"Đi chợ hộ không phải nhiệm vụ chính của lực lượng vũ trang tại TPHCM"
(Dân trí) - Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM cho biết, lực lượng vũ trang có 5 nhiệm vụ chính trong thời gian chi viện cho TPHCM. Việc đi chợ hộ chỉ là một mục nhỏ trong số các nhiệm vụ chính.
Chiều 29/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM tổ chức buổi họp báo nhằm cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Buổi họp báo diễn ra trong ngày thứ 7, toàn thành phố áp dụng phương án siết chặt, tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội.
Tại buổi họp báo, vấn đề đi chợ hộ và những sự hỗ trợ người dân từ lực lượng quân đội, công an là chủ đề được trao đổi xuyên suốt.
Nhiệm vụ chính của lực lượng vũ trang là gì?
Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM, cho biết, thời gian qua, hình ảnh lực lượng vũ trang đi chợ hộ giúp người dân được lan tỏa trên mạng xã hội. Những hình ảnh trên rất đẹp, nhưng đó không phải nhiệm vụ chính của các chiến sĩ trong thời gian chi viện cho TPHCM - ông Hải cho biết.
Theo ông Hải, nhiệm vụ đầu tiên của các lực lượng vũ trang Bộ Quốc phòng, các Quân khu và các tỉnh, thành là hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng của Bộ Công an, Quân khu 7, các sở, ngành để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp giãn cách xã hội.
Nhiệm vụ thứ 2: Lực lượng quân đội sẽ phối hợp cùng các đơn vị tham gia chốt chặn kiểm soát dịch, các chốt tuần tra.
Nhiệm vụ thứ 3: Phối hợp cùng tham gia công tác xét nghiệm, tiêm chủng, sơ cấp cứu.
Ông Phạm Đức Hải chia sẻ, những hình ảnh về người bộ đội bác sĩ quân y lấy mẫu xét nghiệm, cầm bình oxy là minh họa điển hình cho nhiệm vụ này.
Nhiệm vụ thứ 4 của quân đội là tham gia vận chuyển, cung ứng túi an sinh cho người dân.
Nhiệm vụ thứ 5 là các nhiệm vụ khác, trong đó có việc đi chợ hộ cho người dân.
"Như vậy, trong các nhiệm vụ khác đó có phần việc đi chợ hộ người dân. Việc đi chợ hộ không phải nhiệm vụ chính của lực lượng vũ trang", ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh.
Đi chợ hộ là bài toán đa biến
"Việc đi chợ hộ chưa từng có trong lịch sử, đây là một giải pháp mới, có thể nói là một bài toán đa biến (có nhiều kết quả - PV). Ví dụ như dọn lên một mâm cơm cho hộ gia đình 4 người, sẽ có người thích, người không thích", Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 nói.
Ông Phạm Đức Hải phân tích, với 2 triệu hộ dân trên toàn địa bàn nhưng chỉ có 312 phường xã lo liệu, dù thành phố nỗ lực tối đa, nhưng có thời điểm chưa thể đáp ứng được toàn bộ.
"Chúng tôi mong bà con bình tĩnh nếu chưa được đáp ứng hay chưa đáp ứng đầy đủ. Bà con cứ trao đổi với cơ quan chức năng, tổ công tác để tiếp tục đặt yêu cầu. Mong bà con nếu không thể hài lòng hết thì điều chỉnh nhu cầu, thói quen, sở thích trong bối cảnh dịch bệnh này", ông Phạm Đức Hải kêu gọi.
Trong 7 ngày qua, 312 phường, xã, thị trấn, tổ công tác đặc biệt trên địa bàn TPHCM đã phối hợp cùng các lực lượng tình nguyện đi chợ hộ với tần suất một tuần một lần.
Từ ngày 23/8 đến 28/8, các lực lượng của TPHCM đã đi chợ hộ cho 411.922 hộ/506.666 hộ dân đăng ký, đạt tỷ lệ 81%.
Đối với công tác an sinh, TPHCM đã chuyển hơn 960.000 túi an sinh đến thành phố Thủ Đức và các quận, huyện suốt thời gian qua. TPHCM cũng vận động được hơn 20.000 chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê phòng, với tổng kinh phí hơn 158 tỷ đồng.
Từ ngày 23/8, TPHCM bắt đầu quãng thời gian tăng cường, siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Việc siết chặt nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.
Trong quãng thời gian này, người dân toàn địa bàn áp dụng triệt để "ai ở đâu ở đấy", số lượng và đối tượng được lưu thông trên đường được hạn chế tới mức tối thiểu.
Để phục vụ công tác an sinh trên địa bàn, thành phố đã chuẩn bị 2 triệu túi an sinh cung ứng cho người dân, đặc biệt các hộ nghèo, hộ khó khăn và gia đình có F0. Trong những ngày qua, thành phố cũng mở rộng việc xét nghiệm toàn địa bàn theo phương án toàn bộ người dân "vùng đỏ", "vùng cam" sẽ được lấy mẫu.