Điều chỉnh quy hoạch cụm tháp Chăm cổ ngàn năm tuổi ở Bình Định
(Dân trí) - Tháp Bánh Ít nằm ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước (Bình Định) được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1982 và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp hạng Top Việt Nam về quần thể tháp Chăm.
Ngày 15/3, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết, đã phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành liên quan thống nhất điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng công trình Cụm di tích tháp Bánh Ít.
Các nội dung được điều chỉnh để xây dựng như hoàn thiện đường nội bộ (phía Tây Nam) bằng bê tông, lát đá chẻ có chít mạch hồ kéo dài liên tục qua đoạn cổng chính; tháo dỡ nhà thường trực - vệ sinh (số 10); bố trí lại các khu chức năng (nhà dịch vụ, đón tiếp, trưng bày, chiếu phim, thường trực, bảo vệ, vệ sinh); di dời đường điện trung thế băng qua khu vực di tích (phía Tây Nam) và làm hạ tầng cảnh quan, sân vườn, bãi đậu xe.
Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh Bình Định đã hoàn thiện thủ tục để báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt để tiến hành công tác đầu tư xây dựng.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản giao Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh này chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành liên quan thảo luận, thống nhất các nội dung điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đối với công trình Cụm di tích tháp Bánh Ít.
Cụm di tích tháp Bánh Ít là một quần thể gồm 4 tháp, nằm trên một ngọn đồi tại thôn Đại Lộc (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), là một trong những cụm tháp Chăm có niên đại sớm (cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII).
Đây là quần thể kiến trúc độc đáo với dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao. Cụm tháp Bánh Ít được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1982, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp hạng Top Việt Nam về quần thể tháp Chăm.
Cụm tháp Bánh Ít cũng được đưa vào tập sách "1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời" của nhóm tác giả người Anh.
Bình Định từng là kinh đô của Vương quốc Chămpa (1000 - 1471), nên văn hóa Chăm của một thời vàng son rực rỡ còn hiện diện khá rõ nét, đặc biệt là hệ thống tháp cổ với 8 cụm tháp gồm 14 ngôi tháp độc đáo và bí ẩn.
Các di tích văn hóa Chăm ở Bình Định lại rải rác khắp nơi. 8 cụm tháp ở nhiều địa phương khác nhau với các tên gọi: Bánh Ít, Dương Long, Tháp Đôi, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Bình Lâm và Hòn Chuông.