Cục trưởng Cục Thi hành án Hà Nội bị "truy gắt" về kết quả hoạt động thấp
(Dân trí) - Thứ trưởng Mai Lương Khôi chỉ đạo Cục trưởng Thi hành án dân sự Hà Nội: "Chi cục trưởng nào không chỉ đạo, không sát sao, không hiệu quả, đề xuất thay. Chấp hành viên nào không làm thì miễn nhiệm".
Tại hội nghị tổng kết công tác những tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ từ nay tới cuối năm 2022 của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) sáng 19/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đã truy trách nhiệm của lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội trong việc để xảy ra kết quả thi hành án đạt tỷ lệ thấp, diễn ra nhiều năm liền.
Ông Khôi khẳng định, kết quả thi hành án của Cục Thi hành án dân sự TPHCM và Cục Thi hành án dân sự Hà Nội quyết định đến việc hoàn thành chỉ tiêu thi hành án của cả nước.
"Tổng số phải thi hành về tiền của TPHCM trên 100.000 tỷ đồng, Hà Nội trên 50.000 tỷ đồng (bằng khoảng 1/2 TPHCM), nhưng từ đầu năm tới nay TPHCM đã thi hành xong 14.000 tỷ, còn Hà Nội mới có hơn 3.000 tỷ - mới bằng 1/4 của TPHCM. Kết quả đó sẽ "kéo" kết quả của cả nước xuống"- Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, kết quả thi hành án dân sự của Hà Nội đã ì ạch nhiều năm qua. "Từ nay tới cuối năm, trách nhiệm của Hà Nội phải hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ; nếu không thì phải làm rõ trách nhiệm của từng Chấp hành viên, từng Chi cục thi hành án"- ông Khôi yêu cầu.
Trao đổi tại cuộc họp, ông Phạm Văn Dũng - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội - thừa nhận so với tình hình chung của cả nước thì kết quả của Hà Nội còn thấp.
Trong đó, nguyên nhân khách quan là do 6 tháng qua ở Hà Nội đã có tới 70% công chức, người lao động nhiễm Covid-19. Cán bộ phường, xã cũng nhiễm Covid-19 rất nhiều nên khi chấp hành viên xuống phối hợp, đặc biệt là tổ chức cưỡng chế bàn giao tài sản gặp rất nhiều khó khăn.
"Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã làm việc với 30 Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện và làm việc với từng chấp hành viên. Về nguyên nhân chủ quan thì chủ yếu do vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo một số Chi cục Thi hành án dân sự chưa quyết liệt. Chi cục trưởng không nắm sâu án của anh em, chỉ đạo điều hành còn hạn chế. Một số chấp hành viên lơ là, đổ lỗi cho Covid-19. Nhiều hồ sơ chậm"- ông Dũng cho hay.
Ông Phạm Văn Dũng cho biết, các giải pháp cụ thể đã được cơ quan này làm việc với lãnh đạo 30 Chi cục Thi hành án dân sự và chấp hành viên án đều có thời hạn cụ thể để thực hiện xong các án tín dụng ngân hàng, án tham nhũng, án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo…
Ngoài ra, Cục trưởng Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết từ đầu năm 2022 tới nay đã nhận được 438 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Qua phân tích, đơn tố cáo chỉ tập trung vào việc chậm thi hành án, đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản. Còn đơn khiếu nại liên quan đến quy trình, thủ tục cưỡng chế thi hành án.
"Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Ý thức trách nhiệm của chấp hành viên, quá trình tác nghiệp của chấp hành viên có những cái chủ quan lơ là. Hà Nội sẽ quyết tâm cao nhất hoàn thành nhiệm vụ được giao"- ông Phạm Văn Dũng hứa.
Đánh giá Hà Nội có những đặc thù riêng, phải đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn xã hội nhưng Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhắc lại việc nhiều năm qua Cục Thi hành án dân sự Hà Nội còn nhiều tồn tại, hạn chế về tổ chức thi hành án và hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Vì vậy, ông yêu cầu cơ quan này phải quyết liệt, sâu sắc, nghiêm khắc hơn nữa trong thời gian tới. "Chi cục trưởng nào không chỉ đạo, không sát sao, không hiệu quả, đề xuất thay. Chấp hành viên nào không làm thì đề xuất miễn nhiệm. Biên chế đông mà không làm, ngồi đó nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm thì khi xử lý vi phạm còn phức tạp, mệt mỏi hơn".
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đề nghị Cục Thi hành án dân sự Hà Nội báo cáo thêm về việc tổ chức kiểm tra đã phát hiện những trường hợp cán bộ, công chức nào lơ là, thiếu trách nhiệm và đã bị xử lý.
Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái yêu cầu Cục Thi hành án dân sự Hà nội bám sát các nhiệm vụ được giao.
"Vừa rồi chúng tôi đã cho kiểm tra án tín dụng, ngân hàng của Hà Nội rồi. Hà Nội bám sát làm. Tới đây chúng tôi không kiểm tra chung nữa, mà sẽ kiểm tra chi tiết vụ việc, sau kiểm tra không có chuyển biến sẽ xử lý"- ông Thái nhắc nhở.