1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đường bay quốc tế được Việt Nam kỳ vọng nhất vẫn "cửa đóng, then cài"

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Hàng không Việt Nam mở lại bay quốc tế đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, tuy nhiên việc khôi phục đường bay với Trung Quốc đang là vấn đề và cần làm việc với nhà chức trách hàng không Trung Quốc.

Tại cuộc tọa đàm "Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới" diễn ra tại Quy Nhơn, Bình Định chiều 24/2, chuyên gia, diễn giả đã nêu lên những quan điểm, kiến nghị liên quan tới việc khôi phục hoạt động bay thường lệ quốc tế, trong đó các điều kiện đòi hỏi được nới lỏng tối đa để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Trung Quốc - thị trường "khổng lồ" nhất

Ông Bùi Minh Đăng - Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, Cục hàng không Việt Nam đã xây dựng kịch bản dự báo tăng trưởng năm 2022. Trong kịch bản trung bình, năm 2022, thị trường hàng không Việt Nam đón 42-43 triệu hành khách, con số này mới chỉ được hơn 50% so với 2019, nhưng vẫn khá ấn tượng so với 2 năm dịch vừa qua; dự báo sẽ có khoảng 8 triệu khách quốc tế, trong đó có 6 triệu khách du lịch.

"Có thể thấy Việt Nam đã có những bước đi căn cơ và bài bản, khi mà năm 2021, Việt Nam đã đặt vấn đề mở cửa các đường bay với các quốc gia theo lộ trình" - ông Đăng đánh giá.

Đường bay quốc tế được Việt Nam kỳ vọng nhất vẫn cửa đóng, then cài - 1

Ông Bùi Minh Đăng - Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam (Ảnh: Mạnh Quân).

Về việc mở cửa các đường bay ở khu vực châu Á, ông Đăng cho biết có 10 quốc gia mà Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để mở cửa đường bay, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia. Hiện các hãng của các quốc gia đối tác đã thực hiện các chuyến bay đến Việt Nam.

Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, thị trường được kỳ vọng nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc khi lượng khách du lịch đi lại trên các đường hàng không đến Việt Nam rất lớn. Các hãng đã mở lại đường bay đến thị trường Hàn Quốc, tuy nhiên thị trường Trung Quốc hiện vẫn chưa thể khôi phục. Năm 2019, có đến hơn 7 triệu khách quốc tế đi trên đường bay Trung Quốc - Việt Nam. Hiện do việc quy định chống dịch mà hành khách từ Việt Nam sang Trung Quốc vẫn bị hạn chế.

"Việc khôi phục đường bay với Trung Quốc đang là vấn đề, chúng ta cần phải tiếp tục làm việc với nhà chức trách hàng không Trung Quốc" - ông Đăng nói và cho biết với thị trường Hàn Quốc, các hãng hàng không Việt đều đã khai thác trở lại, Cục Hàng không cũng nhận được một số đơn của các hãng hàng không khác tại Hàn Quốc có kế hoạch khai thác trở lại Việt Nam trong mùa hè này.

Trên thực tế, trong lượng khách hàng không vận chuyển có tới 70% lượng khách du lịch. Việc hàng không mở đường bay, tăng tần suất sẽ tạo điều kiện lớn cho du lịch phát triển. Cùng đó, du lịch phát triển lại mang nguồn khách rất lớn để hỗ trợ cho ngành hàng không.

Dẫn chứng số liệu mới nhất từ ngày 11/1-23/2, ông Đăng cho biết có khoảng 200.000 khách quốc tế đến Việt Nam đây là con số rất nhỏ so với 4 triệu khách/tháng trong thời kỳ cao điểm năm 2019. Tuy nhiên, 200.000 khách vẫn là con số ấn tượng vì vừa mở lại sau thời kỳ dịch.

"Chúng tôi đánh giá năm 2022 việc khôi phục lại hàng không, du lịch hoàn toàn là hiện hữu, không phải cơ hội nữa" - ông Đăng nói.

