1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

Dù có khó khăn đến mấy cũng không để dân đói, khát

Tiến Hiệp – Nguyễn Tú – Xuân Sinh

(Dân trí) - Đến tối 20/10, Hàng chục ngàn hộ dân tại Hà Tĩnh vẫn đang chìm trong biển nước. Lực lượng chức năng và nhiều đoàn thiện nguyện dùng thuyền băng lũ để kịp thời mang lương thực tiếp tế cho người dân...

Cứu trợ kịp thời không để dân chịu cảnh đói khát

Băng lũ tiếp tế lương thực cho người dân

Dù đã được chuyển đến vị trí an toàn tại Trường Đại học Hà Tĩnh, nhưng bà Trần Thị Hương (SN 1961, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên) vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Trong cuộc đời gần 60 năm của mình, có lẽ với bà đây là trận lũ lịch sử nhất.

Dù có khó khăn đến mấy cũng không để dân đói, khát - 1

Lực lượng chức năng di dời các hộ dân có nguy cơ gặp rủi do do mưa lũ về nơi an toàn

“Chưa bao giờ lũ lên nhanh và ngập sâu đến như thế. Lên nhanh đến nỗi không ai kịp chuẩn bị gì. Rất may các lực lượng chức năng đã kịp thời ứng cứu đưa dân đến nơi an toàn”, bà Trần Thị Hương.

Do chịu ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa kết hợp với rìa bắc dải hội tụ nhiệt đới nên trong những ngày qua toàn tỉnh Hà Tĩnh có vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Có nhiều nơi, lượng mưa đo được từ 7h ngày 15/10 đến 4h ngày 20/10 từ 1.000 – 1.400mm.

Mưa lớn kết hợp với các hồ chứa xả lũ khiến nhiều nơi bị ngập nặng. Theo thông tin từ BCH PCTT&TKCN tỉnh, tính tới ngày 20/10, Hà Tĩnh có 90 xã bị ngập với 31.000 hộ/105.373 người. Trong đó những địa phương bị ngập nặng như huyện Cẩm Xuyên: 19 xã (13.393 hộ/43.028 người); huyện Thạch Hà 17 xã (10.588 hộ/42.232 người); TP Hà Tĩnh 14 xã, phường (2.300 hộ/4.950 người) và huyện Lộc Hà: 11 xã (3.430 hộ/10.745 người)… 

Dù có khó khăn đến mấy cũng không để dân đói, khát - 2
Dù có khó khăn đến mấy cũng không để dân đói, khát - 3

Đến nay hàng chục nghìn nhà dân tại huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh vẫn chìm trong biển nước

Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, hàng chục nghìn hộ dân tại các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh chìm trong biển nước. Nơi nặng nhất bị ngập đến hơn 4m. Ở TP. Hà Tĩnh được đánh giá có vị trí cao nhưng gần như bị ngập hoàn toàn, có nơi đến hơn 1m.

Ông Lê Văn Lâm (SN 1956, trú phường Hà Huy Tập, TP. Hà Tĩnh) vừa sơ tán đồ đạc để chuẩn bị rời nhà vừa cho hay, so với cơn lũ năm 2010 thì cơn lũ này đến thời điểm hiện tại mực nước phải cao hơn 1m.

“Gia đình tôi ở đây từ năm 1970 mà chưa bao giờ nước vào đến sân mà giờ ngập nhà gần 1m, không thể tin được là cơn lũ này khủng khiếp đến vậy” - ông Lâm nói trong lo lắng.

Dù có khó khăn đến mấy cũng không để dân đói, khát - 4

Nước lên nhanh và ngập sâu nhiều gia đình phải chuyển lên gác 2 để ở

Với phương châm cứu người trước, cứu tài sản sau và bảo đảm an toàn tuyệt đối, tính đến chiều ngày 20/10, lực lượng chức năng đã tổ chức sơ tán được hơn 7 ngàn hộ dân với hơn 20.000 người trên các địa bàn của 8 huyện, thành phố đang có nguy cơ mất an toàn do lũ lụt, sạt lở đất.

