1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định:

Di tích tháp Chăm cổ gần 1.000 năm tuổi bị "đe dọa"

Doãn Công

(Dân trí) - Đơn vị thi công dự án tháp Bánh Ít thi công ẩu nguy cơ ảnh hưởng đến tháp cổ gần 1.000 năm tuổi. Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu tạm dừng san gạt, đưa phương tiện cơ giới ra khỏi khuôn viên di tích.

Ngày 8/3, Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết, Thanh tra sở này vừa kiểm tra và yêu cầu tạm dừng thi công một hạng mục tại công trình xây dựng, tu bổ và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định).

Di tích tháp Chăm cổ gần 1.000 năm tuổi bị đe dọa - 1

Phương tiện cơ giới được sử dụng thi công tu bổ tháp Bánh Ít không đúng với biện pháp thi công, ảnh hưởng tới di tích (Ảnh: V. Hiếu).

Công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 9/2021.

Công trình này do Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, tổng kinh phí xây dựng 25,6 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2021 - 2022.

Ngày 27/10/2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) có văn bản thỏa thuận dự án tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít. Tháng 12/2021, công trình chính thức khởi công.

Theo đó, dự án do liên danh Công ty TNHH xây dựng Hiếu Ngọc, Công ty TNHH xây dựng Thành Lộc và Công ty TNHH Hùng Phát thi công.

Di tích tháp Chăm cổ gần 1.000 năm tuổi bị đe dọa - 2

Hiện trường san gạt mặt bằng khuôn viên tháp Bánh Ít.

Trong văn bản thẩm định gửi UBND tỉnh Bình Định, Bộ VH-TT&DL lưu ý, đối với cây xanh hiện có chỉ cắt tỉa cành khô, không phát quang hạ thấp tán cây và bổ sung bản vẽ mặt bằng tổng thể hiện trạng (chỉ rõ vị trí đường điện trung thế hiện trạng).

Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít trước nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.

Di tích tháp Chăm cổ gần 1.000 năm tuổi bị đe dọa - 3

Một hạng mục thi công không đúng bị tháo dỡ.

Tuy nhiên, khi triển khai, dư luận lo lắng đơn vị thi công đã không đúng với hồ sơ thiết kế, làm ảnh hưởng đến di tích. Cụ thể, trong quá trình thi công, các đơn vị thi công đã đưa phương tiện cơ giới, trong đó có máy đào múc thi công tại khu vực xung quanh tháp chính. Việc này khiến nhiều người lo ngại sẽ tạo rung chấn, ảnh hưởng đến ngôi tháp cổ.

Ngày 4/3, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Định phối hợp với UBND xã Phước Hiệp và các bên liên quan đã kiểm tra dự án trên.

Di tích tháp Chăm cổ gần 1.000 năm tuổi bị đe dọa - 4

Vết đào bới vào tận chân tháp.

Qua kiểm tra, các bên thống nhất đề nghị dừng ngay việc thi công san gạt sân phía trước tháp chính và khuôn viên tháp chính bằng máy cơ giới (theo hồ sơ dự án thì việc đắp cát công trình bằng thủ công và máy đầm đất cầm tay); yêu cầu đưa máy móc ra khỏi khu vực này.

Đoàn kiểm tra yêu cầu trong quá trình thi công dự án tiếp theo phải thi công theo đúng hồ sơ thiết kế đã được thẩm định phê duyệt và phải có biện pháp thi công không ảnh hưởng đến hiện trạng của di tích.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan chưa cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý liên quan đến công trình.

Di tích tháp Chăm cổ gần 1.000 năm tuổi bị đe dọa - 5

Đơn vị thi công đang thi công các hạng mục của dự án.

Ông Trần Viết Bảo - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định khẳng định, việc nhà thầu thi công sử dụng máy đào để đào hố bê tông phía đông tháp chính, san gạt để lát gạch trước sân tháp là không đúng về biện pháp thi công.

Liên quan đến vụ việc trên, ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: "Sau khi nghe có dư luận về việc thi công công trình tại tháp Bánh Ít không đúng với thiết kế, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra ngay để chấn chỉnh kịp thời đơn vị thi công. Hiện đơn vị thi công đã đưa phương tiện cơ giới máy đào ra khu vực quanh tháp chính để không ảnh hưởng đến di tích".

Di tích tháp Chăm cổ gần 1.000 năm tuổi bị đe dọa - 6

Cụm tháp Bánh Ít được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1982, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp hạng Top Việt Nam về quần thể tháp Chăm.

Cụm di tích tháp Bánh Ít là một quần thể gồm 4 tháp, nằm trên một ngọn đồi tại thôn Đại Lộc (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), là một trong những cụm tháp Chăm có niên đại sớm (cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII).

Đây là quần thể kiến trúc độc đáo với dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao. Cụm tháp Bánh Ít được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1982, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp hạng Top Việt Nam về quần thể tháp Chăm.

Cụm tháp Bánh Ít cũng được đưa vào tập sách "1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời" của nhóm tác giả người Anh.