Chính sách visa vô cùng quan trọng

Tại cuộc tọa đàm, nói về mức độ cấp thiết của một lộ trình mở cửa hàng không quốc tế sớm, hiệu quả, rõ ràng và an toàn, ông Lương Hoài Nam - Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch - cho biết, bản thân ông đã lên tiếng về nhiều vấn đề trong thời gian qua trên mạng xã hội, báo chí, diễn đàn.

Đường bay quốc tế được Việt Nam kỳ vọng nhất vẫn cửa đóng, then cài - 2

Ông Lương Hoài Nam phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Mạnh Quân).

"Nếu nói về thời điểm mở, cách mở, tôi đang thấy mở và thí điểm như chúng ta là chậm. Chúng ta vừa thí điểm du lịch Phú Quốc, rồi Bình Định… Tuy nhiên, Thái Lan, Campuchia vào tháng 11/2021 đã mở cửa chính thức. Việt Nam dự kiến 15/3 tới đây mở cửa, phải trung thực nói là chúng ta mở cửa chậm. Chúng ta cố gắng mở càng sớm càng tốt, càng rộng các tốt, điều kiện mở càng thoáng càng tốt" - ông Nam cho hay.

Theo vị chuyên gia, trước đây, cứ 2 tuần Việt Nam thu được 1 tỷ USD doanh thu từ khách quốc tế. Trong khi 2 năm Việt Nam bị đình trệ bị đóng cửa, vì vậy Chính phủ nên mở thoáng, mở thật hàng không đón khách quốc tế.

Đề cập tới điều kiện tiên quyết, ông Nam cho rằng chính sách visa vô cùng quan trọng nên cần phục hồi ngay, giống như trước thời kỳ bùng phát dịch Covid, hậu Covid-19 thì mấu chốt cần tập trung xử lý là chính sách visa, nên miễn visa với các thị trường quan trọng, tiềm năng. Ông Nam cũng cho rằng, Trung Quốc, Mỹ là những thị trường khổng lồ và cần có chính sách visa tốt để thu hút khách du lịch đến Việt Nam.

Cũng tại cuộc tọa đàm, ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hàng không (VABA) - nêu quan điểm về những thách thức trong việc mở lại bay quốc tế và phục hồi hàng không - du lịch, đây cũng là hai ngành chịu thiệt hại lớn nhất do đại dịch. 

"Thách thức đầu tiên là việc chúng ta đã bị đóng băng 2 năm nên phải từng bước khắc phục những dịch vụ đã gãy khúc, phải quyết tâm, kiên trì và nhanh chóng. Chi phí cũng là một thách thức khi di chuyển của khách hàng bởi kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch. Thách thức thứ 2 là kiểm soát dịch bệnh. Dù các nước trên thế giới đã kiểm soát được nhưng tâm lý khách hàng vẫn còn là một yếu tố khó đoán- ông Nề nói và cho rằng những thách thức này đòi hỏi ngành hàng không, du lịch phải phối hợp với Chính phủ và địa phương để vượt qua.

Đường bay quốc tế được Việt Nam kỳ vọng nhất vẫn cửa đóng, then cài - 3

Ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hàng không (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo Phó Chủ tịch VABA, hàng không mở cửa trở lại đáp ứng sự mong mỏi hành khách, doanh nghiệp và thị trường. Xác định là dịch bệnh chỉ kéo dài trong thời gian nhất định nên nhân lực đã được chuẩn bị để khai thông lại đường bay. Đây là một tín hiệu tích cực cho hàng không và du lịch.

Bà Martina Saitlova - Trưởng phòng Lãnh sự, Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam: Cộng hòa Séc nói riêng và châu Âu nói chung đã đóng cửa trong 2 năm qua và chúng tôi rất mong được mở cửa lại và chào đón du khách tới Séc, đặc biệt mong chờ có những chuyến bay thẳng giữa Hà Nội và Praha. Cộng hòa Séc hứa sẽ có sự hậu thuẫn để đường bay thẳng này thành sự thật. Chúng tôi đang chờ đợi sự kết hợp thuận lợi để thiết lập đường bay thẳng với những yêu cầu về an ninh hàng không sớm nhất có thể.