Đối thoại với nữ Bộ trưởng duy nhất
Khi 26 thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới ra mắt Quốc hội, có một tà áo dài thướt tha như điểm nhấn giữa những bộ complê. Những ngày đầu trên cương vị mới, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có cuộc trò chuyện với báo chí.
Trên cương vị tân Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, bà sẽ dành ưu tiên cho lĩnh vực nào trước ?
Lao động - Thương binh và Xã hội là một lĩnh vực quan trọng, liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động, cuộc sống của người dân, bao gồm những vấn đề trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Do vậy, cả ba mảng công việc: người có công - lao động - xã hội đều cần được coi trọng.
Trong những năm qua, lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, hàng loạt các chế định về lao động, việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động, chính sách đối với người có công, cải cách chính sách tiền lương, đổi mới chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động được ban hành, đã và đang đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tất cả những vấn đề còn bức xúc mà chúng ta chưa có chính sách, hoặc chính sách chưa phù hợp, đều cần được đặt lên bàn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Trung ương Đoàn và Bộ Lao động vừa đồng trình Chính phủ Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm” với dự kiến đầu tư hàng trăm tỷ đồng để dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên, bà nghĩ sao?
Đây là bước đột phá thể hiện quan điểm của Đảng, quyết tâm của Chính phủ trong chính sách đầu tư cho con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tài nguyên thiên nhiên của chúng ta không nhiều, nguồn lực quan trọng nhất của chúng ta là con người, là lực lượng lao động trẻ.
Muốn phát huy được tiềm lực này thì phải đầu tư, đẩy mạnh giáo dục - đào tạo, dạy nghề cho thanh niên để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần vào tăng trưởng bền vững, giải quyết tốt hơn những vấn đề xã hội. Đây là việc làm đang được thanh niên mong đợi.
Đã trải qua nhiều vị trí công tác (Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, rồi Thứ trưởng Bộ Thương mại), bà thấy thuận lợi và khó khăn gì khi phải luôn thay đổi công việc?
Theo tôi, đi nhiều cũng tốt, được luân chuyển qua nhiều công việc thì chúng ta sẽ tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực, do vậy cũng sẽ trưởng thành hơn.
Với kinh nghiệm bản thân mình, tôi thấy rằng cứ mỗi lần nhận nhiệm vụ công tác mới, bước đầu cũng có những khó khăn nhất định, nhưng sẽ buộc chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn để tiếp cận với cái mới, phải nghiên cứu, học hỏi và xác định những mục tiêu phấn đấu mới, để thực hiện tốt công việc, do vậy, cũng giúp mình năng động hơn.
"Nội trợ cũng là một sở thích của tôi, khi sắp xếp bài trí, trưng dọn gia đình tôi cảm thấy mình được thư giãn... Trong những ngày nghỉ, rảnh rỗi thì vào bếp là một thú vui của tôi. Thi thoảng tôi vẫn rủ bạn bè đến nhà để cùng nấu ăn…" - bà Nguyễn Thị Kim Ngân. |
Ai cũng có một thời tuổi trẻ, bà có thể “bật mí” về thời trẻ của mình?
Cũng như bao bạn trẻ khác cùng thế hệ, tôi tham gia hoạt động Đoàn, say mê rèn luyện và cống hiến. Tôi từng là Bí thư chi đoàn. Suýt chút nữa, tôi đã được phân công về cơ quan tỉnh đoàn.
Hồi đó tôi hoạt động Đoàn ở cơ sở rất năng nổ, hăng hái, rồi các đồng chí lãnh đạo Tỉnh Đoàn (Bến Tre) đã gọi tôi đến để nói: “Tỉnh Đoàn muốn rút đồng chí về, vậy ý kiến đồng chí như thế nào?”.
Tôi nói mình cũng rất thích trở thành một cán bộ Đoàn chuyên trách, nhưng mà phải chờ hỏi ý kiến của cơ quan chuyên môn đang công tác, cuối cùng cơ quan cũ không đồng ý cho đi. Dẫu sao tôi cũng từng là “thủ lĩnh” thanh niên trong một cơ quan (cười).
Để lắng nghe tiếng nói thật của người dân Trong Hội trường trang nghiêm của huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), trên cương vị mới, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc với cử tri vẫn với thái độ trân trọng, cởi mở, gần gũi lắng nghe ý kiến người dân. Nếu như vào quãng 5 năm trước, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Hải Dương có một nữ Bí thư Tỉnh ủy: Nguyễn Thị Kim Ngân; thì giờ đây bà là nữ Bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ mới. Nữ Bộ trưởng bộc bạch: "Người đại biểu nhân dân cần đi sâu, đi sát hơn nữa trong tiếp xúc với cử tri, để lắng nghe những tiếng nói của đông đảo cử tri, nhất là cử tri ở vùng nông thôn, cử tri có hoàn cảnh khó khăn..., chứ không chỉ dừng lại ở các cuộc tiếp xúc trên hội trường. Hơn nữa, đại biểu Quốc hội nên có chương trình tiếp xúc theo chuyên đề, theo khu vực, theo từng nhóm đối tượng, như vậy sẽ lắng nghe và phản ánh tiếng nói của bà con đã tín nhiệm bầu ra mình được cụ thể hơn". |
Theo Tô Nam, Võ Văn Thành
Tiền Phong