1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những người "đỡ đẻ" cho động vật quý hiếm ở bãi biển Quy Nhơn

Doãn Công

(Dân trí) - Bất kể thời gian, nghe tin rùa lên bãi biển đẻ trứng, các thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ san hô, rùa biển xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) lập tức có mặt đỡ đẻ cho rùa.

Tổ cộng đồng bảo vệ san hô, rùa biển xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) có khoảng 50 thành viên, nhưng chỉ có 8 người thường xuyên theo dõi, bảo vệ và "đỡ đẻ" cho rùa biển.

Bãi biển xã Nhơn Hải từng là điểm lý tưởng để rùa biển chọn làm nơi sinh sản. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, rùa biển đã không lên bãi đẻ như những năm trước.

Những người đỡ đẻ cho động vật quý hiếm ở bãi biển Quy Nhơn - 1
Đầu tháng 7 vừa qua, anh Sáng "hộ tống" đưa rùa con trở về biển trong đêm (Ảnh: Dũng Nhân).

Từ tối 21/5 đến 25/6, cá thể rùa mẹ đã lên bãi biển Nhơn Hải đẻ đến 4 lần, với tổng cộng khoảng 400 quả trứng. Đến nay, trên 40 rùa con đã chào đời từ ổ trứng đầu tiên này.

Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, thành viên Tổ bảo vệ san hô, rùa biển xã Nhơn Hải, cho biết toàn bộ số trứng rùa đã được di chuyển đến khu vực khoanh vùng tại bãi biển Mũi Cồn thuộc thôn Hải Đông để ấp nở, và rùa mẹ được bấm mã số rồi đưa về lại biển.

Trước đây, anh Sáng và người dân địa phương đã chứng kiến rùa lên bãi biển đẻ trứng ở sát mép biển, nhưng do thiếu kinh nghiệm, nhiều trứng đã bị hư hoặc nước cuốn trôi mất.

"Sau khi được cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định hướng dẫn, chúng tôi mới biết cách "đỡ đẻ" cho rùa, đưa trứng đến nơi ấp nở an toàn", anh Sáng chia sẻ.

Để nâng cao kinh nghiệm, anh Sáng còn lên YouTube học cách người dân ở Côn Đảo "đỡ đẻ" cho rùa, sau đó truyền đạt lại cho các thành viên trong tổ.

Những người đỡ đẻ cho động vật quý hiếm ở bãi biển Quy Nhơn - 2
Người dân địa phương và du khách thích thú xem những chú rùa con chào đời (Ảnh: Dũng Nhân).

Anh Sáng nhấn mạnh, việc di dời trứng rùa phải được thực hiện trong 24 giờ sau khi rùa đẻ, vì để lâu, các dây thần kinh ở cổ sẽ hình thành, và việc di dời sẽ tác động xấu đến rùa con sau này.

"Tính đến bây giờ, tôi cùng mọi người đã đỡ đẻ thành công cho 8 ổ trứng rùa. Mỗi lần nhìn thấy rùa con bò ra biển, tôi cảm thấy hạnh phúc, đó là điều thật tuyệt vời. Ở đây mọi người rất yêu loài động vật này vì nó hiền lành, dễ thương", anh Sáng bày tỏ.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết, sau gần 3 năm, năm nay rùa biển mới quay lại đẻ trứng tại bãi biển trước khu dân cư của xã. Đây là niềm vui lớn và là kết quả của nỗ lực bảo tồn rùa biển của người dân và chính quyền địa phương.

Hiện nay, UBND xã Nhơn Hải đã duy trì công tác bảo vệ khi rùa lên sinh sản, khoanh vùng bảo vệ bãi đẻ tại Mũi Cồn thuộc thôn Hải Đông với diện tích khoảng 1.000m2.

"Để động viên và khuyến khích người dân, UBND xã Nhơn Hải đã tặng giấy khen cho những người có thành tích trong việc bảo tồn rùa biển tại địa phương", ông Nam chia sẻ.

Những người đỡ đẻ cho động vật quý hiếm ở bãi biển Quy Nhơn - 3
Các ổ trứng rùa được vây lưới để bảo vệ (Ảnh: Doãn Công).

UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đề án phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nhơn Hải đến năm 2025. Theo đó, xã Nhơn Hải sẽ xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng gắn với cảnh quan thiên nhiên độc đáo và văn hóa làng chài để thu hút khách.

Tham quan bãi đẻ rùa biển là một trong những loại hình du lịch sinh thái biển được tỉnh Bình Định quan tâm, đưa vào quy hoạch khu vực bảo tồn bãi đẻ gắn với phát triển du lịch trên địa bàn xã.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, rùa mẹ 4 lần vào bãi biển Nhơn Hải đẻ trứng là loài rùa xanh, tên khoa học là Chelonia mydas, thuộc họ vích Cheloniidae, bộ rùa biển Testudines.

Rùa xanh có mai nhẵn cứng, mỗi bên mai có nhiều vảy hình ô van, đầu nhọn có vảy phía trước. Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, đây là loài quý hiếm, nguy cấp, cần được bảo vệ.