1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đương tỏ dần góc khuất một gia tộc (Kỳ 2)

Tôi đang đứng trước ngôi nhà số 5 phố Hàng Da của quận Hoàn Kiếm Hà Nội, bây giờ là một hiệu buôn sầm uất để cố tưởng tượng ra cái năm 1917 ấy, chàng thanh niên 25 tuổi Phạm Quỳnh thấp thoáng trong ngôi nhà này với tư cách là Tổng biên tập tờ báo Nam Phong!

Ngó nhạc sĩ thoải mái trong chiếc sơmi kẻ sọc và quần bò màu xanh lợt cùng nụ cười gần như thường có trên môi... Tất thảy dường như không thực, như trẻ hơn cái tuổi 75! Và tôi đang nghĩ đến cái gien thọ của nhà này... Người chẳng may khuất thì cũng đã tám chín mươi! Hay là nói như cụ Nguyễn Khuyến “tuổi là tuổi ông cha” để cho? Cụ Phạm mồ côi mẹ lúc mới 9 tháng tuổi. Mồ côi bố lúc 9 tuổi và cụ hưởng tuổi trời cũng mới chỉ 53? Cụ Phạm bà cũng đi theo cụ ông 8 năm sau đó...
 
Đương tỏ dần góc khuất một gia tộc (Kỳ 1)

 

Hình như là hội đủ sự may mắn, sự dễ thở của một thời vận nên đã làm nên sự hằng sống lẫn chất lượng sống của nhiều thành viên trong cái gia đình mà tôi tạm gọi là không thường này? Đất có tuần, nhân có vận nữa là tuần vận của một quốc gia, của một dân tộc? Cận ngày toàn quốc kháng chiến, cả nhà cụ Phạm bà về Hà Nội. Rồi tản cư. Rồi có hồi cư. Nhưng không phải tất cả. Trong đó có hai anh em Phạm Khuê, Phạm Tuyên không nhằm hướng nội thành mà cứ ngược mãi lên phía Chiến khu Việt Bắc.

 

15 tuổi đi theo kháng chiến, vốn liếng văn hóa lẫn âm nhạc của Phạm Tuyên thụ hưởng được chính là những ngày ở Chiến khu Việt Bắc và những ngày ở Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn và bên Khu học xá Nam Ninh sau này... Bà Nguyễn Anh Tuyết, vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên mới nghỉ công việc giảng dạy ở Khoa Tâm lý của Trường đại học Sư phạm Hà Nội, đang có chất giọng và cung cách cởi mở khi chuyện trò với tôi kể cả cái đoạn khó nói khi thời ấy bà biết nhạc sĩ Phạm Tuyên đẹp trai, có tài, là con trai của một vị Bộ trưởng chính quyền Bảo Đại.

 

Quê ở Quảng Bình, là con gái cưng một nhà họat động bí mật cùng với đồng chí Lê Duẩn rồi sau này là một sĩ quan quân đội hy sinh năm 1947, Anh Tuyết được gửi sang Khu học xá Nam Ninh. Cảm người trai nhạc sĩ tài hoa kiêm thầy văn hóa và âm nhạc, Anh Tuyết hồi đó ngây thơ láng máng chuyện hình như người yêu của mình là con cháu Trạng Quỳnh hay Phạm Quỳnh mà cô cũng chả biết nữa! Cô bật cười vì sự ngây thơ lẫn nông nổi của mình nhưng tá hỏa khi nghe người yêu nói thực, nói hết... Cô có một người bà con là thầy giáo Võ Thuần Nho.

 

Chính sách đoàn kết dân tộc tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ trong Mặt trận Liên Việt tuyệt vời sáng suốt của cụ Hồ đã khiến vô khối sự cởi mở lúc ấy như cái cười thoải mái vô tư của người em trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nghe những băn khoăn lo lắng của cô cháu thì cụ Phan Kế Toại, cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Vi Văn Định cũng là quan của vua Bảo Đại cả... Nhưng cái gờn gợn của cô cháu gái rằng nghe đâu cụ Phạm bị tử hình đã khiến ông cậu cũng đâm phân vân, chiều cô cháu gái mà mở hẳn một cuộc điều tra bí mật! Thông tin mà ông thu thập qua nhiều kênh nhiều ngả và sau đó là cô cháu biết được con trai vị Thượng thư nọ là một đảng viên gương mẫu (Phạm Tuyên được kết nạp Đảng năm 1950) một giáo viên, một cán bộ, một chiến sĩ tốt!

