"Đưa ra con số mà không làm được, cuối cùng lại lấy ngân sách Trung ương"

Bạch Huy Thanh Hoa Lê

(Dân trí) - Trong hơn 256.000 tỷ đồng đầu tư cho phát triển văn hóa trong 11 năm, Chính phủ đề xuất vốn ngân sách Trung ương khoảng 63%, ngân sách địa phương khoảng 24,6%, huy động hợp pháp khác khoảng 12,4%.

Ngày 1/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (chương trình).

Đề nghị lưu ý phân bổ nguồn vốn

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện được bố trí tối thiểu 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%); vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).

Dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.

Đưa ra con số mà không làm được, cuối cùng lại lấy ngân sách Trung ương - 1

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu trước Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, kinh phí thực hiện như báo cáo của Chính phủ là 122.250 tỷ đồng của giai đoạn 2025-2030 là không nhiều. Tuy nhiên, ông Hòa lưu ý về việc đối ứng ngân sách của địa phương.

Theo ông Hòa, khả năng cân đối của địa phương rất khó khăn, đặc biệt là các tỉnh hiện nay còn trợ cấp từ ngân sách Trung ương. "Trung ương trợ cấp ngân sách về xong lấy tiền này đưa vào đối ứng cũng vậy, tại sao Trung ương không làm luôn mà để giao cho địa phương, gây khó khăn cho người ta", vị đại biểu nói.

Ông Hòa đề nghị có thể tỷ lệ ngân sách Trung ương cao hơn, ngân sách đối ứng của địa phương thấp hơn để số tiền ngân sách đối ứng này sử dụng vào chương trình mục tiêu khác mà không chỉ có văn hóa.

Về tỷ lệ ngân sách các nguồn vốn khác là hơn 12%, tương đương hơn 15.000 tỷ đồng, ông Hòa cho rằng nguồn vốn này cũng khó khăn chứ "không phải đơn giản".

"Báo cáo chỉ nói vốn khác nhưng không biết khác gồm việc gì, xã hội hóa như thế nào, con số này lớn chứ không phải nhỏ. Đề nghị xem lại chứ đưa ra con số mà sau này tổ chức thực hiện không được, cuối cùng lại lấy từ ngân sách của Trung ương", ông Hòa nêu.

Bày tỏ sự ủng hộ là phải có chương trình, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng số vốn như Chính phủ trình là hợp lý để thực hiện được 7 nhóm mục tiêu tổng quát đã đề ra.

Theo ông Trí, số vốn này là hợp lý để thực hiện được 7 nhóm mục tiêu tổng quát đã đề ra. Hiệu quả đưa lại nếu thực hiện thành công chương trình này là hết sức to lớn.

Ông cho rằng dự kiến các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào GDP của cả nước sẽ là 7% ở giai đoạn một và 8% ở giai đoạn hai.

"Đặc biệt, những đóng góp vào hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, hỗ trợ sáng tác, công bố phổ biến các tác phẩm... là rất lớn, khó đong đếm và đo lường bằng tiền được", ông Trí nêu ý kiến.

Nguồn lực xã hội hóa rất lớn

Báo cáo giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, nguồn vốn khác như trong tờ trình chỉ là tạm tính, còn nguồn khác là nguồn xã hội rất lớn.

Theo ông Hùng, trong kết luận của Bộ Chính trị nói rất rõ là huy động các nguồn lực xã hội cùng với nguồn lực Nhà nước để đầu tư cho phát triển văn hóa.

Đưa ra con số mà không làm được, cuối cùng lại lấy ngân sách Trung ương - 2

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu nêu (Ảnh: Phạm Thắng).

Ông Hùng nêu ví dụ gần đây ông cùng lãnh đạo TPHCM dự một hội nghị xúc tiến đầu tư theo Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TPHCM thí điểm để thực hiện vấn đề hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và thể thao, có 300 doanh nghiệp đến để làm việc và đăng ký nguồn vốn nếu như được chấp thuận là 2 tỷ USD. Đây là con số rất lớn.

Ông Hùng cho hay Hà Nội sắp tới cũng sẽ làm, một số địa phương khác có cơ chế này chắc chắn con số này không phải chỉ là 15.000 tỷ đồng. Đây chỉ là khái toán về nguồn lực xã hội.

Về nguồn vốn ngân sách địa phương, theo ông Hùng, khi xây dựng chương trình này đã tính toán không phải cào bằng tất cả các địa phương, không phải địa phương nào cũng 24%, mà đây là con số tính chung cho toàn quốc. Khi phân bổ, Chính phủ sẽ tính toán theo tiêu chí, không phải tất cả các địa phương đều 24%.

"Các đại biểu có thể yên tâm vì còn có các Ủy ban của Quốc hội giám sát việc thực hiện chương trình này và theo thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát để thực hiện", ông Hùng nói.