1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dự luật mới cho phép CSGT dừng xe không cần "chuyên đề"?

Ngọc Tân

(Dân trí) - Theo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, lực lượng CSGT có quyền dừng phương tiện để kiểm tra những lỗi vi phạm mà "buộc phải dừng xe mới phát hiện được".

Việc tách Luật Giao thông đường bộ 2008 ra thành Luật Đường bộ (do Bộ GTVT biên soạn) và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (do Bộ Công an biên soạn) sẽ "luật hóa" nhiều quy định liên quan đến lực lượng CSGT mà trước đây chỉ được nêu trong thông tư.

Một trong những quy định đó là thẩm quyền dừng phương tiện để kiểm tra được nêu tại Điều 61 dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) vừa được Chính phủ trình Quốc hội.

Dự luật mới cho phép CSGT dừng xe không cần chuyên đề? - 1

(Ảnh minh họa: Trần Thanh)

Theo Điều 61 dự thảo luật, CSGT được dừng phương tiện để kiểm tra trong 4 trường hợp:

(1) Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật;

(2) Những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm soát trực tiếp mới phát hiện được (gồm vi phạm nồng độ cồn, chất cấm; vi phạm về điều kiện của phương tiện và người lái; quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong vận tải đường bộ).

(3) Phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh;

(4) Có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác...

Như vậy, đã có những khác biệt trong thẩm quyền dừng phương tiện của CSGT được quy định tại dự thảo luật so với Thông tư 32/2023 hiện hành.

Thông tư 32/2023 quy định 4 trường hợp CSGT được dừng xe gồm: (1) Xác định được lỗi vi phạm; (2) Có chuyên đề tuần tra kiểm soát do cấp có thẩm quyền ban hành; (3) Tình huống ứng phó thiên tai, hỏa hoạn...; (4) có tin tố giác về tội phạm.

So sánh thông tư này với dự thảo luật, có thể thấy các điểm (1), (3) và (4) tương đối giống nhau. Riêng điểm (2) có nhiều khác biệt. Dự luật không còn nhắc đến điều kiện "chuyên đề", thay vào đó cho phép CSGT được dừng xe để kiểm tra những vi phạm mà "phải dừng xe mới phát hiện được".

Đọc tới đây, nhiều ý kiến cho rằng nếu điều khoản được thông qua, việc dừng xe khi không có dấu hiệu vi phạm để kiểm tra hành chính (giấy tờ xe) có thể sẽ trở thành một thẩm quyền cơ bản của CSGT, thay vì phải căn cứ vào "chuyên đề" như trước đây.

Trước đây, nhiều người điều khiển phương tiện, nếu chắc chắn mình không mắc lỗi, thường phản ứng lại với yêu cầu dừng xe kiểm tra hành chính của CSGT. Họ đề nghị CSGT phải chỉ ra lỗi hoặc cho xem "chuyên đề".

Đánh giá về điểm mới của dự thảo luật, Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch) nhận định Điều 61 trong dự luật có sự trùng lặp và xung đột với thông tư ban hành trước đó. Do luật ra đời sau và có giá trị pháp lý cao hơn thông tư nên nếu được ban hành, nó sẽ thay thế và phủ nhận thông tư.

Về viễn cảnh CSGT có thể dừng xe để kiểm tra giấy tờ mà không cần căn cứ lỗi vi phạm hay văn bản chuyên đề, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng điều này có thể có lợi cho việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người dân.

"Nếu việc tăng cường kiểm tra của CSGT giúp nâng cao mức độ an toàn cho xã hội thì tôi ủng hộ. Tuy nhiên, nhà làm luật sẽ phải giải trình được mục đích và hiệu quả của việc tăng cường quyền hạn kiểm tra của CSGT", luật sư Tuấn Anh nhận định.

Ông cho rằng cơ quan biên soạn dự luật cần giải thích rõ cho người dân về điểm mới này. Bên cạnh đó, cần có một quá trình chuyển tiếp, thí điểm để đánh giá hiệu quả. 

Điều 16, Thông tư 32/2023 quy định cán bộ CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:

a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành;

c) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

d) Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.