Dương Chí Dũng xin hoãn thi hành nếu bị kết án tử
(Dân trí) - Lần thứ 2 đứng trước vành móng ngựa để nói lời sau cùng, không đọc thơ nhưng Dương Chí Dũng vẫn trình bày lại tâm huyết với nghề nghiệp, đau đớn vì về Vinalines “không thành công mà lại thành tội” vì từ một sai lầm mà dẫn đến kết cục quá buồn…
Trần tình về việc kháng cáo kêu oan, Dũng khẳng định bản thân thành thực, không chối cãi tội. Tuy nhiên, trước pháp luật, Dũng cho rằng, cũng không thể nhận những điều không có được vì việc đó có thể đánh đổi bằng tính mạng của mình.
Khẳng định bản thân rất yêu cuộc sống chứ không phải coi thường cuộc sống và gia đình nhưng nhận một chuyện không có thì không thể. Vì vậy, cựu Chủ tịch Vinalines mong HĐXX cân nhắc thật kỹ lưỡng, khách quan về tội trạng.
Bị cáo trình bày mong muốn: “Nếu HĐXX thấy chưa thể xác đáng với chứng cứ đưa ra thì cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt để chờ đến một thời điểm nào đấy sự thật có thể làm sáng tỏ được, để không bỏ lọt tội phạm, cũng không làm oan cho bị cáo”.
Dương Chí Dũng cũng nhắc lại, bản thân không trốn tội và thề “nếu có lấy một đồng thì nhất định sẽ trả lại đủ đồng ấy”.
Xác nhận lần nữa mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với Tổng GĐ Mai Văn Phúc, Dương Chí Dũng thanh minh, không bao giờ trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận với Phúc chuyện gì, chỉ vì tâm huyết mà cùng làm việc, với quyết tâm phát triển lĩnh vực sửa chữa để phục vụ ngành tàu biển vào lúc đó mỗi năm đều phải mang ra nước ngoài sửa chữa với số tiền hàng trăm triệu USD.
Đề nghị HĐXX xem xét cân nhắc thành tích của gia đình, Dương Chí Dũng thông tin, bố bị cáo là một lão thành cách mạng, tham gia kháng chiến từ trước 1945, là một cán bộ cao cấp của quân đội, nay đã 91 tuổi, bị bệnh tim nên đến giờ gia đình vẫn phải giấu việc xảy ra với 2 anh em Dũng – Trọng (cựu Đại tá Dương Tự Trọng, nguyên Phó GĐ Công an Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính Bộ Công an cũng đang nhận án 18 năm tù vì việc tổ chức cho anh trai Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài). Mẹ bị cáo cũng đã 84 tuổi, cán bộ cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp. Gia đình Dương Tự Trọng có truyền thống trong ngành công an, quân đội, các chú, các em, các con đều công tác trong ngành này, thành tích không ít.
Trong gia đình, chỉ tiêng Dương Chí Dũng đi theo nghiệp kinh doanh mà như bị cáo thừa nhận, “từ một sai lầm dẫn đến kết cục rất buồn”, không chỉ cho riêng bị cáo.
Kể lại những thời gian cống hiến, phấn đấu, Dương Chí Dũng thuật lại một lần bị đắm tàu ở Trường Sa, tưởng chết mà lại thoát để khẳng định bản thân không sợ bản án tử hình.
“Không phải bị cáo sợ đâu. Nếu có tội bị cáo sẵn sàng xin nhận và xin chết. Bị cáo theo Phật nên tin luật nhân quả. Còn thì bị cáo xin thành khẩn, rất năn năn. Trước hết bị cáo xin vận động gia đình có bao nhiêu cũng bán đi hết, dù bao nhiêu đi nữa cũng cố gắng khắc phục hậu quả. Xin cho bị cáo được sống chờ đến ngày được làm sáng tỏ vì nếu không đến lúc đó không còn gì để chứng kiến” – câu cuối cùng, Dương Chí Dũng khẳng định bản thân là người yêu nước, yêu cuộc sống, thương gia đình và một lần nữa xin được tha lỗi vì đã gây ra sai phạm.
P.Thảo