(Dân trí) - Năm 2017, bà Sáu "đột ngột" nổi tiếng khi được hãng tin của Anh bình chọn vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu, có sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng trên toàn thế giới.
(Dân trí) - "Sáu dạy bơi miễn phí cho các cháu không phải vì phụ huynh không trả tiền, có người đòi trả tiền nhưng Sáu nhất quyết không nhận. Sáu không dám thu tiền, sợ nhỡ có người nghèo vì không có tiền mà không dám đưa con đến chỗ Sáu học bơi. Ở cái vùng sông nước này, một đứa trẻ không biết bơi là một thảm họa đang chờ sẵn".
Năm 2017, bà Trần Thị Kim Thia (tên gọi khác là bà Sáu, SN 1952, ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) "đột ngột" nổi tiếng khi được một hãng tin của Anh bình chọn vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu, có sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng trên toàn thế giới. Rồi những năm sau đó, bà Sáu liên tiếp nhận được các giải thưởng, đề cử danh hiệu cao quý.
Năm 2020, bà Sáu được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Trước đó, bà cũng được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cùng nhiều đơn vị tặng bằng khen vì nghĩa cử gần 20 năm dạy bơi miễn phí cho gần 4.000 trẻ em vùng sông nước.
Nhưng khi nhắc đến những "vinh quang" mà nhiều người ao ước, bà Sáu chỉ cười tươi rồi nói: "Được khen thì mừng, nhưng 100 tờ giấy khen trong nhà mà có một em xảy ra chuyện cũng vô dụng. Chỉ cần tụi nhỏ biết lội là Sáu mừng không gì bằng".
Bà Sáu sinh ra ở Gò Công (Tiền Giang), vì gia cảnh nghèo nên tứ tán. Trôi nổi vô định như ngọn bèo, rồi bà Sáu dạt lên khu chợ này, thấy yêu thương nên gắn bó. Bà sống một mình, không chồng con, không thân thích, mảnh đất này như "đất mẹ" ôm bà Sáu vào lòng, che chở cho bà bao nhiêu năm qua. Dù từ nơi khác đến nhưng bà Sáu yêu thương mảnh đất Đồng Tháp này như ruột thịt.
Mưu sinh vất vả, nhưng bà vẫn tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng. Đầu những năm 2000, bà Sáu đang làm ở Chi hội phụ nữ ấp. Những năm đó vấn nạn trẻ em đuối nước như hiểm họa luôn rình rập - nhất là mùa nước nổi. Miền Tây là vùng sông nước nhưng ngày càng nhiều trẻ em không biết bơi.
"Ở xứ này con nít trước khi biết chữ phải biết bơi, Đồng Tháp Mười không chỉ có sen mà còn có mùa lũ. Lúc có đề án dạy bơi cho bọn nhỏ, xã đề cử Sáu làm huấn luyện viên. Ban đầu mình cũng sợ không làm được, không dám nhận nhưng thấy không ai chịu làm nên Sáu cũng tặc lưỡi, thôi cứ cố ắt làm được chứ để bọn trẻ không biết bơi nhỡ xảy ra chuyện thì làm sao", bà Sáu nhớ lại.
Bà Sáu kể, hồi đầu, để có một chỗ dạy bơi bà đã phải đi khắp xã để lựa một đoạn sông lặng và sạch nhất. Lựa chỗ rồi, bà phải dọn cỏ, dọn bèo, cắm cọc, vây lưới để thành một "hồ bơi dã chiến".
Có hồ bơi đã khó, tìm được học sinh lại càng khó hơn. Để có một lớp học bơi đầu tiên với chưa đến chục học sinh, bà Sáu đã phải đi khắp xã để vận động người dân cho con em đi học. "Con người ta nuôi lớn, để họ tin tưởng giao vô tay mình đâu có dễ. Có phải nói miễn phí là họ sẽ đưa con đến học đâu, đi vận động mệt nghỉ đấy", bà Sáu nhớ lại.
Trước khi mở được lớp đầu tiên, nhiều đêm bà Sáu không ngủ được vì lo lắng. Bà lo người dân "bẻ kèo" không cho con em đến học, rồi bà lo bọn trẻ có chịu hợp tác hay không, rồi có nguy hiểm gì không. Hơn cả, bà lo liệu mình có dạy được hay không, bọn trẻ sẽ biết bơi để an tâm khi lũ đến hay chỉ là phí công vô ích.