 

... Làm ra những giai điệu những ca khúc dường như có lửa nhưng có lúc tôi thoắt thấy một Phạm Tuyên có bề gì như lặng lẽ mà lành lạnh thế nào? Quần bò màu xanh, áo sơmi kẻ. Bộ y phục dường như cố hữu, như là không lạc mốt ấy rất dễ lẫn, dễ nhòa vào trong những hằng hà sa số nhưng có vẻ như vẫn không lẫn, không nhòa, trong ca khúc, trong sáng tác đã đành mà trong hội đồng giám khảo các hội thi nhạc thi hát, lần “trọng” có, dịp “dúi” có (mà người ta nằng nặc mời ông dứt khoát phải có mặt với tư cách thành viên). Vẻ lành lạnh lặng lẽ ấy nếu chợt thoảng qua thì cũng chỉ là tôn thêm vẻ chững chạc mực thước của một thành viên trong ban giám khảo đang độ thất tuần. Nhưng dường như chả phải dễ thấy mà nó phảng phất trong những lời phát biểu nhiệt thành và dường như tan biến đi khó nắm, khó tìm trong những tràng pháo tay và sắc hoa của vô vàn đêm hội?

 

Đã đành thành công, nổi tiếng. Và đã đành cái gì đó như tài năng như trời cho. Nhưng cung cách lặng lẽ và lành lạnh ấy hình như là dáng vẻ của cái người hằng bao năm nay vẫn gánh trên vai mình cái số phận lý lịch chả nhẹ nhõm mà như người xưa đã cô đọng lẫn hàm súc bằng cái câu “ngôn nan chi ẩn” (có bao điều chả dễ nói ra). Sự ám ảnh. Sự dị nghị? Những lời bàn ra tán vào và thảng hoặc những đố kỵ ghen ghét... Có không? Cái cười mọi bận mà tôi thường thấy ở ông thoắt trở nên kém tươi dường như “tố” rằng có đấy!

 

Nhưng trên tay tôi là cuốn nhạc một lần được tặng mà dưới tấm ảnh chân dung tươi rói với lời tự bạch của tác giả Phạm Tuyên: “Ở đâu có niềm vui nỗi buồn, những ước mơ thầm kín hay những khát vọng cháy bỏng, ở đó có âm nhạc”. Và hình như một lần ông bộc bạch đại ý, phương châm là phải vượt trên những nỗi buồn đôi khi lẩn khuất ấy bằng chính đôi tay và đôi chân của chính mình. Nhưng mà hình như ông đã gặp may? Bởi sự hùng hục của hai cặp tay chân ấy mà thiếu đi chút tài, mà thiếu đi sự đồng cảm vị tha vốn có của người đời cũng như ánh mắt bình tĩnh vị tha của thể chế thì một số phận sẽ ra sao nhỉ?

 

Một làng quê hãm địa?

 

Nhớ lần tiết xuân ấy, cái sự vui chân lẫn vui xe đã đưa tôi về quê Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chén rượu trắng cất bằng thứ nếp cái hoa vàng của làng Trung Am quê Trạng, được chưng cất đàng hoàng không phải mang tiếng rượu lậu nữa đã khiến thứ quá vãng đâm cởi mở thêm khi được hầu chuyện mấy cụ cao niên... Trung Am vốn thuộc Tứ Kỳ của đất Hải Dương. Năm 1838, nhà Nguyễn mới cắt 5 Tổng của Tứ Kỳ, 3 Tổng của huyện Ninh Giang lập thành huyện Vĩnh Bảo của Hải Phòng ngày nay. Chén rượu xuân thoắt trở nên ngập ngừng bởi tự dưng đâm chạnh lòng khi ngó sang cái rệ tre thẫm xanh của cái làng kế bên đã thoắt thành Ninh Giang, Bình Giang của Hải Dương kia bởi có mỗi vị danh nhân, mỗi ông Trạng thì nay đã nhập khẩu sang đất Hải Phòng!

