1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Diện tích nhà ở bao nhiêu thì đủ điều kiện “nhập khẩu” thành phố lớn?

Phương Thảo

(Dân trí) - Một trong những điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố lớn hiện tại là có chỗ ở hợp pháp diện tích tối thiểu 15 m2/người. Theo đề xuất mới, điều kiện này giảm xuống mức 8 m2/người…

Đây là điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) vừa được chỉnh lý, đưa ra thảo luận tại phiên họp của đại biểu Quốc hội chuyên trách hôm nay, 4/9.

Dự thảo luật Cư trú (sửa đổi) được chú ý thời gian qua về quan điểm bỏ phương thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, đi kèm theo đó là bãi bỏ hơn 10 thủ tục, giấy tờ liên quan, bỏ quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương. Quan điểm này nhận nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ.

Về vấn đề điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố lớn, có ý kiến tán thành nhưng đề nghị cần có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện tại Thủ đô Hà Nội và TPHCM để bảo đảm sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu tại đô thị lớn.

Một số vị đại biểu Quốc hội cho rằng vẫn cần duy trì điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương như luật hiện hành.

Diện tích nhà ở bao nhiêu thì đủ điều kiện “nhập khẩu” thành phố lớn? - 1

Hiện tại, điều kiện về diện tích nhà ở để có thể đăng ký thường trú tại các thành phố lớn hầu hết ở mức 15-20 m2/người (ảnh minh họa).

Báo cáo, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đưa ra xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách, UBThường vụ Quốc hội viện dẫn, thảo luận tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, nhiều đại biểu nhất trí với nội dung dự thảo luật là giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức diện tích bình quân về chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ làm điều kiện đăng ký thường trú.

Song cũng có ý kiến cho rằng quy định như vậy sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong thực hiện quyền cư trú của người dân giữa các địa phương và chưa thật sự phù hợp với nguyên tắc quyền tự do cư trú chỉ có thể bị hạn chế bởi luật.

UB Thường vụ Quốc hội cho biết, qua nghiên cứu, khảo sát thực tế thì  không chỉ ở các quận nội đô, mà ở một số tỉnh và một số huyện thuộc thành phố trực thuộc trung ương cũng đang có áp lực gia tăng dân số cơ học rất lớn. Số người đăng ký tạm trú tăng nhanh,  thậm chí nhiều hơn số người đăng ký thường trú  và tập trung ở nhóm đối tượng có chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn, ở nhờ.

Do đó, để bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương và giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, đa số ý kiến trong UB Thường vụ Quốc hội cho rằng việc giao Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu đối với người đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là cần thiết.

Đồng thời, đây cũng là công cụ để các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể điều tiết việc phân bổ dân cư thông qua xác định điều kiện đăng ký thường trú ở từng địa phương.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm quyền cư trú của người dân giữa các địa phương, tránh sự tùy nghi trong quá trình triển khai thực hiện, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về mức diện tích bình quân về chỗ ở như Chính phủ trình thành diện tích nhà ở tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú.

Diện tích nhà ở tối thiểu sẽ do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người.

UB Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, mức diện tích tối thiểu 8 m2 sàn/người là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 được nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Căn cứ vào Chiến lược này, hiện nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình, chiến lược phát triển nhà ở của địa phương mình đều đang xác định chỉ tiêu về diện tích nhà ở tối thiểu cao hơn hoặc bằng mức nói trên, không phân biệt thường trú hay tạm trú, nhà thuộc sở hữu hay nhà đi thuê, mượn, ở nhờ.

Theo báo cáo, đa số các thành phố trực thuộc trung ương đã có quy định riêng về diện tích chỗ ở bình quân để đăng ký thường trú đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ tương đối cao (tối thiểu là 15 m2/người trở lên).

Như vậy, nếu quy định diện tích tối thiểu là 8 m2 sàn/người như dự thảo luật thì vẫn thấp hơn mức hiện nay và sẽ không gây trở ngại gì cho các thành phố này khi quy định diện tích nhà ở tối thiểu cao hơn làm điều kiện đăng ký thường trú đối với trường hợp đăng ký vào chỗ ở do thuê, mượn.

Hội đồng nhân dân TP Hà Nội quy định diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở nội thành đến hết năm 2015 tối thiểu là 15 m2 sàn/người.

Hội đồng nhân dân TP Cần Thơ quy định về diện tích nhà ở bình quân khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại TP Cần Thơ tối thiểu là 20 m2 sàn/người đối với quận Ninh Kiều; tối thiểu là 18 m2 sàn/người đối với quận Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt; tối thiểu là 15 m2 sàn/người đối với huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh.

Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng quy định diện tích nhà ở bình quân khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố Đà Nẵng tối thiểu là 20 m2 sàn/người đối với các phường thuộc quận Hải Châu, Thanh Khê; tối thiểu là 15 m2 sàn/người đối với các phường, xã thuộc các quận, huyện còn lại.