"Hồi đó Sáu bảo với người ta, bơi chắc chắn tui biết rồi đó, nhưng dạy thì không chắc lắm, có gì mấy người phụ tôi với thì được. Ban đầu chỉ có vài nhà chịu đưa con đến học mà họ ngồi trên bờ nhìn mình dạy chứ không dám bỏ về.
Mình làm gì có lý thuyết, Sáu bơi như nào thì chỉ cho bọn nhỏ làm vậy, may sao chỉ vài hôm là bọn nó biết bơi hết. Khóa thứ nhất, rồi khóa thứ 2, đến khóa thứ 3 là người ta tin tuyệt đối. Có nhà ở xã khác rất xa nhưng sáng sớm đã chở con đến, gửi nhờ dạy bơi, người ta còn nhờ Sáu nấu cơm trưa cho con người ta luôn, sáng chở đến, tối đón về", bà Sáu hào hứng kể.
Dạy một khóa như vậy bà Sáu được trợ cấp 300.000 đồng. Số tiền chỉ mang tính tượng trưng thế nhưng cứ mỗi khi vào mùa "ôn luyện" là bà Sáu gác lại tất cả để toàn tâm toàn ý dạy bơi cho lũ trẻ.
"19 năm dạy được gần 4.000 đứa biết bơi đấy, chia bình quân ra cứ chưa đến 2 ngày lại dạy được cho một đứa nhỏ biết bơi. Năm nay mà không dịch thì vượt 4.000 là chắc. Không riêng xã này, mấy xã xung quanh người ta cũng không ngại xa mà chở con đến nhờ tôi dạy. Người ta bảo họ dạy cả mùa khô không được, qua tôi ba bữa được cho tốt nghiệp liền", bà Sáu cười tít mắt khi khoe thành tích đáng nể của mình.
Những năm trước, bình quân một năm bà Sáu mở chừng 8 lớp, mỗi lớp ít thì 30, đông thì 50 trẻ. Mỗi ngày 2 buổi sáng chiều, khóa học kéo dài 10 ngày và cam kết "mãn khóa" là học sinh bơi được ít nhất 24m. Khóa học của bà Sáu được tổ chức ngay trước mùa nước nổi để đảm bảo an toàn và hiệu quả nhất, học sinh là những đứa trẻ từ 5 đến 15 tuổi ở quanh vùng.
Bà Sáu bảo có nhiều người cứ thắc mắc bà có bí quyết gì. Thực tế chẳng có bí quyết gì cả, "mình bơi sao thì cứ chỉ cho bọn nhỏ thế là được".
Cứ bắt đầu khóa học là bà Sáu nói cho bọn nhỏ hiểu tại sao phải học bơi. Để đảm bảo an toàn, trước khi bọn nhỏ xuống nước phải khởi động đầy đủ. Bọn nhỏ cũng bắt buộc phải trả bài cũ về lý thuyết xong khi còn trên bờ mới được xuống nước thực hành. Những quy tắc, cách thức quẫy chân, quẫy tay, hít thở bọn nhỏ đều phải nắm rõ.
"Hồi đầu không dám chắc, chứ bây giờ bọn nhỏ chưa xuống nước là tôi đã biết đứa nào mấy bữa biết bơi rồi. Chắc chắn trăm phần trăm, có xê dịch cũng chỉ trong một buổi", bà Sáu tự tin như một chuyên gia thực thụ.
Bà Sáu cho rằng, chỉ có duy nhất một chi tiết bất ngờ: "Muốn cho tất cả bọn nhỏ trong vùng biết bơi, nguyên tắc là không được thu học phí, một đồng cũng không được thu, người ta cho cũng không được nhận".
Lý giải cho nguyên tắc này, bà Sáu bảo rằng nếu nhận tiền của một người, người khác sẽ ngại, nếu họ có tiền đưa cho bà mới dám đưa con đến học. Như vậy, những đứa trẻ nhà nghèo sẽ mất đi cơ hội được học bơi.
"Người ta cho con cá, bó rau, ký gạo… tôi nhận. Chứ cho tiền tôi nhất quyết không nhận. Tôi sợ đến khi người ta có con cái, mà không có tiền sẽ không dám gửi con cho tôi dạy, rồi đứa bé không biết bơi, như thế nó thiệt thòi, chưa kể chẳng may… tôi ân hận lắm. Tôi không hề tư lợi gì, chỉ nghĩ cho bọn trẻ được an toàn giữa vùng sông nước này", bà Sáu bộc bạch.
