1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đỉnh núi Phạm Văn Đồng

Nhớ ngày sinh của ông, ngày 1 tháng 3 hàng năm, tôi lại lên Tam Đảo đến ngôi nhà nghỉ trên sườn núi mà mùa hè năm 1999, chúng tôi đã ghi những thước phim tư liệu cuối cùng về ông cho bộ phim “Đồng chí Phạm Văn Đồng”.

Đỉnh núi Phạm Văn Đồng  - 1
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và NSND đào Trọng Khánh (thứ 3 và 4, trái sang).
Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Từ phía hiên nhà, nơi mỗi buổi sớm mai, ông thường đứng nhìn về phía rặng núi trước mặt, đang chìm trong làn mây. Những đỉnh núi nhô cao như không có núi, chỉ có những đám mây kỳ ảo, chứa đựng những điều bí ẩn về vũ trụ và con người mà chúng ta chưa hiểu hết. Đỉnh núi Phạm Văn Đồng, tôi thầm gọi tên một đỉnh núi mà tôi yêu mến, những đỉnh núi cao mà ở đó, dường như nhìn thấu được nỗi đau khổ của con người.
Năm 1929, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, đày đi nhà lao Côn Đảo. Ngọn núi Chúa trần trụi một màu đá xám, từ trên cao nhìn xuống, có một con đường vắt quanh như chiếc thòng lọng quanh cổ một người tù. ông nhớ lại những hồi ức về cái địa ngục trần gian này: “Bốn xung quanh là tường đá cao, khu vực banh rộng hơn 10 mẫu tây, cỏ rậm. Ban đêm bóng những gốc đa, gốc bàng đen như mực, âm u như rừng, tưởng chừng như một bãi tha ma lớn dưới bóng núi đen sì… Nước giếng địa ngục đỏ lòm, nhầy nhụa như lẫn máu, cá mắm nấu với nước mẻ… Năm 1932, có một trận bão lớn, anh em ngập trong mưa bão, chết la liệt”… Ông nói: “Địa ngục Côn Đảo là thử thách, là trường học rèn luyện tinh thần, để con người vượt qua”.

Khoảng cuối năm 1941, ông về hoạt động ở Cao Bằng. Cơ quan ngày đó ở núi Lam Sơn. Những năm 1942-1943 phong trào Việt Minh ở Cao-Bắc-Lạng lên cao chưa từng thấy. Địch cũng tăng cường khủng bố đàn áp dữ dội. Đó là thời kỳ khủng bố trắng ác liệt trước và sau khởi nghĩa Bắc Sơn. Ông nhớ lại: “Đã bao lần ở trên núi, chính mắt tôi trông thấy, những đám cháy thê thảm ở dưới cánh đồng, ở những làng đồng chí. Cảnh hoang vu, điêu tàn, tiếng rền rĩ khóc than, lan tràn khắp Cao-Bắc-Lạng”.

Ông đã đi trên những đỉnh núi của một thời từ đau thương, bi tráng đến hào hùng. Tháng 11 năm 1946, ông được cử làm đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở chiến trường Nam Trung Bộ. Ông trở về quê hương Quảng Ngãi, nơi có mái nhà xưa của tổ phụ ở Mộ Đức. Nơi xa kia là núi Ấn, sông Trà, núi Thiên Ấn như con dấu ngọc của trời trên núi sông đồng ruộng. Ông nhớ lại những chiến công lớn của chiến trường Nam Trung Bộ thời bấy giờ: Trận bao vây quân Pháp ở Đà Nẵng, chặn đánh các cuộc tiến công ở Quảng Nam, trận đánh bại quân địch nống ra Phú Yên, chiến thắng Bồ Bồ…

Tháng 3 năm 1954, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975, ông nhận trọng trách Trưởng ban Chi viện chiến trường. Những đoàn dân công, bộ đội, những đoàn xe chở lương thực, súng đạn vượt núi, băng đèo trên những ngả đường Tây Bắc tiến vào Điện Biên và những binh đoàn vượt Trường Sơn ngàn dặm làm nên chiến thắng đều có rất nhiều tâm huyết của ông, hình bóng của ông đi cùng. Ông là một đỉnh núi trong các đỉnh núi hào hùng nhất của cách mạng mà những người chiến sĩ mang trong tim.

Nói cho cùng, trong cuộc đời còn có bao đỉnh núi vô hình khác của thời đại đã in hình bóng của ông, có thể kể đến Fontainebleau (Pháp), đến Genève (Thụy Sĩ), đến những chuyến đi của ông đến với thế giới, với những cuộc ngoại giao, những cuộc gặp gỡ lịch sử… Để cuối cùng, khi đã gần trăm tuổi, ông trở về với đỉnh núi của ông, bình thản, cô đơn, chìm trong mây trắng.

