1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Đối mặt” mùa hè 2014: Đường ống nước sông Đà sẽ… còn vỡ

(Dân trí) - Sau 6 lần vỡ ống dẫn nước sông Đà, họp báo Thành ủy Hà Nội chiều 6/5, đại diện Công ty CP nước sạch Vinaconex nhận nhiều chất vấn. Chưa tìm ra nguyên nhân đường ống liên tục vỡ, cơ quan chức năng cảnh báo, hè này các sự cố sẽ tiếp tục xảy ra…

Theo Công ty CP nước sạch Vinaconex, kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2009, đường ống nước Sông Đà bị vỡ 6 lần và lần vỡ gần đây nhất là vào ngày 25/4/2014. Đơn vị chủ quản lý giải, đường ống này là tuyến độc đạo dài 47km trài dài qua các vùng đất có địa chất phức tạp nên khi có sự cố xảy ra hoặc công tác bảo dưỡng sửa chữa định kỳ khó tránh khỏi việc bị gián đoạn cấp nước tạm thời.

Tuy nhiên, điều quan trọng là sau đợt sự cố đầu tiên, thời gian xử lý sự cố được giảm từ 72h xuống còn 11h.

Khó tránh lại xảy ra sự cố

“Chúng tôi đã rất cố gắng bảo trì, bảo dưỡng nhưng cũng khó tránh khỏi sự cố. Chúng tôi luôn ý thức được việc mất nước do vỡ đường ống ảnh hưởng rất lớn đến người dân nên mỗi khi có sự cố, chúng tôi đã chủ động vào cuộc khắc phục sớm nhất. Đây là sự cố không mong muốn, bất khả kháng nên công ty chỉ biết dồn tổng lực để nhanh chóng khắc phục, giảm thiệt hại tới mức thấp nhất đối với người dân”, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty CP nước sạch Vinaconex.

Nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư đường ống nước sạch sông Đà Hoàng Thế Trung cho biết, suốt 2 năm qua, dù đã phân tích, mổ xẻ rất nhiều nhưng tới nay, chủ đầu tư dự án (Tổng Công ty CP Vinaconex) vẫn không trả lời được câu hỏi vì sao đường ống liên tục bị vỡ.

“Hiện nay, tôi không còn phụ trách đơn vị cấp nước nữa, nhưng tôi vẫn quan tâm và chúng tôi thường xuyên trao đổi trong quá trình vận hành dự án. Dự án đó có nhiều khâu, nhiều công đoạn. Mỗi người cùng đã đưa ra suy nghĩ về nguyên nhân sự cố. Người cho rằng thi công có vấn đề, người nói sử dụng đường ống không đạt yêu cầu... Chúng tôi cũng đã nhiều lần họp bàn, phân tích, tranh luận về những ý kiến đó nhưng tới nay, với khả năng, trình độ hiểu biết của mình, chúng tôi cũng chưa tìm được nguyên nhân có thể chấp nhận được” - ông Trung nói.

Trước các câu hỏi nghi vấn về chất lượng trong quá trình thi công, dự án không khảo sát kỹ khu vực nền đất yếu có đường ống đi qua, ông Trung khẳng định, các khâu từ lập dự án đến khảo sát và thi công đều tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định pháp luật.

Theo ông Trung, khi thi công qua những đoạn nền đất yêu, đơn vị thi công thay vì sử dụng những đoạn ống dài từ 6 - 12 m thì dùng những đoạn ống ngắn từ 2 – 6 m để làm “mềm hóa” đường ống dẫn nước cho phép độ lệch trục 2 độ.

“Tôi cũng rất ngạc nhiên, không hiểu thông tin từ đâu nói chúng tôi không khảo sát khi làm dự án. Từ tài liệu có được trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi đã xác định được những khu vực có nền đất yếu phải xử lý, gia cố. Tổng cộng có 11 đoạn, với chiều dài khoảng 3.400 mét. Để thi công lắp đặt ống qua những đoạn có xử lý nền đất yếu, chúng tôi có thuê các đơn vị tư vấn có thẩm quyền. Tóm lại, chúng tôi đã có giải pháp thi công, lắp đặt phù hợp” - ông Trung phân trần.
Nguyên GĐ BQLDA đầu tư đường ống nước sạch sông Đà Hoàng Thế Trung (đứng) tại buổi họp báo.
Nguyên GĐ BQLDA đầu tư đường ống nước sạch sông Đà Hoàng Thế Trung (đứng) tại buổi họp báo.  

