1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Động thái của Cục Thi hành án Hà Nội sau khi bị "truy gắt" vì hiệu quả thấp

Thế Kha

(Dân trí) - Cục trưởng Cục Thi hành án Hà Nội chỉ đạo kiểm tra những đơn vị tồn nhiều vụ việc đã đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản; có lượng việc, tiền phải thi hành lớn, kết quả thi hành án thấp...

Cục Thi hành án dân sự Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính 6 tháng đầu năm 2022 (tính theo năm thi đua của ngành). Kết quả cho thấy, tổng số việc giải quyết là 39.154 việc; tổng số việc phải thi hành 38.617 việc. Đến nay cơ quan này đã thi hành xong là 12.471 việc, đạt tỷ lệ 44.85%.

Về tiền, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết tổng số phải thi hành trên 49.200 tỷ đồng, trong đó có điều kiện thi hành trên 29.338 tỷ đồng (chiếm 60%); số tiền thi hành xong gần 4.300 tỷ đồng (tăng trên 618 tỷ đồng so với cùng kỳ và đạt tỷ lệ 14,6%).

Động thái của Cục Thi hành án Hà Nội sau khi bị truy gắt vì hiệu quả thấp - 1

Ông Phạm Văn Dũng - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội.

Theo ông Phạm Văn Dũng - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, mặc dù tổng số thụ lý về việc và tiền ngày càng tăng nhưng các cá nhân và tập thể các cơ quan thi hành án đã tăng cường sự đoàn kết, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp của các ngành… để đề ra các giải pháp, biện pháp tổ chức giải quyết, nâng cao kết quả thi hành án.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, thụ lý mới tiếp tục tăng cao và kết quả thi hành xong đạt được còn thấp so với toàn quốc.

Để khắc phục những tồn tại, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022, Cục trưởng Thi hành án Hà Nội đã yêu cầu các phòng chuyên môn và Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc nâng cao hơn nữa vai trò của người đứng đầu; gắn trách nhiệm với công tác chỉ đạo, điều hành nhằm tạo chuyển biến tích cực.

Đặc biệt phải đôn đốc, kiểm tra các Chi cục Thi hành án dân sự theo kế hoạch, tập trung vào những đơn vị còn tồn nhiều vụ việc đã đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản, những đơn vị có lượng việc, tiền phải thi hành lớn hoặc có kết quả thi hành án đạt tỷ lệ thấp, có nhiều vụ việc phức tạp.

Ông Dũng cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản ở Cục Thi hành án và các Chi cục Thi hành án trực thuộc. Cân nhắc kỹ trong việc ký hợp đồng và chỉ ký với những tổ chức uy tín, có đầy đủ năng lực pháp lý nhằm tránh trường hợp có vi phạm xảy ra.

Cục Thi hành án dân sự Hà Nội sẽ tiếp tục điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức các cơ quan thi hành án trên địa bàn; thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đồng thời tham mưu kịp thời cho Ban chỉ đạo thi hành án dân sự thành phố, quận, huyện giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình phối hợp tổ chức thi hành án.

Như Dân trí đã thông tin, tại cuộc họp triển khai công tác thi hành án từ nay tới cuối năm 2022 vừa diễn ra tại Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Mai Lương Khôi cho rằng kết quả thi hành án dân sự của Hà Nội đã ì ạch nhiều năm qua.

"Từ nay tới cuối năm, trách nhiệm của Hà Nội phải hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ; nếu không thì phải làm rõ trách nhiệm của từng Chấp hành viên, từng Chi cục thi hành án"- ông Khôi yêu cầu.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng chỉ đạo "thay" Chi cục trưởng thi hành án dân sự nào không chỉ đạo, không sát sao, không hiệu quả; chấp hành viên nào không làm thì đề xuất miễn nhiệm.

"Biên chế đông mà không làm, ngồi đó nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm thì khi xử lý vi phạm còn phức tạp, mệt mỏi hơn"- ông Khôi nói.

TPHCM thi hành xong 15.000 tỷ đồng

Tại hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 vừa diễn ra, Cục Thi hành án dân sự TPHCM cho biết đã tập trung tổ chức thi hành xong 17.179 việc tương ứng trên 15.000 tỷ đồng (chiếm gần 1/2 tổng số thi hành xong của toàn hệ thống thi hành dân sự cả nước). Thi hành xong hơn 574 tỷ đồng các vụ việc liên quan đến thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng.

Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi được tập trung chỉ đạo, tiếp tục đạt kết quả tích cực với trên 8.000 tỷ đồng được thu hồi.

Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã yêu cầu cơ quan này tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành 2 chỉ tiêu nhiệm vụ được giao: Giải quyết hồ sơ án phí, các vụ việc hình sự, phối hợp với trại giam; tổ chức có hiệu quả án tín dụng ngân hàng, án phá sản và hạn chế đến mức tối thiểu những vi phạm xảy ra…