Năm 2018, bà Sáu được mạnh thường quân hỗ trợ một bể bơi bằng bạt thể tích 100m3. Có bể, việc dạy bơi đỡ vất vả hơn, an toàn và vệ sinh. Thế nhưng mới dùng được 2 mùa thì dịch đến đành phải nghỉ. Bể bơi phơi nắng, phơi sương cứ xuống cấp theo ngày, bà Sáu nhìn thấy mà cứ tiếc mãi không thôi.
"Người ta vinh danh tôi, nói rằng tôi ban ơn cho đời, tôi cao cả. Nhưng bản thân tôi không thấy thế. Tụi nhỏ cho tôi cơ hội trả ơn cuộc đời này, trả ơn mảnh đất này. Những lúc dạy bơi tôi thấy mình sung sức, hạnh phúc khi có lũ trẻ vây quanh.
Dù dạy bơi hay không tôi vẫn là một người nghèo, mưu sinh bằng nghề giăng lưới, lột vỏ điều, bán vé số. Nhưng nhờ có bọn trẻ mà tôi thấy mình sống cuộc đời này không uổng phí. Có bọn trẻ tôi thấy vui, những ngày mưa, lớp phải nghỉ, bọn nó không đến là thấy sao chán nản, chẳng buồn làm gì cả", bà Sáu tâm sự.
Thế nhưng cũng có người nói bà Sáu nghèo mà đi lo chuyện bao đồng, họ nói bà "dại". Bà Sáu nhoẻn miệng lộ ra hàm răng không còn đầy đủ rồi bảo: "Cơm gạo thì mình đi bán vé số cũng đủ ăn, những nhu cầu khác không có nhiều nên chẳng thấy thiếu. Còn tình cảm, tình thương, bà Sáu có lẽ là tỷ phú. Cũng không biết mình có nghèo hay không nghèo".
Qua bao nhiêu năm, người dân ở xã Hưng Thạnh bây giờ đã thành lệ, con cháu cứ đến tuổi là phải chở đến nhờ bà Sáu dạy bơi. Hai năm nay không tổ chức được lớp, ai cũng rầu, ai cũng ngóng lớp dạy bơi của bà Sáu mở lại.
Dù sống một mình, không chồng con nhưng bà thương lũ nhỏ như ruột thịt. Bà Sáu cố gắng để mỗi đứa trẻ đều được an toàn. Cuộc đời bà chẳng có gì để lại ngoài tình thương cho lũ trẻ, và dường như bà ráng khỏe mạnh, kiên cường được cũng nhờ sự mến yêu của lũ trẻ. Nhiều đứa trẻ học khóa bơi đầu tiên của bà Sáu nay đã có công ăn việc làm ổn định. Chúng thầm cảm ơn bà Sáu không chỉ dạy chúng vững tay bơi trên sông nước, mà còn học cả nghị lực ở bà để vững bước trên đường đời.
Anh Trần Thanh Nhàn (ngụ xã Hưng Thạnh) chia sẻ: "Người dân ở đây biết ơn bà Sáu lắm. Nhờ bà ấy hy sinh cuộc đời riêng mà tất cả bọn trẻ trong xã được học và biết bơi. Từ khi có bà Sáu dạy bơi, người dân an tâm lắm, cũng có người đưa tiền, đưa gạo, đưa hoa quả đến cảm ơn nhưng tôi không thấy bà ấy nhận tiền ai bao giờ".
Bà Lê Thị Dung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hưng Thạnh, cho biết bao năm qua bà Sáu luôn là cán bộ Hội xuất sắc, luôn hoàn thành nhiệm vụ tổ chức phong trào hay vận động nhân ái. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của mình, bà Sáu còn giúp đỡ những cán bộ khác, giúp đỡ người dân trong xã hết mình và hết sức vô tư.
"Bà Sáu không giữ gì cho mình cả. Tiền thưởng Huân chương hay các lần được giấy khen, bà Sáu đều mua quà, mua sách vở cho tụi nhỏ. Tôi từng thấy bà Sáu đi mua chịu sách vở để tặng cho mấy đứa trẻ nhà nghèo. Người dân địa phương rất quý và biết ơn bà Sáu.
Sắp tới đây, khi bà Sáu yếu, không còn dạy bơi được nữa, UBND xã đang có dự định sẽ vận động người dân các ấp tuần tự thay phiên nhau mỗi người dành ra khoảng 10 ngày để dạy cho bọn trẻ vì vùng sông nước bọn nhỏ nhất quyết phải biết bơi", bà Dung chia sẻ.
Nội dung: Nguyễn Cường
Ảnh: Hải Hành
Thiết kế: Thủy Tiên