Đóng hàng loạt cầu, TPHCM lo kẹt xe liên hoàn

(Dân trí) – Ngày 9/11, cầu Lê Văn Sỹ đã chính thức đóng cửa. Đây là cây cầu thứ 3 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đóng cửa. Việc đóng cửa hàng loạt cầu trong cùng thời gian khiến giao thông qua khu vực này thêm phức tạp.

Đúng 6h sáng 9/11, đơn vị thi công đã tiến hành rào chắn 2 đầu cầu Lê Văn Sỹ, tháo dỡ một phần dải phân cách gần cầu để các phương tiện lưu thông dễ dàng. Đồng thời, Sở GTVt cũng có lệnh cấm tất cả các phương tiện lưu thông qua cầu. Sau khi đóng cầu, các công nhân, thanh niên xung phong, CSGT tích cực hướng dẫn phân luồng phương tiện lưu thông theo các cầu tạm được bố trí dọc 2 bên cầu cũ.

Ngày 9/11, cầu Lê Văn Sỹ chính thức đóng cửa
Ngày 9/11, cầu Lê Văn Sỹ chính thức đóng cửa

Nhưng ngày cuối tuần nên giao thông thưa thớt
Nhưng ngày cuối tuần nên giao thông thưa thớt

Theo ghi nhận của Dân trí, sau khi cầu Lê Văn Sỹ đóng cửa, tình trạng kẹt xe đã không xảy ra ở đây. Đến gần 7h là thời gian cao điểm nhưng các phương tiện lưu thông qua đây vẫn thông thoáng, không xảy ra tình trạng ùn ứ.

Tuy nhiên, ngày đầu tiên đóng cầu Lê Văn Sỹ là ngày cuối tuần nên dấu hiệu khả quan sáng nay cũng chưa thể khẳng định được việc đóng cầu có dẫn tới tình trạng kẹt xe như các cây cầu trước đó hay không. Dự đoán vào những ngày đầu tuần tới, tình hình giao thông sẽ trở nên rất phức tạp hơn khi lượng người tham gia giao thông sẽ tăng trở lại.

Lưu thông qua cầu tạm khá thoải mái
Lưu thông qua cầu tạm khá thoải mái

Tình trạng ùn tắc đã không xảy ra
Tình trạng ùn tắc đã không xảy ra

Ngoài ra, chỉ trong vòng 2 tuần nữa, cầu Kiệu cũng sẽ đóng cửa để thi công xây dựng cầu mới. Khi đó, tình hình giao thông khu vực này sẽ càng phức tạp hơn, có nguy cơ xuất hiện kẹt xe liên hoàn, không chỉ tại khu vực đóng cầu mà còn lan sang các tuyến đường lân cận.

Được biết, cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Nguyễn Văn Trỗi (cầu Công Lý), cầu Lê Văn Sỹ là 4 cây cầu trên 4 tuyến huyết mạch nối trung tâm thành phố với các quận ngoại thành phía Tây là Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình… Khi cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Lê Văn Sỹ đóng cửa thì một lượng lớn phương tiện sẽ đổ dồn về tuyến Nam Kỳ Khởi Nghĩa để qua cầu Nguyễn Văn Trỗi, nhất là khi các loại xe khách cỡ lớn vốn không được lưu thông qua cầu tạm sẽ bắt buộc phải đi qua lộ trình thay thế này. Chỉ tính riêng 3 tuyến xe buýt vốn di chuyển qua cầu Kiệu và cầu Lê Văn Sỹ phải chuyển lộ trình sang cầu Nguyễn Văn Trỗi cũng đã làm tăng thêm hàng ngàn lượt xe qua lại mỗi ngày.

Tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi lại là tuyến đường chính nối trung tâm thành phố với sân bay Tân Sơn Nhất nên lưu lượng vốn đã rất lớn sẽ càng căng thẳng. Đặc biệt là khi tuyến đường này còn có nhiều cao ốc văn phòng lớn, các trường ngoại ngữ quốc tế tập trung. Đây là những điểm nghẽn cục bộ trong thời gian cao điểm khi có hàng ngàn xe ô tô nối đuôi nhau đậu ven đường đón con cháu đi học về, đón nhân viên trong các cao ốc tan sở… Do đó, nguy cơ áp lực giao thông tăng cao, ùn tắc có khả năng xảy ra ở đây.

Ngoài ra, khi cầu Kiệu đóng cửa, 1 lượng lớn phương tiện di chuyển trên đường Hai Bà Trưng cũng sẽ rẽ phải sang Trần Quang Khải để băng qua kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè thông qua cầu Hoàng Hoa Thám. Lúc này, theo dự báo, dòng phương tiện này sẽ "đụng" dòng xe đang phải di chuyển đan xen để né khu vực đóng cầu Bông.

Theo Sở Giao thông Vận tải, khi đóng cầu Bông, điểm giao thông phức tạp nhất chính là hẻm 168 Trần Quang Khải (đường dẫn vào cầu Hoàng Hoa Thám). Trong giờ cao điểm, ùn ứ thường xuyên xảy ra tại đây. Nếu thêm dòng xe né cầu Kiệu, vào đường trần Quang Khải rẽ trái qua cầu Hoàng Hoa Thám thì hẻm 168 Trần Quang Khải này sẽ càng ùn tắc nghiêm trọng hơn.

Điều đáng lo hơn là từ điểm ùn này có thể dẫn đến ùn tắc liên hoàn tại các ngã tư Trần Quang Khải – Đinh Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu – Đinh Tiên Hoàng… Bởi các ngã tư này vốn chỉ cách nhau tầm 100m và trong điều kiện bình thường thì đây cũng đã là các điểm giao thông phức tạp.

Theo ông Vương Hoàng Thanh, Phó trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị (chủ đầu tư dự án xây mới 4 cây cầu trên), đơn vị cũng rất lo ngại tình trạng giao thông tại điểm này.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết Sở cũng đã lên phương án bố trí người của các lực lượng gồm cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, công an phường, thanh niên xung phong và nhân viên công trình để điều tiết tại khu vực này. Ngoài ra, Sở cũng đang tính tới phương án mở rộng ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Võ Thị Sáu để giải tỏa ùn tắc. Nhưng tất cả chỉ là biện pháp ứng phó, còn thực tế có giải quyết được ùn tắc liên hoàn tại đây hay không vẫn phải... chờ.

Tùng Nguyên – Đình Thảo