thế, cụ đâm sầm vào cửa mới bừng tỉnh! Định mệnh trớ trêu vẫn bắt ông phải mất một người con gái nữa. Đó là đứa thứ mười một. Thấy con gái xinh xắn nhỏ nhoi, ông đặt tên con là Yến.

 

Bấy giờ có nữ thi sĩ nổi danh người Pháp Jeanne Duclos Salenesse từng ở Đông Dương nhiều năm rất mến phục cụ Phạm và cũng là bạn chung của gia đình đến thăm, thấy cháu bé mới sinh, hỏi tên rồi tặng bé một bài thơ: “Xin chào chim yến nhỏ/ đã khéo chọn mẫu từ những nét của mẹ/ em xinh đẹp để ngời sáng lên như một viên kim cương/ Ơi chim Yến”...

 

Chứng minh thư (căn cước cụ Phạm Quỳnh)
Chứng minh thư (căn cước cụ Phạm Quỳnh)

 

Nhưng mới được 5 tháng tuổi thì em mắc bệnh hiểm nghèo. Chữa chạy chăm sóc thế nào bệnh vẫn cứ nặng lên. Nhiều đêm ông bế con gái dặt dẹo như một cái dải khoai để em gục đầu vào vai mà nhẹ nhàng đi quanh bức tượng Phật Bà Quan Âm bằng sứ trắng muốt cao chừng 80 phân, cổ tượng ông cho đeo một chuỗi hạt san hô đỏ. Trước tượng đặt một lư trầm thơm ngát. Ông cứ bế con trên tay như thế mà đi suốt đêm... Nhưng rồi việc lo sợ nhất cũng cứ xảy ra... Con “chim yến nhỏ” cũng bỏ ông bà mà bay đi khi tác giả bài thơ tặng bé về Pháp được một tháng!

 

Nhiều năm sau khi bà Jeanne Duclos Salenesse mất, ông có làm bài tưởng niệm trong đó có câu “Bà Jeanne Duclos Salenesse không còn nữa! Kỷ niệm về bà gắn bó với một sinh linh nhỏ nhoi thân thiết với tôi sau khi bà lên đường được một tháng đã bay về trời. Chắc nơi ấy bà sẽ gặp lại em!”.

 

...Người con cả là Phạm Giao. Khi anh con trai trưởng vào Nam mở một tiệm ăn, nhiều người dị nghị “sao ông cụ lại để ông con cả lấy nghề của chú ba Tàu?”. Cụ Phạm chỉ cười. Cái cười của một nhà Nho lạc bước, của một người tân thời không coi trật tự sĩ nông công thương làm trọng? Tôi cứ nghĩ lẩn mẩn rằng, nội hoàn cảnh của ông Giao đây (nếu trời thương cho sống cho thọ thì năm nay người con trưởng của cụ Phạm cũng đã ngót trăm tuổi trời) rơi vào một tay viết kheo khéo tránh được những phạm thượng này khác về đời tư và nếu được ông cho phép thì phải là một cuốn sách bắt mắt lắm! Vợ ông Giao là Nguyễn Thị Hy, chắc phải là một trang tuyệt sắc?

 

Bà Hy là con gái yêu của học giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1840-1942), tác giả công trình “Ca dao tục ngữ Việt Nam”. Cụ Ngọc quê ở làng Hoạch Trạch, huyện Bình Giang cũng lại cùng quê với cụ Phạm Quỳnh. Chưa thấy có tài liệu chi nói về quan hệ về mặt chữ nghĩa giữa hai ông thông gia này? Ông là một trong những nhà sưu tầm biên soạn sách văn học giai đoạn đầu thế kỷ và là người viết nhiều nhất trong nhóm “Cổ kim Thư Xã”. Bà Nguyễn Thị Hy hình như hồi ở Hà Nội đã có thiện cảm với chàng nho sinh Trần Huy Liệu, sau đó không biết nguyên cớ gì, hai người bặt tin nhau.