 

Nhưng cái cười thông cảm và độ lượng của một bậc cao niên trong mâm dường như mở thêm mắt cho kẻ hậu sinh, “trời ơi, thế ông không biết bên ấy là quê ông vua đầu tiên của nước Nam ta là Khúc Thừa Dụ”, rằng bên ấy một thời đã từng bề bề là đất văn! Cụ Trạng đây là một chủ soái của đất ấy... “Mà này, bên đó còn là quê nhạc sĩ Phạm Tuyên nữa”... Một ông trẻ hơn dấm dứ cho tôi biết thêm như thế... Chợt đâm cảm, đâm mến dân Trung Am, những tưởng khư khư lẫn bo bo rằng, chỉ có xứ mình, quê Trạng mình là nhất nhưng đã hào phóng san sẻ cho khách thập phương niềm tự hào của một vùng đất vốn trước là một dải.

 



Phạm Quỳnh (khăn đóng ngồi giữa) với Hội Trí Thức

Phạm Quỳnh (khăn đóng ngồi giữa) với Hội Trí Thức

 

Rồi khí xuân la đà dẫn tôi dạt về cái rệ tre thẫm xanh của Mộ Trạch, Bình Giang. Mộ Trạch xưa có tên là “tiến sĩ sào” (ổ tiến sĩ). Một Mộ Trạch mà có đến 36 vị tiến sĩ đến Trạng nguyên! (Tưởng nghe nhầm về tra lại sách “Tiến sĩ Nho học Hải Dương từ năm 1075 đến năm 1919” của ông Tăng Bá Hoành, nguyên là Giám đốc Bảo tàng Hải Dương tặng mấy năm trước thấy trúng phóc). Bên cạnh Mộ Trạch là làng Lương Đường. Lương Đường là tên cũ của làng Hoa Đường, quê của Hoàng giáp Phạm Quý Thích. Phạm Quý Thích (1760-1825) tự là Dữ Đạo. Hiệu Lập Trai, còn có biệt hiệu Thảo đường cư sĩ. Ông người Hoa Đường nhưng sau đó đến ngụ ở phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long.

 

Đậu Tiến sĩ năm 1779 làm Thiêm sai Tri công Phiên. Khi Tây Sơn ra Bắc thì lánh mặt không cộng tác. Năm đầu đời Gia Long được gọi ra làm quan giữ chức Thị trung học sĩ. Năm 1813 ra làm giám thị trường thi Sơn Nam, sau lại cáo bệnh xin về. Năm Minh Mệnh thứ hai, 1821 có chỉ gọi ra làm việc lại. Lần này ông đang có bệnh thật viện cớ ấy chối luôn. Cuộc đời Phạm Quý Thích chủ yếu không phải làm quan mà dạy học. Ông có nhiều học trò, có những người về sau rất nổi tiếng như Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý... Ông là bạn thân của thi hào Nguyễn Du, chính ông là tác giả “Đoạn Trường Tân Thanh đề từ” (thường gọi là Tổng vịnh Truyền Kiều) đặt trên đầu Truyện Kiều và cho khắc in lần đầu tiên tác phẩm này của Nguyễn Du.

 

Tác phẩm của Phạm Quý Thích chủ yếu viết bằng chữ Hán như “Thảo Đường Thi Tập”, “Lập Trai Văn tập”, “Chu dịch vấn đáp toát yếu”... Sau khi nhà Lê sơ đổ, dưới thời Tây Sơn rồi nhà Nguyễn, những sáng tác thơ của ông thường viết về cảnh loạn lạc đói kém của nhân dân vì hạn hán mất mùa, vì sự ức hiếp của bọn quan lại cường hào... Hơi lan man một chút về vị Hoàng giáp này của đất Lương Đường để suy ngẫm thêm cái thở dài của một cụ hậu duệ họ Phạm rằng: “Không hiểu cái mạch đất Lương Đường ra thế nào mà khắc nghiệt vậy (!?). Mà hai làng có cách nhau xa gì...