Con người thay đổi được những thói quen của mình là một điều khó. Sau Đại hội Đảng VI, ông thôi không tham gia Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, chỉ làm cố vấn. Trong các cuộc họp của Bộ Chính trị mà ông được mời dự, theo nếp quen cũ ông vẫn thường phát biểu ý kiến và thỉnh thoảng xen ngang vào khi đồng chí khác đang nói. Có vài đồng chí bảo anh em thư ký là nên nói với ông để ông rút kinh nghiệm. Anh Việt Phương trong Ban thư ký của ông kể lại là nghe xong, ông nhận ra ngay. Ông nói: “Từ nay tôi tự kìm chế, không làm thế nữa. Tôi sẽ rất ít hoặc không phát biểu ở Bộ Chính trị, có ý kiến gì thì đề nghị riêng hoặc viết thư ngắn gửi lên các đồng chí ở Trung ương”. Ông đã ở một trong những đỉnh cao quyền lực, nhưng khi trở về làm người bình thường, ông chấp nhận vị trí của mình một cách tự nhiên, bỏ những nếp quen cũ. Ông là một tâm hồn lớn, biết được bản thân mình. Một cái tôi cá nhân, biểu hiện một cái tôi tập thể. Như thi hào Nguyễn Trãi ngày xưa: “Nam Châu cựu thức như tương vấn / Bảo đạo kim ngô diệu cố ngô” (Nếu các ông quan ở nước Nam có hỏi thăm / Hãy bảo giúp rằng cái tôi năm nay vẫn là cái tôi ngày xưa).

Ông yêu mến và kính trọng những người bạn cũ, những người bạn trí thức mà ông quen biết từ hồi còn đi học. Lúc được rảnh rỗi, ông mời Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường hoặc Giáo sư Trần Đức Thảo đến chơi. Hai ông bạn già quẳng hai cái xe đạp cũ ở gốc cây trong vườn, ôm lấy ông…

Ông thường mời cơm những người ông quý mến, có tài năng và nhân cách. Tư liệu của tôi có hình ảnh nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhà văn Đỗ Chu, hồi còn rất trẻ, ngồi cùng với ông. Trong câu chuyện, ông trân trọng tài năng và sáng tạo. Ông thường dẫn câu của nhà thơ Pháp Baudelaire: “Nghệ thuật là lâu dài, thời gian thì ngắn ngủi”. Với con mắt liên tài, ông nói rằng: “Câu thơ hay là thuộc về vĩnh cửu”.

Ông là người thật gần gũi với Bác Hồ. Ngôi nhà của ông ở gần nhà sàn của Bác. Có lần Bác gọi điện nói cần gặp ông. Ông vội vàng lấy chiếc xe đạp của chú bảo vệ phóng về gặp Bác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng là hai nhà ngoại giao Việt Nam tuyệt vời của thế kỷ 20, được thế giới đánh giá rất cao. Với Phạm Văn Đồng, ông nói: “Ngoại giao bắt đầu bằng trái tim rộng mở”. Ở các nước bạn, với tình cảm chân thành, ông được đón tiếp thân mến như ở nhà. Với nước Cộng hoà Pháp, có thể nói sau Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất. Tháng 4 năm 1977, người được coi là “đối thủ” hàng mấy chục năm của nhà nước thực dân Pháp, giờ đây là Thủ tướng nước Việt Nam Phạm Văn Đồng, chính thức thăm nước Cộng hoà Pháp theo lời mời của Tổng thống Pháp. Chuyến đi thăm của ông để lại cho nước Pháp một ấn tượng về người chiến sĩ kiên quyết chống thực dân đã bị đày ra Côn Đảo, cũng là một người bạn chân thành của nước Pháp và hiểu biết sâu sắc về văn hoá Pháp. Hỏi ông những kinh nghiệm về sự thuyết phục trong công việc ngoại giao, ông trả lời: “Tôi không thuyết phục ai cả. Tôi chỉ cảm thông”.

Nhớ lại khi đất nước chuyển sang thời chiến, công việc của chính phủ càng nặng nề khó khăn hơn. Những thước phim tư liệu còn ghi lại hình ảnh của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở các đơn vị chiến đấu, ở nơi bom đạn tàn phá chỉ đạo, động viên chiến sĩ, đồng bào. Đầu những năm 70 thế kỷ trước, thiên tai lũ lụt đe doạ đời sống nhân dân miền Bắc, có một đoạn phim mà ai cũng nhớ, ghi lại hình ảnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng, với bộ quần áo kaki bạc màu, chiếc mũ cát lấm lem bùn đất, khuôn mặt gầy đen, khắc khổ, cực kỳ lo âu, nhìn ra mặt nước ven đê sông Hồng đang dâng lên. Nỗi lo lắng tột độ của người nhận trách nhiệm sống còn trước Đảng, trước nhân dân, còn đọng lại trên gương mặt ông.