 

Phạm Quỳnh với Hội Ái Hữu Bắc Việt (năm 1931)
Phạm Quỳnh với Hội Ái Hữu Bắc Việt (năm 1931)

 

Như mọi người biết, bà Hy kết hôn với Phạm Giao, trở thành con dâu nhà cụ Phạm. Chưa rõ cái năm 1946 hay 1947, thời điểm bà Hy tục huyền với ông Trần Huy Liệu, ông Giao đã mất chưa nhưng một dạo người ta cứ đồn ầm cả lên chuyến đi của cụ Trần Huy Liệu nhà ta vô Huế để làm nhiệm vụ tước ấn kiếm của Bảo Đại đã phải lòng rồi sau này thành hôn thú với bà Hy!? Không phải là thời điểm đó mà là sau này?

 

Cũng nên dài dòng một chút về mối lương duyên của bà Hy với ông Trần Huy Liệu, bởi tôi đã có may mắn được gặp một người. Đó là Giáo sư Sử học Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam. Cụ Văn Tạo năm nay hơn 80 nhưng còn khá mẫn tiệp (chuyện của cụ, hay nói đúng hơn là tư liệu của cụ về Phạm Quỳnh sẽ được đề cập ở phần sau). Cụ Tạo đã viết trên Tạp chí Khoa học và Tổ quốc (số 11 năm 2005) như sau:

 

“…Cho đến nay, nhiều người vẫn hiểu sai về chuyện ông Trần Huy Liệu, như anh Trần Thành Công con trai anh Liệu đã viết về việc hiểu sai ấy trên Báo Tiền Phong tháng 11/1991 qua bài “Chuyện tình của nhà văn hóa Trần Huy Liệu” rằng, có nhiều chi tiết thêu dệt về chuyện tình của ba tôi là trong những ngày đất nước sôi sục khí thế cách mạng. Tháng 8/1945, ông Trần Huy Liệu được Chính phủ giao nhiệm vụ vào Huế tước ấn kiếm của Bảo Đại... Công việc quan trọng là thế nhưng đến xứ Huế mộng mơ, ông Liệu gặp người con dâu của Phạm Quỳnh... Tình yêu bùng cháy. Ông Liệu quên cái phương diện quốc gia của mình nên đã yêu và lấy con dâu của quan đại thần triều đình Huế... Bài báo đã trình bày rõ điều đó là hoàn toàn sai sự thật.

 

Nhưng cho đến nay, nhiều người vẫn chưa hiểu. Thậm chí ở một trường cấp III, trong giờ dạy Sử, một học sinh đã hỏi thầy: “Ông Trần Huy Liệu là một người từng giữ những chức vụ cao trong Cách mạng Tháng Tám, sao sau này lại tụt xuống như vậy?”. Thầy đã đã trả lời tương tự như có người đã nói ở trên... Cho đến gần đây tôi vẫn được nhiều người, nhất là cán bộ lão thành cách mạng hỏi về vấn đề này.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Nhạc sĩ Phạm Tuyên
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Nhạc sĩ Phạm Tuyên

 

Tôi được sống gần anh Liệu, lại được anh Văn Tân, anh Cù Huy Cận cho biết ít nhiều nên xin trình bày vắn tắt đôi điều hiểu biết của mình:

 

1. Theo biên niên sử thì Đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời vào tước ấn kiếm của Bảo Đại do Trần Huy Liệu dẫn đầu có Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận tham gia, khởi hành từ Hà Nội đi qua các tỉnh đều được nhân dân cùng chính quyền địa phương nhiệt liệt đón chào và nghe đoàn nói chuyện nên đến Huế khá muộn. Mãi đến chiều 29/8, Bảo Đại mới được tiếp kiến và nhận những điều quy định về nghi thức thoái vị do đoàn đề ra.

 

Chiều ngày 30/8, lễ thoái vị của Bảo Đại mới được cử hành ở Cửa Ngọ Môn nên kết thúc ngay ngày hôm đó để đoàn kịp về Hà Nội dự lễ ngày 2/9. Một phái đoàn quan trọng đi thực hiện một nhiệm vụ thiêng liêng trong một thời gian gấp gáp như vậy lại được bảo vệ nghiêm ngặt thì một đoàn viên nào đó sao lại có thể thực hiện được việc riêng như chuyện bịa đặt kể trên về anh Trần Huy Liệu?

