Điều diệu kỳ từ một vùng “đất chết”
(Dân trí) - Từ một vùng lãnh thổ hoang vu, đất phèn nên phải giữ quanh năm ngập nước, giờ đây Đồng Tháp Mười (ĐTM) đã trở thành một trong những vựa lúa lớn của cả nước. Điều kỳ diệu đến khó tin này được khởi nguồn từ một công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trao Giải thưởng Khoa học Tự nhiên cho PGS.TS Hồ Văn Chín (Ảnh: Hữu Nghị)
Vùng "đất chết"
ĐTM là một vùng đất hoang hóa lâu đời. Công cuộc khai khẩn đất hoang dưới thời nhà Nguyễn từ cuối thế kỷ 18 được thực hiện theo phương châm từ vùng dễ làm ăn đến vùng khó làm ăn, nhưng không mấy thuận lợi do chiến tranh làm gián đoạn liên miên. Kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, làm ăn theo kiểu quảng canh "móc lõm từng mảng diện tích". Nhà Nguyễn lại thực hiện chính sách trọng nông, ức thương và chủ trương bế quan tỏa cảng đã kìm hãm sản xuất, không khuyến khích người nông dân trên vùng đất mới khai phá.
Vùng Đồng Tháp Mười sau những năm giải phóng chỉ là vùng đất hoang dã nhiềm phèn nặng
Tuy nhiên việc cach tác trong vùng ĐTM sau đó lại luôn bị thất bại. Đến năm 1926, tất cả diện tích khai hoang thuộc tỉnh Tân An không còn để lại một vết tích nào, và người ta không dám mở thêm diện tích đất hoang. Từ năm 1940, công cuộc khai khẩn đất hoang vùng ĐTM vẫn dẫm chân tại chỗ và còn trong vùng nghiên cứu, chấm dứt thời kỳ “Anh hùng khẩn hoang” ĐTM.
Từ năm 1954, chính quyền Sài Gòn đã cho đầu tư đào một số kênh trong vùng ĐTM và thành lập các dinh điền, khu trù mật để khai thác vùng ĐTM, nhưng trọng tâm là nhằm chống phá cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Cuối cùng, chính quyền Sài Gòn sụp đổ và công cuộc khai khẩn đất hoang trong thời kỳ này cũng kết thúc trong trạng thái bất lực.
Sau giải phóng miền Nam năm 1975, trước yêu cầu giải quyết vấn đề thiếu lương thực sau chiến tranh và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang tổ chức khai hoang vùng ĐTM.
Tuy nhiên vào thời kỳ này, công cuộc khai hoang vùng ĐTM của tỉnh Đồng Tháp gặp khó khăn lớn. Đất đai bị phèn nặng, mùa lũ nước ngập sâu và lâu, nhưng mùa khô lại thiệu nước ngọt. Nhiều nhà quản lý và khoa học trong nước cũng như nước ngoài cho rằng việc khai thác vùng ĐTM không có hiệu quả, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn thuận lợi và xếp vùng ĐTM vào loại vùng khó phát triển kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là sản xuất lúa. Trong 6 vùng kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long được phân chia lúc bấy giờ, vùng ĐTM được xếp vào vùng thứ 6.
Đổi thay từ một công trình nghiên cứu
Để có cơ sở khoa học cho việc lên kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho vùng ĐTM sau khi thống nhất đất nước theo yêu cầu của địa phương, ngay từ đầu những năm 1980 tập thể tác giả của công trình đã lăn lội tiến hành khảo sát thực địa trong nhiều tháng ở vùng nghiên cứu. Qua kết quả khảo sát về điều kiện tự nhiên ĐTM, Phòng Địa học thuộc Viện Khoa học Việt Nam do Tiến sỹ Hồ Chín chủ trì đã tổ chức hội thảo mở rộng có sự tham gia của ĐH Nông Nghiệp 4, ĐH Tổng hợp TPHCM, ĐH Thủy lợi, các nhà sinh vật, vật lý của Phân Viện khoa học Việt Nam. Hội thảo đã thống nhất xây dựng được nhiệm vụ nghiên cứu tổng hợp các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên vùng ĐTM. Từ ý tưởng và nội dung nghiên cứu đề tài khoa học trên, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu đã kết nối với lãnh đạo địa phương lộ trình đầu tư nghiên cứu xây dựng chiến lược vỡ hoang mà sau này được Chính phủ tin tưởng ủng hộ.