 

Bữa ấy sau khi thăm khu mộ tổ họ Phạm, tôi được cụ dẫn ra hai câu nghe có vẻ tức tưởi cho đến nay vẫn bám riết trong tâm trí của không ít người: “Mộ Trạch quan, Thiên hạ an. Lương Đường sĩ, thiên hạ bi”. Nghĩa là thế này: Các tiến sĩ làng Mộ Trạch thường ra làm quan trong thời thái bình. 36 vị tiến sĩ trạng nguyên chưa ai làm quan trong thời loạn! Nhưng làng Lương Đường có ông Hoàng Giáp Phạm Quý Thích ra làm quan trong thời loạn. Và sau này có ông Phạm Quỳnh là Thượng thư Bộ Lại của triều nhà Nguyễn! Ông Phạm Quỳnh năm 1932, khi đang phụ trách tờ Nam Phong thì được vời vào Huế.

 

Thoạt đầu làm Ngự tiền Văn phòng (Đổng lý văn phòng) sau rồi Thượng thư Bộ Học cho đến năm 1944 thì chuyển chức Thượng thư Bộ Lại. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Phạm Quỳnh xin về hưu trí. Nhưng ông đâu có được yên. Cái chết bất đắc kỳ tử đã ập đến với Phạm Quỳnh... Trong câu chuyện hôm ấy, tôi cũng được biết thêm, mặc dầu là người cùng làng nhưng cụ Phạm Quý Thích và ông Phạm Quỳnh không phải là bà con anh em gì mà chỉ là trùng họ vậy thôi!

 

Tuổi thơ khắc nghiệt

 

Cũng na ná như hoàn cảnh của Hoàng giáp Phạm Quý Thích trước đó, ông tổ của Phạm Quỳnh rời làng Hoa Đường lên Thăng Long không rõ vào năm nào. Ông nội và bố đều là nhà nho. Phạm Quỳnh sinh năm 1892 ở 17 phố Hàng Trống. Nếp nho thanh bần trong ngôi nhà khiêm nhường gần bên hồ Trả Gươm ấy những tưởng bình lặng bền lâu mãi với không khí yên hàn cuối thế kỷ XIX khi tiếng súng bình định thành Hà Nội của Pháp đã tạm lắng. Nhưng một tai họa đã giáng xuống mái nhà yên ả ấy.

 

Như người ta nói, chưa rời vú mẹ cậu bé Phạm Quỳnh đã mồ côi bởi người mẹ thân yêu đột ngột ra đi vì bạo bệnh! Khi ấy cậu bé Phạm Quỳnh mới được 9 tháng tuổi! Công lao dưỡng dục của bà nội cùng muối dưa đắp đổi cũng lần hồi được đến đoạn khi cậu bé Phạm Quỳnh lên 9 tuổi thì lại tiếp theo một tai họa nữa: Mất cha! Mà cái chết của ông mới không bình thường, thậm chí còn tức tưởi là khác! Cụ Hoàng Đạo Thúy vốn là người thân quen từ lâu của gia đình, là bạn cụ Phạm Quỳnh đã kể cho nhạc sĩ Phạm Tuyên nghe nhiều lần câu chuyện này.

 

Lần thi năm 1901 ấy, giờ vẫn chưa rõ thi hương hay thi đình và ở trường thi nào, như bao thí sinh khác, người cha cặm cụi với bài thi của mình. Từng khắc từng giờ cứ khắc nghiệt lặng lẽ qua... Trống lệnh thu quyển đã điểm, người ta cứ tưởng người thí sinh kia làm bài xong chắc mệt quá đang nằm thiếp đi một chốc như thế. Đợi mãi rồi phải giục, phải lay... Cả trường thi tá hỏa khi phát hiện ra người thí sinh kia đã lạnh cứng tự bao giờ. Cái chết ấy có thể là do ngộ cảm hay căng thẳng quá chả biết, nhưng từ thời điểm ấy cậu bé Phạm Quỳnh đã phải mồ côi cha. Nhưng vòng tay lẫn tình cảm phiếu mẫu của bà nội đã không thể để tuột đứa cháu côi cút của mình. Ngoài việc thuê thầy dạy chữ Nho lẫn chữ Pháp, ở nhà cậu vẫn được đến trường đều đặn.