 

2. Bà Hy thành gia thất với Phạm Giao, con trai Phạm Quỳnh nhưng do hoàn cảnh éo le, vợ chồng đã ly thân. Bà Hy lúc đó không còn ở Huế mà từ năm 1942, 1943 đã đem hai con về sống ở nhà riêng tại Ấp Thái Hà do thân sinh là Đốc học Nguyễn Văn Ngọc để lại nên không có chuyện gặp Trần Huy Liệu ở Huế được.

 

3. Theo anh Xuân Thủy, anh Văn Tân kể lại thì: Trần Huy Liệu từ khi còn làm ở Báo Tin tức đã để ý đến tiểu thư khuê các Nguyễn Thị Hy, con gái Đốc học Nguyễn Văn Ngọc đang đứng bán sách báo và giấy mực học sinh tại Vĩnh Hưng Long thư quán ở Hà Nội. Xuân Thủy đã muốn giúp Trần Huy Liệu tặng mấy vần thơ. Nhưng rồi nhà cách mạng Trần Huy Liệu đã phải vào tù ra khám, còn tiểu thư thì vu quy vào một gia đình quan lại. Trên một thập niên, hai bên không gặp nhau. Mãi đến cuối năm 1945, đầu năm 1946, khi Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền cũng là lúc mà tướng Lư Hán (Tàu Tưởng) có chủ trương “Cầm Hồ diệt Cộng”, các thành viên của chính phủ ban đêm phải sơ tán ra ngoại thành.

 

Trần Huy Liệu được bố trí về tạm trú ở Thái Hà Ấp và đã gặp lại bà Hy và cảm thông với những vui buồn trong cuộc đời của nhau. Nhưng cũng mãi đến dịp Trần Huy Liệu đi công tác tại những tỉnh phía bắc mới qua Lập Thạch, Vĩnh Yên và chính thức chắp nối lại mối tình với bà Hy. Việc này hoàn toàn không dính líu gì đến việc Trần Huy Liệu vào Huế cũng như không dính líu tí nào đến cái chết của Phạm Quỳnh mà có người đã suy đoán ra một cách không có căn cứ là hại cha để lấy con?!!

 

Người con gái thứ hai là Phạm Thị Giá, sinh năm 1913. Bà là vợ của quan Đốc học Trường Thăng Long Tôn Thất Bình mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thời gian là giáo sư dạy sử của Trường Thăng Long. Vợ chồng bà Giá mất đã lâu. Cũng cần nói thêm điều này, cỡ nhà Nho như lứa cụ Phạm hồi ấy là khá cẩn trọng trong việc đặt tên cho con. Nhưng cụ Phạm nhà mình chả thế... Bé Giá mới sinh trắng nõn trắng nà như cọng giá. Thấy người nhà thích dùng cái tên Giá, cụ Phạm vui vẻ và ưng thuận làm ngay việc khai sinh cô con gái: Phạm Thị Giá. Bà Giá nghe đâu có viết một cuốn hồi ký mà nhà văn Vương Trí Nhàn có mấy lần dợm hỏi nhạc sĩ Phạm Tuyên cố tìm xem đang để ở đâu ông ấy xuất bản cho! Người con thứ ba là Phạm Thị Thức, năm nay 92 tuổi.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Nhạc sĩ Phạm Tuyên
Nhạc sĩ Phạm Tuyên tặng câu nổi tiếng của Phạm Quỳnh "Truyện Kiều còn nước ta còn..." cho Hội Kiều học Việt Nam

 

