Dự án chống ngập 10.000 tỷ không được tái cấp vốn vì dùng thép Trung Quốc?
(Dân trí) - Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TPHCM ngưng thi công từ tháng 4/2018 do không được tái cấp vốn. Nguyên nhân được tư vấn giám sát chỉ ra là do đơn vị thi công đã dùng thép có nguồn gốc Trung Quốc để làm cửa van cống ngăn triều thay vì dùng thép xuất xứ từ các nước tiên tiến thuộc nhóm G7.
Từ tháng 5/2018, liên danh tư vấn giám sát hợp đồng dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu trị giá gần 10.000 tỷ đồng đã có văn bản gửi Thường trực UBND TPHCM về việc thay đổi vật liệu thép.
Liên danh tư vấn Meihardt – CMB - TL12 (Tư vấn GSHĐ) cho biết đã nhiều lần báo cáo về việc thay đổi vật liệu thép lắp đặt cửa van của các cống kiểm soát triều. Cụ thể, việc sử dụng tiêu chuẩn vật liệu thép chế tạo, lắp đặt cơ khí cửa van thép không thống nhất từ khâu thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ thi công và thực tế thi công.
Theo hồ sơ thiết kế thi công đã được thẩm định và chủ đầu tư phê duyệt cho dự án, vật tư chính chế tạo cửa van là thép S355, có nguồn gốc xuất xứ từ các nước tiên tiến thuộc nhóm G7 sản xuất có cơ tính và hóa tính tương đương mác thép S355. Riêng cống Bến Nghé làm bằng thép không rỉ SUS304 và 323L tiêu chuẩn Nhật Bản.
Tuy nhiên, thực tế thi công và hồ sơ nộp cho thấy, vật tư chính để chế tạo cửa van có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc.
Theo tư vấn GSHĐ, nhà đầu tư đã không tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa vật tư chính chế tạo cửa van đã được quy định trong chỉ dẫn kỹ thuật của dự án. Hơn nữa, việc thay đổi tiêu chuẩn thép chưa được sự chấp thuận của UBND TPHCM (người quyết định đầu tư). Do đó, chưa đủ cơ sở để xác định giải ngân các gói thầu cơ khí của van cống kiểm soát triều Phú Xuân và cống kiểm soát triều Cây Khô.
Đến tháng 8/2018, tư vấn GSHĐ tiếp tục có văn bản gửi lãnh đạo UBND TPHCM về đề nghị xác nhận giá trị hoàn thành khối lượng tại cống kiểm soát triều Mương Chuối của đơn vị thực hiện dự án là công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (thành viên tập đoàn Trung Nam).
“Nếu xác nhận khối lượng giá trị hoàn thành để làm cơ sở giải ngân, thành phố sẽ gánh chịu rủi ro về pháp lý và rủi ro phát sinh chi phí đầu tư dự án”, công văn nêu rõ.
Liên quan đến dự án, Tập đoàn Trung Nam cho biết đến nay, tiến độ dự án vẫn đạt 72% (bằng với thời điểm tạm ngưng dự án vào cuối tháng 4/2018).
Lý giải về việc thay đổi tiêu chuẩn thép, nhà đầu tư cho biết đã có văn bản xin chỉ dẫn, cũng như xác nhận về thay đổi tiêu chuẩn trước khi thực hiện.
Ngày 22/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP đã khẳng định tính phù hợp khi thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép chế tạo cửa van các cống.
Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị UBND TP có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước và liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng khẩn trương kiếm tra hồ sơ và xác nhận khối lượng thi công hoàn thành hạng mục lắp đặt cửa van các cống kiểm soát triều của chủ đầu tư theo đúng quy định.
Cũng theo nhà đầu tư, UBND TPHCM đã thực hiện ký phụ lục 02A, tuy nhiên hồ sơ các hạng mục lớn khác liên quan đến cống Mương Chuối và tiêu chuẩn thép vẫn chưa được chính quyền thành phố xác nhận. Ngoài ra, hiện ngân hàng tài trợ vốn BIDV đang có đề xuất thành phố giải quyết các khoản chi phí tài chính phát sinh, do vấn đề tạm dừng dự án gây ra.
Theo đơn vị này, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM là dự án lớn, trong quá trình triển khai thực thế phát sinh và cần có những thay đổi phù hợp với thực tế hiện trường. Mặc dù đã được UBND thành phố đồng ý chủ trương nhưng về mặt thủ tục pháp lý cần điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi cho phù hợp.
Trước đó, chính quyền thành phố đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra đánh giá dự án. Đoàn kiểm tra có 14 thành viên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Thị Thu Hoa làm trưởng đoàn. Trách nhiệm của đoàn là thực hiện kiểm tra, giám sát đánh giá dự án theo đúng quy định hiện hành.
Nói về việc UBND TPHCM thành lập đoàn kiểm tra, nhà đầu tư cho biết đây là hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật hoặc liên quan đến pháp lý dự án như khối lượng, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo thành phố để giải quyết và tái khởi động trong thời gian sớm nhất.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng bị chậm tiến độ do vướng mắc thủ tục tái cấp vốn, ngoài ra vấn đề giải quyết mặt bằng cũng đang gặp khó khăn. Mới đây, UBND TPHCM đã có công văn “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ, đề nghị sớm chủ trì cuộc họp giải quyết vướng mắc, triển khai dự án đúng tiến độ.
Hiện nay, chính quyền thành phố chỉ đạo các quận huyện khẩn trương thực hiện hoàn tất công tác bồi thường giải phóng, bàn giao mặt bằng để đảm bảo thi công, tiến độ dự án. Dự án bị ảnh hưởng bởi 236 hộ gia đình và 29 tổ chức, doanh nghiệp. Hiện nay, 154 hộ và 25 tổ chức, doanh nghiệp đã bàn giao mặt bằng.
Quốc Anh