 

Trời lấy cái này, trời bù trì cái khác. Dĩnh ngộ và sáng dạ... Cậu đã lần lượt bước qua những mê cung, những mẹo luật của thứ tiếng Pháp, tiếng Anh rắc rối lẫn cái cách nhiêu khê của mẹo mực chữ Hán, chữ Nôm. Năm 12 tuổi, nhập học Trường Bưởi (tức trường thông ngôn cũ). Năm 1908 tròn 16 tuổi, Phạm Quỳnh đậu bằng Cao đẳng tiểu học (Diplome D’Etudes Primaires Superieures) được bổ nhiệm làm phụ tá phục vụ tại Trường Viễn đông Bác cổ (Ecol Francaise D’Extrême - Orient) ở Hà Thành.

 

Phượng hoàng sơ sinh

 

...Tôi đang đứng trước ngôi nhà số 5 phố Hàng Da của Quận Hoàn kiếm Hà Nội, bây giờ là một hiệu buôn sầm uất để cố tưởng tượng ra cái năm 1917 ấy, chàng thanh niên 25 tuổi Phạm Quỳnh thấp thoáng trong ngôi nhà này với tư cách là Tổng biên tập tờ báo Nam Phong! Hình như cái chức chủ nhiệm kiêm chủ bút thời ấy, về ngạch hành chính, chức danh ấy cao hơn chức danh Tổng biên tập bây giờ?

 

Trên tay tôi đang có một tờ Nam Phong. Tờ Nam Phong số 34 tháng 7/1920, trang bìa cũng như tất thảy 210 số Nam Phong tồn tại suốt 17 năm từ năm 1917 đến 1932. Dưới hai chữ Nam Phong lớn là sáu chữ nhỏ hơn Văn học - khoa học - tạp chí. Dòng nhỏ hơn dưới nữa là trích câu của Roosevelt “Có đồng đẳng mới bình đẳng được” (Il n’y a que ceux qui sont des egaux qui sont egaux). Các dòng dưới nữa, chủ bút kiêm quản lý (Directeur Rédacteur en Chef: Phạm Quỳnh). Mỗi tháng xuất bản một kỳ. Giá mỗi số 0$ 40 (bốn hào tiền Đông Dương) In tại Đông Kinh ấn Quán, 14-16 Rue du Coton, Hanoi.

 

Bút tích Phạm Quỳnh viết cho vợ
Bút tích Phạm Quỳnh viết cho vợ

 

Nam Phong số 34 có các bài như thế này 1. “Bàn về sự tăng lương cho các viên chức tòng sự chánh phủ Bảo hộ”. 2. “Sự giáo dục trong gia đình”; 3. “Một sự thí nghiệm đã nên công”; 4. “Các việc lớn ở châu Âu từ sau chiến tranh đến giờ”; 5. “Khảo về lịch sử luân lý học nước Tàu”; 6. “Văn uyển”; 7. “Đoản thiên tiểu thuyết”; 8. “Tập kỷ yếu của Hội Khai trí Tiến Đức”. Mỗi số bình quân ngót 400 trang so với sức in lẫn sức đọc hồi ấy kể cũng là dày dặn!

 

Ông chủ bút kiêm quản lý Phạm Quỳnh làm gì? Không biết ông có phải cắp cặp thường xuyên đi họp liên miên như các tổng tiên tập bây giờ không nhưng ông lấy đâu ra thời gian để trang trải cho một cường độ làm việc ghê gớm: Nam Phong thoạt đầu có hai phần, Việt văn và Hán tự. Phần Hán tự do Nguyễn Bá Trác phụ trách. Sau đó thêm phần Pháp văn do chính Phạm Quỳnh chịu trách nhiệm viết và lựa bài. Phạm Quỳnh gần như bao sân phần lớn về sáng tác, nghiên cứu, do đó ông dùng nhiều bút hiệu: Hồng Nhân, Lương Ngọc, Thượng Chi, Thiếu Hoa Đường. Còn các bài Pháp văn thì ký tên thực là Phạm Quỳnh. Đó là chưa kể thời gian ông giảng dạy về ngôn ngữ và văn chương Hán Việt từ năm 1924 đến 1932.