Vùng "đất chết" nay đã trở thành vựa lúa lớn của cả nước
Về thổ nhưỡng đã xác định được 5 nhóm đất chính trong đó đặc biệt nhóm đất phèn được phân loại chi tiết thành 5 đơn vị đất phèn hoạt động và 5 đơn vị đất phèn tiềm tàng. Một số tính chất hóa lý của đất và diện tich phân bố đã được xác định, đánh giá.
Tài nguyên môi trường nước đã đánh giá được sự chi phối của sông Tiền và vai trò phân phối lại ché độ nước trong mùa khô và tiêu thoát nước trong mùa lũ của hai sông Vàm Cỏ. Quy luật tương phản theo mùa ngập lũ và hạn kiệt đã được phát hiện vận dụng để bố trí mùa vụ sản xuất.
Tài nguyên sinh vật đã điều tra ra hiện trạng phân tích nguồn gốc các quần xã thực vật và xu hướng diễn thế dưới tác động của thiên nhiên và con người. Đặc biệt đã đi sâu phân tích mối quan hệ giữa thảm thực vật với các đơn vị trầm tích và các loại đất. Những phát hiện chỉ thị thực bậy cho điều kiện môi trường, cho đất có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất to lớn.
Lần đầu tiên nguồn tài nguyên thủy sinh vật được nghiên cứu đánh giá chi tiết bao gồm các loại thực vật nổi và động vật không xương sống ở nước là thức ăn của tôm, cá.
Điều tra chi tiết hiện trạng sử dụng đất với 17 loại hình thành khác nhau. Trên cơ sở đó đã phân tích các mô hình canh tác, tiềm năng đất đai và đánh giá khả năng thích nghi cây trồng, biện pháp canh tác thích hợp.
Theo TS. Nguyễn Đình Kỳ - Viện Địa lý thì nhờ kết quả điều tra đồng bộ, có hệ thống các yếu tố tự nhiên đã rút ra các quy luật căn bản về mối quan hệ giữa các yếu tố. Đây thực sự là một hướng mới trong công tác điều tra cơ bản và nó cung cấp các cơ sở khoa học vững chắc cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp Mười sau này.
“Thành tựu khoa học nổi bật của Trung tâm Địa học trong thời kỳ đó là đã tìm ra được những tiểu vùng rộng lớn có thể cải tạo đất phèn để trồng thâm canh bằng cách dùng nước ngọt sông Tiền rửa sạch lớp đấy phèn mỏng phía trên để lộ ra đất phù sa phía dưới có thể trồng lúa thêm canh năng suất cao. Đồng thời các nhà khoa học tham gia đề tài nghiên cứu cũng đã xác định được các vùng có đất phèn sâu ở phía dưới, phải trồng tram và giữ nước để “ém phèn” xuống. Ngoài các tiểu vùng có thể “rửa phèn” để cải tạo thành các vùng trồng lúa năng suất cao và các tiểu vùng trồng tràm, giữ nước để “ém phèn”, các nhà khoa học đã xác định được các loại cây trồng thích hợp với các tiểu vùng khác” – Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, kết quả nghiên cứu vùng ĐTM đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Chương trình khai thác ĐTM. Từ những thực tiễn sản xuất và các cơ sở khoa học, ngày 18/3/1988, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng nay là Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị 74/CP về việc “Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng Tháp Mười trong kế hoạch 1988-1990”
Mùa xuân năm 1988, lần đầu tiên trong vùng sâu của vùng ĐTM có một diện tích lúa Đông – Xuân mới mở gần 40.000 ha. Đây là bước ngoặc quan trọng trong khai thác và phát triển kinh tế vùng ĐTM. Sau 10 năm thực hiện chỉ thị 74/CP, đã tạo một sự chuyển biến vượt bậc như một cuộc cách mạng mà bao đời nay chưa làm được ở vùng ĐTM.
Ngay này, vùng ĐTM đã biến đổi hoàn toàn từ một vùng có hệ sinh thái hoang dã, dân cư thưa thớt, có sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém trở thành một vùng có hệ sinh thái nông nghiệp phát triển với năng suất cao, dân cư đông đúc, cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật phát triển, đời sống nhân dân đã được cải thiện nhiều.
Nguyễn Hùng