Ông đến với Quảng Bình, Vĩnh Linh khi nơi đây đang trở thành tuyến lửa. Các cháu bé mới ra đời cũng phải sống cực khổ trong những chiếc nôi tre, dưới hầm địa đạo. Nhìn ông, không ai nghĩ tới cương vị ông là một nhà lãnh đạo, mà nghĩ tới hình ảnh một người cha, một người ông, về bế cháu, về với gia đình trong cơn hoạn nạn. Thăm một bệnh viện ở Quảng Bình, đứng trước tủ thuốc nghèo nàn của dân, là Thủ tướng của một nước, ông thật đau lòng! Giặc đánh vào Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai bị bom huỷ diệt, ông đứng hàng giờ với các bác sĩ để cùng tìm cách khắc phục hậu quả, để lo cho dân có nơi chữa bệnh.

Ông dành nhiều mối quan tâm, trân trọng, xen kẽ với nỗi ưu tư của ông với giai cấp công nhân, với những người lao động, trong suốt quãng đời làm Thủ tướng. Ông nói: “Tôi làm Phó Thủ tướng, rồi Thủ tướng có lẽ là lâu nhất thế giới, 32 năm. Nhưng đến nay tôi vẫn còn một điều băn khoăn chưa làm được là sao cho người lao động có được đồng lương xứng đáng. Cũng có nơi, hiệu quả lao động còn thấp hơn tiền lương. Tôi mong muốn tiền lương được nhanh chóng tăng lên, hiệu quả lao động cũng tăng lên trong thời đại công nghiệp đang phát triển như vũ bão này”. Ông rất quan tâm đến công tác Công đoàn. Ông nói: “Đừng làm Công đoàn theo kiểu hành chính. Phải hiểu được nỗi khổ của công nhân, của người lao động thì làm Công đoàn mới tốt được. Đó là một công việc được khởi đầu bằng tấm lòng”.
Đỉnh núi Phạm Văn Đồng  - 2
Thủ tướng Ấn độ Indira Gandhi đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Ấn Độ năm 1980. Ảnh: TL
Một trong những lĩnh vực nữa mà ông hết sức quan tâm là giáo dục. Bản thân ông cũng là một nhà giáo tâm huyết. Trước cách mạng, ông đã có một thời gian dạy học ở Sài Gòn. Ngày còn ở Khu 5, ông là Hiệu trưởng danh dự của trường Trung học Bình Dân Quảng Ngãi. Năm 1999, ông viết cuốn sách giáo dục - quốc sách hàng đầu, tương lai của dân tộc. Ông nói: “Tôi suy nghĩ nhiều lắm về giáo dục thế hệ trẻ, vì nói cho cùng, cái đó quyết định mọi thành bại của cách mạng, quyết định tương lai của dân tộc”. Mấy năm cuối đời, ông càng trăn trở, lo âu. Ông nói trong bộ phim tư liệu: “Giáo dục nước ta chưa phải là tốt lắm đâu. Đừng nghĩ là mình ít tiền. Ít tiền không sao, miễn là mình biết làm, làm tốt. Chứ còn ít tiền mà làm hỏng thì nhiều tiền sẽ càng hỏng hơn. Sự thực là sự thực. Ngày mai cũng là do ngày hôm nay mà làm nên. Ta làm tốt, ta làm giỏi thì chúng ta sẽ gặt hái. Còn nếu chúng ta không gieo được hạt giống tốt thì đừng hòng gặt hái cái gì nó tốt đẹp, không đâu!”. Ông có thể nói đôi khi rất mạnh, rất thẳng thắn nhưng không ai trách ông, vì tấm lòng của ông thật trong sáng, không định kiến với bất kỳ ai.

Có lần làm việc với một quan chức, ông gõ gõ vào cái ghế vị lãnh đạo ấy đang ngồi và bảo: “Ở đời đừng ham hố cái này. Phải sống sao cho trong sáng, trung thực. đừng phụ lòng tin của dân. Cái ghế rồi sẽ có người khác đến ngồi, nhưng tên tuổi của mình thì không thể mất!”.