Quyết không để ai bị đói, khát

Dù có khó khăn đến mấy cũng không để dân đói, khát - 5

Hàng trăm chuyến tiếp tế chở lương thực vào cho người dân vùng lũ

Song song với việc di dời các hộ dân có nguy cơ cao gặp rủi ro do mưa lũ, các lực lượng chức năng cũng cấp tốc đưa hàng trăm chuyến thuyền mang theo lương thực như mì tôm, cơm, xôi và nước uống tới các hộ dân đang bị cô lập.

Trung úy Phan Văn Điệp - Phó Công an xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên) cho biết, toàn xã có trên 1.000 hộ dân bị ngập, có hộ bị ngập sâu từ 3 đến 4m.

“Hàng trăm hộ dân tại đây đã được các lực lượng chức năng di dời tới các vị trí an toàn. Hiện vẫn còn hàng trăm hộ dân đang bám trụ ở lại trên các gác nhà nhưng bị nước bao vây, cô lập hoàn toàn”, Trung uý Điệp cho biết thêm.

Dù có khó khăn đến mấy cũng không để dân đói, khát - 6

Hiện nhiều khu vực tại Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh vẫn chưa có điện

Với mục tiêu không để bất kỳ người dân nào bị đói, khát, các lực lượng chức năng đã thực hiện hàng trăm chuyến thuyền mang theo lương thực như mì tôm, xôi, cơm và nước uống vượt lũ phát đến tận tay các hộ dân.

Ông Nguyễn Quốc Hương – Phó chủ tịch UBND Huyện Thạch Hà cho biết: “Cơ bản những người dân ở đây đã nhận được lương thực và nước uống để cầm cự. Nhưng nếu có trường hợp nào nguy cấp cần hỗ trợ, chúng tôi vẫn tiếp tục cho thuyền vào để hỗ trợ”.

 Bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1959 xã Cẩm Vịnh) chia sẻ, do nước lũ lên quá nhanh nên không kịp chuẩn bị gì, khiến gia đình bà cũng như nhiều hộ dân nơi đây bị thiếu lương thực, và nước uống.

“Từ sáng đến chiều tối nay, các lực lượng chức năng đã mang hàng trăm chuyến thực phẩm, nước uống vào tiếp tế cho chúng tôi, nhờ vậy mà không ai bị đói cũng như thiếu nước uống cả”, bà Hoa nói.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, đến khoảng 20h hôm nay (20/10), những đoàn xe thiện nguyện từ mọi miền tổ quốc khi đi ngang quốc lộ 1A cách trung tâm xã Cẩm Vĩnh khoảng 3km đã dừng lại để “tiếp tế” lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm để cho lực lượng chức năng bơi thuyền vào đưa cho người dân.

Dù có khó khăn đến mấy cũng không để dân đói, khát - 7
Dù có khó khăn đến mấy cũng không để dân đói, khát - 8

Băng vào tâm lũ tiếp tề lương thực cho người dân

Ông Trần Hậu Diễn- Đội trưởng đội thiện nguyện Voi (huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh) chia sẻ: “Chúng tôi rất xót xa khi chứng kiến hàng trăm ngàn hộ dân bị nước lũ cô lập. Biết người dân vùng lũ không có thực phẩm, nước uống, chúng tôi bàn nhau quyên góp và nấu xôi, thức ăn, chia thành từng phần để đưa đến các vùng lũ tiếp tế, góp phần nhỏ chia sẻ với người dân”.

Trung tá Phạm Văn Quý – Đội trưởng đội CSGT Huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: “Từ hôm qua đến giờ chúng tôi đã dùng mọi phương tiện để trực tiếp vào từng nhà để kịp thời sơ tán dân đến nơi an toàn. Không quản ngày đêm, đến chiều hôm nay đã tổ chức sơ tán gần một ngàn người già, trẻ nhỏ và gia đình khó khăn, đau ốm về tại điểm trường Đại học Hà Tĩnh, các trường học và trụ sở ủy ban…”.

“ Việc bảo đảm nơi ăn, chốn nghỉ an toàn cho nhân dân là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu. Bất cứ trong hoàn cảnh nào chúng tôi cũng phải cố gắng để người dân không phải chịu cảnh đói, khát”, Trung tá Quý chia sẻ thêm.