1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Độc đáo lò rèn “cổ” giữa trung tâm Sài Gòn

(Dân trí) - Hơn 30 năm qua, lò rèn của người đàn ông từng một thời “ngang dọc” vẫn đỏ lửa. Tiếng búa mỗi sáng vẫn vang lên trong con hẻm ở bên hông chợ Nhật Tảo như một “đặc sản” đã đi vào đời sống của người dân thành thị.

Vợ chồng ông Châu bắt đầu ngày là việc mới bằng những âm thanh chát cụp quen thuộc
Vợ chồng ông Châu bắt đầu ngày là việc mới bằng những âm thanh "chát cụp" quen thuộc

Cứ mỗi sáng, trong con hm bên hông chợ Nhật Tảo (phường 4, quận 10 TP.HCM), tiếng búa lại đều đặn phát ra những âm thanh nhịp nhàng từ cái lò rèn của ông Lê Văn Châu (60 tuổi). Nếu trước đây, có hàng chục lò rèn luôn rực lửa, người người tay quai búa thì nay, có lẽ chỉ còn lại mình ông gắn bó với cái nghề truyền thống này. Hơn 30 năm qua, ông Châu đã chứng kiến bao sự thay đổi về nghề thủ công, rèn sắt.


Gạt những giọt mồ hôi nhễ nhãi trên mặt, ông Châu kể, cái duyên làm thợ rèn đến với ông xuất phát từ một cuộc tình. Mấy chục năm trước, ông gặp và phải lòng một người con gái rồi kết làm vợ chồng. Lúc bấy giờ ông đang làm nghề thợ hồ nên việc mưu sinh cũng lắm gian khó. Thấy cuộc sống của con mình bấp bênh, bố vợ ông Châu (vốn là một thợ rèn có tiếng) đã gọi về truyền nghề cho ông Châu và những người con rể khác.

Hơn một năm theo cha vợ học nghề, ông Châu đã “tốt nghiệp” về tự mở lò rèn riêng kiếm sống. Tuy nhiên, hai vợ chồng ông sống với nhau được vài năm, có với nhau được đưa con gái thì “gãy gánh” chia đôi đường. Ông Châu trở về cuộc sống đơn thân, hàng ngày trút bầu tâm sự vào những nhát búa, vào lò lửa rực hồng. Rồi ông Châu bước thêm bước nữa, người vợ sau của ông là bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, kém ông 9 tuổi. Hàng ngày bà quanh quẩn bên ông khi thì phụ đập búa, lúc thì cùng ông dọn dẹp. Vậy mà chẳng mấy chốc bà cũng tự mình đứng lò những lúc ông không thể.

Hơn 30 năm qua, ông Châu gắn bó với cái lò rèn này
Hơn 30 năm qua, ông Châu gắn bó với cái lò rèn này

Trong xóm còn nhớ đến thời hoàng kim của ông, lúc bấy giờ tiếng búa “chát cụp; chát cụpcủa lò rèn đã trở thành một bản nhạc quen thuộc cứ dòn dã vang lên. Sản phẩm do ông làm ra là những dụng cụ để phục vụ cho nghề gò hàn xe hơi (làm đồng). Những chiếc kéo cắt tôn, búa gò, đe cầm tay, đầm dúm (dùng để lận máng nước mui xe)… Giai đoạn này được xem là thời kỳ “hoàng kim” của nghề rèn, hàng ông làm ra vừa theo đơn đặt hàng, vừa sản xuất hàng loạt để cung ứng cho thị trường các tỉnh.

Khi mới tiếp xúc với những âm thanh “inh tai” phát ra từ lò rèn của ông Châu hẳn ai cũng tự đặt câu hỏi: “Ồn ào như vậy làm sao hàng xóm chịu được, sao họ để cho yên thân mà làm ăn”… Ấy thế mà bao năm qua họ chưa hề than vãn lời nào về cái lò rèn “độc nhất vô nhị” vốn đã hiện hữu hàng chục năm trong xóm này. Mỗi khi nói về lò rèn này, bà con thường biểu lộ một tình cảm đặc biệt với ông chủ lò.

“Lò rèn của ông ấy có mấy chục năm nay, tụi tôi ở đây từ đó đến giờ, nghe tiếng đe, búa quen tai rồi. Ngày nào thấy bên đó im re là mọi người thấy thiếu thiếu gì đó, lại sang hỏi thăm. Vợ chồng ông ấy sống hòa đồng và tốt bụng lắm. Ngày xưa, dù hàng làm nhiều nhưng đến giờ ăn trưa, nghỉ tối là ổng tắt lò, ngưng búa, không phiền lòng mọi người” – Những người hàng xóm đã sống chung với tiếng “chát cụp” của vợ chồng ông Châu khẳng định.

Bà Sáu (ngụ gần lò rèn) tâm sự: “Cái lò rèn trong khu dân cư này đã tạo nên một sắc thái độc đáo. Trong toàn thành phố tìm cho được một lò rèn còn đỏ lửa quả là một việc vô cùng khó. Nhất là khi ngoài thị trường bày bán nhan nhản các dụng cụ cầm tay được sản xuất hàng loạt theo dây chuyền công nghệ hiện đại mà lò rèn này vẫn ngày ngày vang tiếng búa là điều rất hiếm thấy. “Tuổi thơ của tôi cũng từng gắn liền với hình ảnh chiếc lò rèn ở đầu làng, bây giờ mỗi khi nhìn thấy cái lò rèn của ông Châu bao nhiêu ký ức lại ùa về” – bà Sáu tâm sự.

Trong thế giới hiện đại này, những thợ rèn thủ công như ông Châu sắp hết đất sống
Trong thế giới hiện đại này, những thợ rèn thủ công như ông Châu sắp hết "đất sống"

Số lò rèn tại TP.HCM hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Hiện những người còn duy trì được nghề đến hôm nay phải là những người có tay nghề cao, có uy tín nhưng quan trọng nhất là sản phẩm làm ra đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Trong lúc thị trường đầy ắp những sản phẩm sản xuất hàng loạt bằng công nghệ dây chuyền tự động thì những người làm nghề thủ công như ông Châu đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” vì đầu ra sản phẩm bị thu hẹp khiến không còn ai mặn mà theo nghề.

“Nghề nào có nghiệp nấy. Mình già rồi bây giờ làm gì được nữa đây ? Trước đây sư phụ đã truyền nghề, tổ cũng đã ưu đãi một thời gian dài nỡ lòng nào phụ thầy, phụ tổ hở anh” – ông Châu chia sẻ.

Rời khỏi cái lò rèn nằm giữa chốn thành thị phồn hoa, sau lưng tôi, người đàn ông ở độ tuổi 60 vẫn rắn rỏi, giáng từng nhát búa xuống thanh sắt đỏ lửa, tạo nên những âm thanh “chát cụp, chát cụp”…đã đi vào lòng người hơn 30 năm qua.

Trung Kiên