 

Phạm Quỳnh là người chủ trương tờ Nam Phong và cũng là người viết nhiều nhất cho tờ Nam Phong. Xin trích ra một đoạn ông viết khi được một tháng đi thăm thú xứ Nam Kỳ. Như một thứ chân dung tự họa: “Một mình coi việc biên tập, việc xuất bản một tập báo mấy trăm trang. Muốn làm cho xong nghĩa vụ thật chẳng phải là việc dung dị tầm thường. Nhưng mà thôi, đã để mình vào báo giới phải biết rằng, nghề này không phải là chốn sinh nhai dễ dàng, phải lấy hết lòng nghĩa vụ ra mà làm cho xứng chức, chẳng quản chi những sự nhọc nhằn đường hơn thiệt. Vả lại, đã tự phụ ra đương một phần ngôn luận trong quốc dân, nếu cổ động được điều hay, truyền bá được lẽ phải có ích cho nước nhà, có lợi cho xã hội, đó tức là cái thưởng vô hình cho bọn mình vậy. Lấy báo làm một kế doanh nghiệp thường thì thật là cái kế cùng, không tài nào thành công được và cứ tình hình nước mình thì tất sớm trưa phá sản. Lấy báo làm một nghĩa vụ cao đủ khiến cho mình hết tài hết sức mà làm cho trọn, đừng quản những sự thiệt thòi khó nhọc thì thật không có nghề nào cao thượng bằng” (Một tháng ở Nam Kỳ. NXB Văn học tr.170).

 

Phạm Quỳnh là người chủ trương đọc sách Tây là để thâu thái lấy tư tưởng tinh thần văn hóa Tây Âu để bồi bổ cho nền quốc văn còn khiếm khuyết, để chọn cái hay của người mà dung hòa với cái hay của mình, ngõ hầu gìn giữ cho cái học của mình không mất bản sắc mà có cơ tiến hóa được. Có lẽ nói về đóng góp của Nam Phong không thể không kể đến nhận xét của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan:

 

“...Trong 17 năm chủ trương Nam phong Tạp chí, Phạm Quỳnh đã cho xây đắp nền móng quốc văn được vững vàng bằng những bài khảo cứu và bình luận rất công phu mà từ Bắc chí Nam người thức giả đều phải lưu tâm đến. Nhiều người có thể căn cứ vào những bài trong Nam Phong để bồi bổ cho cái sự học còn khiếm khuyết của mình. Thậm chí có người còn lấy Nam Phong làm sách học cũng thâu thái được ít nhiều tư tưởng học thuật Đông Tây. Muốn hiểu những vấn đề đạo giáo, muốn biết văn học sử cùng tư tưởng nước Tàu, nước Nhật, nước Pháp, muốn đọc thi ca Việt Nam từ đời Lý, Trần cho đến ngày nay, muốn biết thêm lịch sử nước Nam tiểu thuyết, các đấng danh nhân nước nhà, muốn am hiểu các vấn đề chính trị xã hội Âu Tây và cả học thuyết của cổ Hyla, chỉ đọc kỹ Nam Phong là có thể hiểu được. Một người chỉ biết đọc quốc ngữ mà có khiếu thông minh, có thể dùng Tạp chí Nam Phong để mở mang học thức của mình.

 

Nam Phong sinh sau Đông Dương tạp chí 4 năm nhưng sống lâu hơn. Nam Phong tạp chí được rực rỡ như thế bởi có ông chủ bút là một nhà văn, học vấn uyên thâm lại có tài lịch duyệt. Thật thế Phạm Quỳnh là một nhà văn có thể bàn luận một cách vững vàng và sáng suốt bất kỳ một vấn đề gì từ thơ văn cho đến triết lý đến đạo giáo chính trị xã hội không một vấn đề gì ông không tham khảo tường tận trước khi đem bàn trên mặt giấy. Không có chi quá đáng nếu đem so Nam Phong với những tạp chí xuất bản ở Pháp trong mấy năm gần đây như Revue de Paris, Grande Revue, Mercu de France, Nouvelle Revue France người ta sẽ thấy những tạp chí này thiên về mặt văn chương thêm một chút triết học và khoa học còn không một tạp chí nào lại tham khảo cả về mặt học thuật tư tưởng Đông Tây và chuyên cả việc khảo cứu cùng biên tập thơ văn kim cổ như Nam Phong Tạp chí".

 

(Xem tiếp kỳ sau)

Ghi chép của Xuân Ba