Cũng như bà Giá, bé Thức mới sinh ra có cái tật chả biết lành hay dữ nhưng cứ thức ban đêm ngủ ban ngày. Chứng tật ấy lâu lâu đôi khi mang lại sự ngộ nghĩnh cho cả nhà nên cụ Phạm lại cũng chiều lòng vợ con và người nhà làm luôn tên khai sinh cho con gái là Phạm Thị Thức! Bà Thức là vợ Giáo sư Đặng Vũ Hỷ chuyên ngành da liễu. Giáo sư Đặng Văn Hỷ đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về những công trình nghiên cứu của mình. Ông bà cũng góp cho đất nước, cho cơ chế một người tài. Đó là một quan chức của Trung tâm Khoa học công nghệ, Ủy viên Trung ương Đảng Đặng Vũ Minh. Người con thứ tư là Phạm Bích, sinh năm 1918.

 

Ông Bích là Tiến sĩ Luật, lập nghiệp ở Thụy Sĩ, đã mất. Người con thứ năm là Phạm Thị Hảo, vợ dược sĩ Phùng Ngọc Duy nổi tiếng ở Hà Thành vào thập niên 50 của thế kỷ trước, hiện đang định cư ở Washington D.C. Người con thứ sáu là Phạm Thị Ngoạn, sinh năm 1922. Bà là vợ ông Nguyễn Tiến Lãng. Nguyễn Tiến Lãng vốn là con nuôi Toàn quyền Đông Dương, bố vợ lại là Thượng thư Bộ Lại, nhưng trong kháng chiến chống Pháp, không rõ tướng Nguyễn Sơn có biệt tài gì mà cảm hóa được nhà văn đa tài này, có một thời gian dài Nguyễn Tiến Lãng đã phục vụ dưới trướng Nguyễn Sơn và tham gia nhiều trận đánh.

 

Về sau hai ông bà sang định cư ở nước ngoài. Bà Ngoạn thừa hưởng gien cha hay ảnh hưởng chồng chả biết nhưng trong thời gian ở Trường đại học Sorbone Paris đã hoàn thành luận án tiến sĩ văn chương. Đề tài chính lại là những số Báo Nam Phong của thân phụ. Người con thứ bảy là Giáo sư Phạm Khuê, sinh năm 1925. Giáo sư Viện trưởng Viện Lão khoa, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, từ biệt chúng ta cách đây chưa lâu. Có lẽ hơi hiếm có một nhà khoa học được yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng là nghĩa trang Mai Dịch như GS Phạm Khuê? Người con thứ tám là Phạm Thị Hoàn, sinh năm 1927, hiện gia đình đang định cư ở nước ngoài.

 

Hồi còn con gái, giọng ca của bà Hoàn đã trở nên quen thuộc với người Hà Nội tạm chiếm trong thập niên 50, khi cô Hoàn với cái tên Thu Hương, thường hát trên đài phát thanh. Chồng bà Hoàn là nhạc sĩ Lương Ngọc Châu, cháu nội cụ cử Lương Văn Can. Nhạc sĩ Lương Ngọc Châu có ca khúc tiền chiến “Một đi không trở về”... mà nhiều chiến sĩ Vệ quốc đoàn đến nay còn thuộc. Và thứ chín là nhạc sĩ Phạm Tuyên đây... Hình như gien nhạc nhà ấy chỉ trồi và trội lên ở người con thứ chín này?

 

Cụ Phạm bà, quê ở một vùng quan họ nổi tiếng Kinh Bắc. Bà thạo chữ Nho nhưng có thời bà đã từng đi hát quan họ, đã thuộc rất nhiều làn dân ca quan họ, cả hát trống quân, hát chèo. Khi về làm bạn với cụ Phạm, bà đã giúp chồng rất nhiều trong việc sưu tầm biên khảo, ghi lại các làn điệu dân ca để cụ Phạm có vốn mà đề cao văn hóa âm nhạc dân tộc trên tờ Nam Phong của mình... Bốn người con nữa là Phạm Thị Diễm, sinh năm 1932, Phạm Thị Lệ, sinh 1943 và Phạm Tuân, Phạm Thị Viên. Cả bốn người đều đang định cư ở nước ngoài.

 

Theo Xuân Ba

Petrotimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm