1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Độc lạ đôi sao la được làm từ 5.000 dây bẫy thú rừng

Nhật Anh

(Dân trí) - Từ 5.000 dây bẫy thú thu được trong rừng, cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên ở Quảng Trị phối hợp với các nghệ nhân, tạo ra mô hình 2 con sao la nhằm truyền tải thông điệp bảo vệ động vật hoang dã.

Các mô hình sao la kể trên do nghệ nhân Lê Tiến, trú huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cùng cộng sự thực hiện trong vòng 1 tháng. Vật liệu chế tác cũng vô cùng độc đáo khi được làm bằng 5.000 dây bẫy thú, được tháo dỡ từ trong rừng Quảng Trị.

Lãnh đạo Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, tỉnh Quảng Trị, đơn vị phối hợp thực hiện mô hình cặp đôi sao la, cho biết, việc biến dây bẫy thú thành tác phẩm nghệ thuật nhằm truyền tải thông điệp về bảo vệ động vật hoang dã.

Độc lạ đôi sao la được làm từ 5.000 dây bẫy thú rừng - 1

Mô hình sao la được trưng bày tại Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Thu Hương).

Trước đó, từ sự đồng hành, phối hợp và hỗ trợ kinh phí từ tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông đã thành lập 3 đội tuần tra, tháo dỡ bẫy động vật rừng.

Sau hơn một năm, các đội tuần tra đã tổ chức gần 153 đợt, 278 ngày tuần tra, di chuyển gần 2.300km đường rừng. Phát hiện và tháo gỡ trên 5.000 bẫy động vật rừng, thu giữ 1 khẩu súng tự chế, phá hủy 64 lán trại trái phép trong phạm vi quản lý của đơn vị.

Độc lạ đôi sao la được làm từ 5.000 dây bẫy thú rừng - 2

Vật liệu tại mô hình sao la là gần 5.000 dây bẫy thú, được tháo gỡ từ trong rừng Quảng Trị (Ảnh: Thu Hương).

"Khi tháo dỡ, thu gom bẫy thú, chúng tôi đã bàn bạc, lên ý tưởng không tiêu hủy mà tận dụng, biến chúng thành một tác phẩm nghệ thuật nhằm tuyên truyền công tác bảo vệ thú rừng. Loài đầu tiên chúng tôi nghĩ đến đó là sao la, loài động vật đang đứng bên bờ tuyệt chủng", lãnh đạo Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông chia sẻ.

Tác phẩm đôi sao la từ bẫy thú minh họa rõ nét tác hại của nạn săn, bẫy bắt động vật hoang dã.

Thông qua tác phẩm, Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông mong muốn truyền tải những thông điệp bảo vệ động vật hoang dã, tầm quan trọng của đa dạng sinh học; nâng cao nhận thức của người dân, tuyên truyền giáo dục cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là loài sao la.

Độc lạ đôi sao la được làm từ 5.000 dây bẫy thú rừng - 3

Ban quản lý Khu BTTN Đakrông tạo mô hình sao la từ dây bẫy thú nhằm truyền tải thông điệp về bảo vệ động vật hoang dã (Ảnh: Thu Hương).

Sao la có tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis hay còn được gọi là kỳ lân châu Á, một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào, được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992.

Sao la được xếp hạng ở mức cực kì nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao, nằm trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới và trong Sách đỏ Việt Nam.