Nguyên GĐ BQLDA đầu tư đường ống nước sạch sông Đà cũng xác nhận, dự án đầu tư xây dựng đường ống nước sạch sông Đà không xử lý nền đất yếu, vì cùng thời điểm đó, dự án đường Láng - Hòa Lạc đang thi công và đã xử lý nền đất yếu rồi, nên không thể nào làm trùng lắp, sẽ lãng phí.

Về quyết định lựa chọn loại ống sợi thủy tinh, dư luận cho rằng thời điểm đó, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo không nên sử dụng, ông Trung giải thích, ống thông thường có chiều dài 12 mét nhưng Vinaconex không dùng loại này mà dùng ống ngắn hơn (chỉ từ từ 2 - 6 mét) để sử dụng độ lệch trục cho phép, làm theo đúng bản vẽ thi công. Về vật liệu ống, ông Trung khẳng định, đến bây giờ mới được nghe nói có những khuyến cáo này kia, chứ trong quá trình thi công, không nhận được khuyến cáo bằng văn bản nào. Tới giờ, tôi vẫn cho rằng, loại ống và vật liệu ống đã sử dụng cho dự án là phù hợp. Việc lựa chọn, quyết định vật liệu ống cũng được thực hiện đúng quy trình.

Với câu hỏi về trách nhiệm khi liên tiếp để xảy ra các sự cố vỡ đường ống, đại diện Vinaconex giải thích, vừa qua, Bộ Xây dựng đã yêu cầu Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng và các cơ quan hữu quan khác đã vào cuộc đánh giá lại toàn bộ dự án và xác định nguyên nhân gây ra sự cố. Lãnh đạo đơn vị cũng mong muốn, với khả năng, trình độ cao, các chuyên gia sẽ tìm ra được nguyên nhân. Từ chỗ thấy rõ được nguyên nhân mới có được biện pháp khắc phục và khi đó, sẽ biết sai sót ở khâu nào, do tổ chức, cá nhân nào, từ đó mới biết được trách nhiệm thuộc về ai và việc xử lý như thế nào sẽ thuộc cơ quan có thẩm quyền.

Ông Trung quả quyết: “Là người phụ trách thi công dự án, tôi rất buồn khi sự cố liên tiếp xảy ra. Không có cái gì là tuyệt đối cả”.

Công ty Cấp nước sạch Hà Nội chỉ ra nhiều khó khăn cho kế hoạch cấp nước hè 2014 như nguồn nước ngầm tiếp tục suy giảm 4-6% trong khi nhu cầu sử dụng nước dự kiến tăng 3-4%. Do vậy, vào những đợt nắng nóng kéo dài trong mùa hè này, lượng nước thiếu hụt từ 40.000 - 60.000 m3/ngày đêm.

Nguồn nước sông Đà có thể đạt tối đa đến 60.000m3/ngày đêm nhưng vẫn tiếp tục có khả năng xảy ra các sự cố, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình quản lý vận hành điều phối cấp nước, đặc biệt là gây thiếu nước tại địa bàn quận Đống Đa, Cầu Giấy và các khu vực khác.

Trong quý I/2014, nhiều sự cố đã xảy ra như mất điện 43 lần (tương ứng khoảng 135 giờ tại các nhà máy, trạm sản xuất nước), vỡ 11 điểm trên các tuyến truyền dẫn, phân phối và 1 lần sự cố nguồn sông Đà.

Dự báo hè 2014, với thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao, tình hình xảy ra các sự cố như mất điện, sự cố trên mạng lưới cấp nước, đặc biệt là sự cố nguồn sông Đà vẫn thường xuyên xảy ra sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tình hình cấp nước trên địa bàn thành phố.


P.Thảo