1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đình trệ: Mỗi tháng thiệt hại gần 20 tỷ

(Dân trí) - Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TPHCM đã ngưng thi công từ tháng 4/2018. Nhà đầu tư đang cùng UBND TPHCM giải quyết các vướng mắc nhưng vẫn chưa biết khi nào mới có thể tái khởi động dự án. Việc ngưng thi công gây thiệt hại lớn, ước tính từ 17-20 tỷ đồng mỗi tháng.

Chiều 13/9, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, nhà đầu tư dự án chống ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố khí hậu trị giá gần 10.000 tỷ đồng chủ trì buổi làm việc về vấn đề liên quan đến việc tư vấn giám sát hợp đồng thông tin “thay thép G7 bằng thép Trung Quốc” tại một số cống ngăn triều.

Buổi làm việc có sự tham gia của Trung tâm chống ngập TPHCM, liên danh tư vấn thiết kế dự án, giám sát thi công công trường… Trong khi đó, dù được mời nhưng công ty TNHH tư vấn thiết kế Meihardt (thuộc liên danh tư vấn giám sát hợp đồng) không cử đại diện tham dự. Đây là đơn vị báo cáo với UBND TPHCM rằng nhà đầu tư thay thép G7 bằng thép Trung Quốc.

Ông Nguyễn Tâm Tiến cung cấp, trích dẫn các tài liệu liên quan khẳng định nhà đầu tư thực hiện dự án đúng quy định pháp luật, hợp đồng dự án và đảm bảo chất lượng - kỹ thuật
Ông Nguyễn Tâm Tiến cung cấp, trích dẫn các tài liệu liên quan khẳng định nhà đầu tư thực hiện dự án đúng quy định pháp luật, hợp đồng dự án và đảm bảo chất lượng - kỹ thuật

Tại đây, một lần nữa ông Tiến khẳng định hợp đồng BT mà UBND TPHCM ký với Nhà đầu tư không có điều khoản hay ràng buộc nào là thép sử dụng cửa van phải là thép G7, châu Âu, thép Mỹ, thép Nhật hay thép Trung Quốc.

Theo ông Tiến, nhà đầu tư không thay vật liệu như cáo buộc của đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng. Theo quy định của Luật Xây dựng (điểm đ, khoản 2, Điều 86): “Không được chỉ định nhà sản xuất cung cấp vật liệu, vật tư và thiết bị xây dựng trong nội dung thiết kế xây dựng của công trình sử dụng vốn nhà nước”.

Tuy nhiên trước đây, đơn vị tư vấn thiết kế ghi nhầm và đã sửa chữa cho phù hợp với các quy định pháp luật.

Theo ông Tiến, tại 3 cống ngăn triều Cây Khô, Phú Xuân, Tân Thuận, đều nhập phôi thép của Trung Quốc về gia công. Trong khi đó, cống Bến Nghé vẫn là cửa van Inox nhưng thay vì dùng thép SUS304 cường độ thép thấp, tư vấn thiết kế đã chọn thép SUS323L tốt hơn cho công trình đảm bảo chất lượng và mua từ Nhật Bản.

Đại diện nhà đầu tư cho biết, toàn bộ những thay đổi đều được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, bộ ngành Trung ương hướng dẫn. Sau đó, UBND TPHCM kết luận chấp thuận các thay đổi này và đề nghị các đơn vị liên quan tuân thủ.

“Nhập thép nào đảm bảo tiêu chí kỹ thuật, giá thành hợp lý, làm lợi cho công trình và mang tính bền vững thì chúng tôi nhập về. Nhà đầu tư mua thép xuất xứ từ nước nào thì khai báo giá vật tư đầu vào là thép của nước ấy chứ không mua thép nước này khai báo giá thép nước kia. Những thay đổi này giúp tiết kiệm được hơn 90 tỷ đồng cho ngân sách”, ông Tiến nói.

Để khẳng định chất lượng vật liệu, ông Tiến cho biết nhà đầu tư sẵn sàng cam kết sẽ bảo hành công trình 10 năm thay 3 năm như trong hợp đồng đã ký với UBND thành phố.

Trước giải trình của nhà đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập TP cũng nhấn mạnh rằng thép thi công công trình phải đúng tiêu chuẩn như quy định trong hồ sơ thiết kế. Theo ông, việc dự án không hoàn thành như cam kết vào dịp 30/4/2018 làm ảnh hưởng đến việc chống ngập do triều của thành phố.

Nhà đầu tư cho biết việc ngưng thi công dự án gây thiệt hại nặng nề, ước tính từ 17-20 tỷ đồng mỗi tháng
Nhà đầu tư cho biết việc ngưng thi công dự án gây thiệt hại nặng nề, ước tính từ 17-20 tỷ đồng mỗi tháng

Về giải quyết vướng mắc dự án, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết, đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng đã làm bảng tổng hợp xác nhận khối lượng thi công và UBND TPHCM đã ký lại biểu mẫu theo quy định để thực hiện các thủ tục tiến tới việc tái cấp vốn.

Theo ông Tiến, nhà đầu tư mong muốn sớm được cấp vốn để tái khởi động dự án nhưng chưa biết đến bao giờ vì chờ giải quyết nhiều vấn đề liên quan.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho biết, việc ngừng thi công dự án gây thiệt hại rất lớn, ước tính mỗi tháng thiệt hại từ 17-20 tỷ đồng, trong đó bao gồm chi phí cho thiết bị, máy móc, con người, lãi ngân hàng…

Khi được hỏi có ý định yêu cầu bồi thường hay không, ông Tiến cho biết: “Làm dự án cho thành phố mà hở cái gì cũng đòi bồi thường thì không được vì nhà đầu tư thực sự muốn chia sẻ cùng thành phố. Nhưng phải chờ coi đến lúc khởi động lại dự án mức thiệt hại thế nào, chúng tôi có chịu nổi hay không”.

Quốc Anh