1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề xuất lập tiểu ban "cứu" sông Bắc Hưng Hải

(Dân trí) - Trước thực trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng, nhiều bộ ngành, địa phương vừa thống nhất cần thành lập một Tiểu ban bảo vệ môi trường và quản lý hệ thống sông Bắc Hưng Hải.

Tại cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh/thành phố Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội nhằm đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Bắc Hưng Hải, ngày 5/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải rất quan trọng với nhiệm vụ chính là để trữ nước, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương nhưng đang chịu thêm chức năng thoát nước thải, chất thải nông nghiệp, kể cả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Đề xuất lập tiểu ban cứu sông Bắc Hưng Hải - 1

Bộ trưởng Trần Hồng Hà (Ảnh: K.T)

Qua thời gian và các tác động của biến đổi khí hậu, hệ thống này đã xuống cấp và ô nhiễm nguồn nước sông đang ở mức báo động cần sớm giải quyết để đảm bảo an ninh nguồn nước.

Trong khi đó, việc quản lý, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường đối với hệ thống sông Bắc Hưng Hải hiện còn chồng chéo, chưa xác định rõ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giữa ngành tài nguyên môi trường, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và giữa các địa phương.

Ông Hà đề nghị các cơ quan liên quan đánh giá lại toàn bộ chức năng của sông Bắc Hưng Hải so với mục tiêu ban đầu là trữ nước, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và hiện nay là nơi chứa các nguồn xả thải từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, chăn nuôi, làng nghề…. Đồng thời có quy hoạch tổng thể cho sông Bắc Hưng Hải để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới tiêu và duy trì dòng chảy tối thiểu trên các sông trong hệ thống, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước.

Trước mắt các địa phương cần quy hoạch các điểm tập kết chất thải rắn gần hệ thống sông Bắc Hưng Hải; tổ chức thu gom, xử lý chất thải rắn, chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý đúng quy định.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải trên địa bàn và chất lượng các nhánh sông trong khu vực. Bên cạnh xử lý hành chính, các đơn vị xả thải phải có cam kết lộ trình lắp đặt các hệ thống quan trắc, đổi mới công nghệ xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường.

“Lộ trình tối đa là 1 năm, nếu các đơn vị không đáp ứng được thì các cơ quan chức năng nhà nước có thể đề xuất đóng cửa những đơn vị xả thải”- ông Hà thẳng thắn đề nghị.

Đề xuất lập tiểu ban bảo vệ hệ thống sông

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải được bao bọc bởi 4 sông lớn là sông Hồng, Thái Bình, Đuống và Luộc. Do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, hình thành nhiều khu công nghiệp, làng nghề nên tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý, khai thác và bảo vệ công tình thủy lợi ngày càng gia tăng và nghiêm trọng.

Nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật được xả vào hệ thống công trình thủy lợi diễn ra phổ biến, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước trong hệ thống ngày càng trầm trọng, đặc biệt là vào mùa kiệt từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Đề xuất lập tiểu ban cứu sông Bắc Hưng Hải - 2

Các nguồn nước thải đổ ra sông Bắc Hưng Hải gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Trong khi đó, UBND thành phố Hà Nội phản ánh, quá trình đô thị hóa nhanh gây nhiều bất cập về môi trường dù đã đặt các trạm quan trắc để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm. Đại diện UBND thành phố đề nghị các Bộ, ngành trung ương liên quan hỗ trợ về vấn đề quy hoạch, cơ chế đầu tư để giải quyết ô nhiễm môi trường, các quy chuẩn về kỹ thuật về chất lượng nước thải.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ và địa phương đều thống nhất cần thành lập một Tiểu ban bảo vệ môi trường và quản lý hệ thống sông Bắc Hưng Hải và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là cơ quan đầu mối báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cho phép thành lập Tiểu ban này. Từ đó, sẽ phân công các đơn vị chức năng xây dựng, đề xuất quy chế về bảo vệ môi trường chung cho các địa phương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng ngân sách để đầu tư hệ thống quan trắc địa phương và liên tỉnh; ban hành danh mục tạm thời chưa đầu tư các dự án xả thải ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; tuyệt đối không quy hoạch các bãi rác dọc hệ thống sông Bắc Hưng Hải.

Các cơ quan liên quan nghiên cứu để có cơ chế đặc thù huy động các dự án có năng lực tham gia xử lý nước thải, rác thải đối với làng nghề, khu, cụm công nghiệp, sẽ bổ sung vào trong Luật Bảo vệ môi trường đang sửa đổi.

Thế Kha