Như tất cả mọi người trong hoàn cảnh một đất nước chiến tranh, ông cũng có những nỗi đau buồn về quê hương, gia đình. Ông quê ở Quảng Ngãi, huyện Mộ Đức, ở xóm Cây Gạo, làng Thi Phổ Nhất, nay thuộc xã Đức Tân. Cụ thân sinh ra ông là Ngự tiền đổng lý văn phòng của Vua Duy Tân, một vị vua yêu nước, nổi dậy chống Pháp không thành, bị đày đi Châu Phi. Cha mất sớm, ông được anh cả nuôi đi học cho đến khi trưởng thành. Gia cảnh cũng chỉ ở mức thanh bần. Năm 1975, chiến tranh kết thúc, ông về quê sau 27 năm xa cách. Ngôi nhà xưa chỉ còn trơ lại mấy cây cột cháy. Phạm Văn Đồng cầm nắm nhang đang nghi ngút khói mà không biết cắm vào đâu. Ít năm sau, dân làng, họ tộc xây lại ngôi nhà nhỏ bé và mấy ngôi mộ ngoài cánh đồng, để ông về thắp hương các cụ, thăm hỏi họ hàng. Ông làm Thủ tướng, nắm trong tay tài sản cả một quốc gia, nhưng bản thân thì lại quá nghèo, trong túi thường không có đồng nào. Có lần đi chơi hồ Tây, mua cho các cháu nhỏ mấy quả bóng bay, mà sờ vào túi không có tiền. Lương tháng, tiền viết sách, viết báo đều giao cả cho thư ký, sinh hoạt chi tiêu hết sức tiết kiệm, còn thừa, mua quà giúp đỡ nơi này, nơi khác.

“Tôi làm Phó Thủ tướng, rồi Thủ tướng có lẽ là lâu nhất thế giới, 32 năm. Nhưng đến nay tôi vẫn còn một điều băn khoăn chưa làm được là sao cho người lao động có được đồng lương xứng đáng. Cũng có nơi, hiệu quả lao động còn thấp hơn tiền lương. Tôi mong muốn tiền lương được nhanh chóng tăng lên, hiệu quả lao động cũng tăng lên trong thời đại công nghiệp đang phát triển như vũ bão này”

Ông rất ít khi nói về việc riêng. Nhưng cũng có lúc ông tâm sự về gia đình, về tình cảm vô hạn của ông với bà Phạm Thị Cúc, kết hôn với ông khi mới 20 tuổi, thường phải sống xa ông vì nhiều năm bà mắc bệnh tâm thần. Tình yêu của bà, ông giữ mãi trong tim, đã năm mươi tư năm, không phai nhạt. Ông nói: “Trước đó, tôi đã biết tình yêu, tình thương, tình quý trọng của người con gái mới lớn lên đối với tôi, hồi ấy tôi đã 40 tuổi. Cho đến bây giờ, ôn đi ôn lại, tôi vẫn không tìm ra câu trả lời, bởi lẽ ở đấy như người ta thường nói không có câu trả lời, người ta yêu là yêu tất cả, yêu say đắm, yêu không bờ bến, còn vì sao thì không ai trả lời được. Điều làm cho lòng tôi không bao giờ vui chính là ở chỗ ngay từ buổi đầu, tôi có thấy nhưng thấy chưa hết, chưa đủ, chưa tương xứng, chưa có cách ứng xử có thể nói là bình thường, rất bình thường với những tình cảm biết bao cao đẹp của Cúc đối với tôi”.

Buổi sớm mùa thu năm ấy, ông ngồi bất động ở hiên nhà, nhìn lên dãy núi Tam Đảo chìm trong mây trắng. Ông đã yếu đi nhiều, không còn đi lại bình thường được nữa. Tôi nói với ông về những ngọn núi lớn chìm trong mây, về trí tuệ và sự thầm lặng của những tâm hồn lớn. Ông cười: “Anh có biết bi kịch của núi là gì không? Là núi không đi được, núi chỉ ngồi yên một chỗ. Tôi chỉ là một người trong mọi người. Tôi muốn trở về thăm quê, được đứng trước những cồn cát của biển miền Trung. Những cồn cát thật kỳ lạ… Vũ trụ thật vô cùng. Trái đất chúng ta cũng chỉ là một hạt cát trên cồn cát”.

Ông nói về văn hoá và Đổi mới như ông thường nói trong cuốn sách của ông, giờ đây ông nói thêm: “Còn cần phải làm mới lại những giá trị cũ”!

Tôi đã ghi chép được rất nhiều hình ảnh tư liệu về ông, về những điều ông nói. Tôi mới chỉ làm được một phần nhỏ trong bộ phim “Đồng chí Phạm Văn Đồng”. Tôi mong có những người làm tiếp những tư liệu của tôi cho những tập tiếp theo, như mong muốn của ông trong những lời cuối của bộ phim: “Ta sẽ mãi mãi bên nhau trong công việc. Thế kỷ thứ 21, không thiếu gì việc làm, miễn là phải kiên trì. Tôi sẽ kiên trì với các đồng chí, các đồng chí ạ”. Và ông cất tiếng cười: Ha, ha, ha, ha… - tiếng cười rất Phạm Văn Đồng, như tiếng rền của núi, xuyên qua hai thế kỷ, vọng mãi trong hồn…

Tuỳ bút tư liệu của NSND Đào Trọng Khánh
Theo Báo Lao Động