"Đường sắt trên cao mấp mô, lên xuống sẽ gây bất lợi"

(Dân trí) - PGS-TS. Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội - cho rằng, đường sắt đô thị tốt nhất là chạy trên mặt phẳng, trừ khi phải cong do địa hình. Mấp mô, lên xuống như tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ gây bất lợi về tâm lý, sức khỏe cũng như hạn chế tốc độ.

PGS-TS. Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
PGS-TS. Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Phóng viên: Thưa ông, nhiều chuyên gia về đường sắt đô thị cho rằng trả lời của Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) gửi Báo Dân trí xung quanh chuyện đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông uốn lượn là đúng về mặt kỹ thuật. Nhưng theo ông việc này đã hợp lý, phù hợp về mặt mỹ thuật đô thị?

PGS-TS. Nguyễn Văn Hùng: Về mặt kỹ thuật thì cũng không nên làm thế, bởi đường sắt có quán tính rất lớn, nếu biết tận dụng thì quán tính đó có lợi nhưng cũng có nhiều cái hại do chính quán tính. Đường sắt đô thị tốt nhất là chạy trên mặt phẳng, còn việc cong do địa hình thì không nói. Mấp mô, lên xuống như tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ gây bất lợi về tâm lý, sức khỏe cũng như hạn chế tốc độ của nó rất lớn.

Hơn nữa khoảng cách giữa hai ga quá gần nhau thì tận dụng chức năng của nó như thế nào và giảm bớt thời gian đi lại như thế nào đây? Khoảng cách giữa các ga gần nhau quá phát sinh số ga nhiều lên, đội giá thành xây dựng lên cao, trong khi khó đảm bảo tốc độ nhanh của đường sắt trên cao.

Như vậy có thể thấy việc làm đường sắt uốn lượn như vậy mà chỉ tính tới tiết kiệm năng lượng sẽ khó đủ sức thuyết phục người dân và chuyên gia?

Việc vận hành cho giao thông tốc độ cao lên để giảm bớt ùn tắc và giảm thời gian đi lại hàng ngày của người dân cũng là bài toán rất ghê gớm, nhưng số ga gần nhau quá và được thiết kế uốn lượn như vậy thì sẽ khó mà đảm bảo yêu cầu tốc độ.

Hơn nữa, theo tôi lý do thông thủy dọc đường Nguyễn Trãi không đảm bảo thì lẽ ra nên nâng một số cột trụ lên cao hơn nữa, có thể bài toán xây dựng sẽ đắt hơn, nhưng ngược lại thì lại vừa giúp vận hành tuyến đường vừa an toàn hơn, vừa mỹ quan hơn, người đi trên tàu cũng đỡ sợ hơn.

Đường sắt Cát Linh- Hà Đông uốn lượn dọc đường Nguyễn Trãi (Ảnh: Hữu Nghị).
Đường sắt Cát Linh- Hà Đông uốn lượn dọc đường Nguyễn Trãi (Ảnh: Hữu Nghị).

Đường sắt đô thị uốn lượn như vậy, việc đảm bảo an toàn sẽ phụ thuộc rất lớn vào kỹ năng của người lái tàu?

Đúng rồi. Làm đường sắt uốn lượn như thế thì khi gần tới ga, lái tàu sẽ giảm bớt lực phanh và nhờ quán tính để tàu lên đỉnh ga. Giả sử nó không leo lên mà chỉ có vài ba toa leo lên thì sao? Đoàn tàu nặng như thế quán tính rất nguy hiểm. Đoạn qua đường Khuất Duy Tiến vồng quá cao như thế khi lên đến đỉnh lực li tâm đẩy đoàn tàu lên cao, nếu chạy tốc độ nhanh sẽ dễ bật khỏi ray.

Theo hiểu biết của ông thì số nước làm đường sắt uốn lượn như thế này có nhiều không?

Những nước tôi đi qua thì không thấy làm uốn lượn như thế nhiều. Đường sắt có tải trọng lớn, nặng, chuyện quán tính là điều phải xem xét kỹ lưỡng. Quán tính có lợi nhưng cũng có nhiều tai nạn do chính quán tính gây ra. Mà sử dụng quán tính nhưng các ga gần nhau như thế này thì cũng không phát sinh được.

Trước sự quan tâm rất lớn của dư luận xung quanh chuyện này, theo ông, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cần sớm có những trả lời tường tận, rõ ràng, minh bạch?

Theo tôi Bộ Giao thông vận tải nên chính thức có trả lời tường tận về việc xây dựng đường sắt uốn lượn để rút ra những bài học. Phần công trình chưa xây dựng tiếp thì phải có giải pháp.

Xin cảm ơn ông !

Trước đó, trong văn bản trả lời Báo Dân trí, ông Lê Văn Dương - Phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải), cho biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,05 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), với 12 nhà ga trên cao. Trang bị 13 đoàn tàu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc thiết kế tối đa 80 km/h, vận tốc bình quân khai thác 35 km/h.

Dự án được thiết kế theo quy phạm thiết kế METRO GB50157. Đối với dự án này, trắc dọc lớn nhất tối đa trên chính tuyến thiết kế là 23%o­ (23 phần nghìn) trong quy phạm cho phép từ 0%o­ đến 30%o. ­Để đảm bảo tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu về mặt công năng, tiêu hao năng lượng, trắc dọc được thiết kế với nguyên tắc vào ga lên dốc, ra khỏi ga xuống dốc. Đó chính là lý do khiến người dân thấy có hiện tượng “đường sắt đô thị uốn lượn mấp mô”.

Theo đó, khi vào ga đoàn tàu phải giảm tốc độ; do đó thiết kế lên dốc để giảm tốc độ của đoàn tàu, hạn chế phanh hãm và tiêu thụ năng lượng. Khi ra khỏi ga, đoàn tàu cần tăng tốc để đạt tốc độ vận hành thiết kế; do đó thiết kế trắc dọc xuống dốc để tạo gia tốc tự nhiên giúp đoàn tàu tăng tốc và giảm tiêu thụ năng lượng.

Thế Kha (thực hiện).