1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Đêm ở chợ đầu mối gia cầm

Chị Vân nhà gần chợ Ngọc Hà, buôn bán gà thịt tại chợ nhanh chóng chuyển gà ra xe máy. Hôm nay chồng bận việc, chị phải một mình vượt quãng đường dài đến chợ lấy hàng từ 2h sáng. Sương đêm, rét ngọt thấm sâu vào cơ thể...

Đêm ở chợ đầu mối gia cầm - 1
 
Con đường 6 cây số (đoạn đường dài 6km từ đường QL3 đến cầu Thăng Long) thi thoảng có một chiếc xe máy chở gia cầm vèo qua. Điểm tập kết ban đêm của họ là chợ đầu mối Bắc Thăng Long (Hải Bối), nằm trên địa phận xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội).

Vất vả chợ đêm

3h sáng 10/1, khi ánh trăng chỉ còn chênh chếch trên đỉnh đầu, chúng tôi trùm lên người áo, mũ ấm, lao vào giá lạnh để tìm hiểu về cuộc sống sôi động ở một chợ đầu mối của Hà Nội nằm dưới chân cầu Thăng Long. Màn đêm vẫn bao phủ khắp các ngõ xóm, thôn làng của huyện ngoại thành Hà Nội. Nhưng riêng chợ đầu mối Hải Bối, mấy chục bóng đèn đỏ đồng loạt sáng rực một khoảng trời nhỏ. Nhìn vào đó, người ta có cảm giác ấm áp hơn, xua tan phần nào cái lạnh lẽo của một đêm cuối năm.

Từ nhiều ngả đường, những chiếc xe máy chở lồng gà, xe ôtô chở trâu bò băng qua làn sương mỏng, tìm về nơi sáng đèn của chợ đầu mối. Tiểu thương rục rịch họp chợ từ 12h đêm. 2 - 3h sáng được coi như thời gian hoạt động nhộn nhịp nhất. Trâu bò, gà vịt sau khi được kiểm dịch mới đưa vào chợ và làm thịt.

Khi chúng tôi có mặt tại chợ, người ta đã ngả thịt trâu, thịt bò ra các phản để pha. Xương, thịt lọc riêng, phân thành từng loại để chuẩn bị đưa vào nội thành theo nhu cầu của từng nơi khác nhau. Bàn tay người lọc thịt cứ thoăn thoắt, mũi dao sắc nhọn tách từng thớ thịt ra khỏi khung xương. Chỉ một lát, những dảnh xương trâu, xương bò to tướng đã nằm trơ khấc bên cạnh phản thịt đỏ au vẫn còn bốc hơi.

Rẽ sang khu vực giết mổ gia cầm, chúng tôi cũng được chứng kiến hoạt động nhộn nhịp chẳng kém. Những nồi nước sôi bốc hơi phía sau, phía trước là các bà, các chị ngồi túm tụm nhặt lông gà, mổ thịt. Chỉ một lúc sau, cái bàn inox vừa trống trơn đã trải đầy ắp gà thịt vàng ruộm.

Trong ánh sáng vàng vàng của đèn điện, người ta dễ dàng nhìn thấy những làn hơi mỏng bốc lên từ các phản gà vừa làm thịt. Gian hàng của hộ chị Ngân cũng vừa làm thịt xong mấy chục con gà. Anh cán bộ thú y kiểm tra, đóng dấu vừa dứt tay, gà được xếp ngay vào sọt. Chủ gian hàng đã sốt ruột giục người của mình chở đi nhanh kẻo muộn.

Chị Vân nhà ở gần chợ Ngọc Hà, buôn bán gà thịt tại chợ nhanh chóng chuyển gà ra xe máy. Hôm nay chồng bận việc, chị phải một mình vượt quãng đường dài đến chợ lấy hàng từ 2h sáng. Tôi hỏi: "Phụ nữ đi đêm một mình, chị có sợ không?". Chị cười: "Cũng hơi sợ, nhưng vẫn phải đi thôi".

Có thể dễ dàng nhận ra những người buôn bán, làm nghề giết mổ gia cầm ở đây vốn đều là nông dân, chấp nhận vất vả, trong đó phụ nữ chiếm số đông. Họ chẳng nề hà bất cứ việc gì. Trong cái giá lạnh của đêm đông, bàn tay không đeo găng vẫn nhúng vào nước nóng, rồi nước lạnh, đỏ ửng lên vì nẻ và giá buốt. Đó là chưa kể đến những nguy cơ rình rập bên ngoài khi công việc của họ hoàn toàn được thực hiện vào ban đêm.

Người bán gia cầm thường chở hàng đến chợ vào lúc đêm và trở về khi trời vẫn còn chưa sáng. Đây cũng là thời gian luôn có nguy hiểm chờ đợi họ.

Năm trước, cũng tại khu vực này đã xuất hiện một nhóm cướp (người ta gọi là nhóm cướp gà) đe dọa những người buôn bán ở chợ đầu mối. Chúng chặn xe máy của những người đi buôn gà từ Bắc Ninh, Bắc Giang về chợ đầu mối qua đường 6 cây để cướp tiền, điện thoại, bất kể phụ nữ hay đàn ông. Trong suốt thời gian đó, người dân buôn bán ở chợ luôn nơm nớp lo sợ quãng đường dài ban đêm đến chợ.

Sau khi Công an huyện Đông Anh điều tra, triệt phá nhóm cướp này, các tiểu thương của chợ đầu mối mới yên tâm qua lại. Nhưng cũng từ đó mà họ cảnh giác hơn trên con đường đến chợ và về nhà. Chợ đêm vất vả, nhưng cũng từ đó mà người nông dân có nguồn tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra. Cuộc sống của họ khấm khá lên nhờ những buổi chợ đêm này.

Cung cấp thực phẩm an toàn trong dịp Tết

Trao đổi với chúng tôi về nguồn gia súc, gia cầm trong chợ đầu mối khu vực Bắc Thăng Long này, ông Đỗ Quang Sơn, Giám đốc Ban quản lý chợ cho biết: "Gia súc, gia cầm đưa về chợ đầu mối từ các hộ chăn nuôi địa phương và những khu vực lân cận, hoàn toàn không có gia cầm nhập lậu. Ban quản lý chợ đã phối hợp với Trạm thú y Đông Anh làm tốt khâu đầu vào và xuất xưởng. Cách đây hơn một tháng, chợ cũng phối hợp với lực lượng Cảnh sát môi trường và Đồn Cảnh sát Bắc Thăng Long thu giữ 2 xe gà nhập lậu, chuyển Trạm Thú y Đông Anh tiêu hủy".

Chợ đầu mối này thường xuyên có hơn 40 hộ kinh doanh gia súc và 22 kiốt giết mổ thịt gia cầm. Số hộ cung cấp hàng cho chợ cố định cũng lên tới con số hơn 100. Trâu bò được đưa về từ các tỉnh Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ...

Còn gia cầm thì chủ yếu chỉ ở các vùng lân cận như Đông Anh, Sóc Sơn, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang... Sau khi làm thịt, các sản phẩm từ chợ này được người dân trong vùng đưa vào các chợ trong thành phố.

Ông Sơn cũng cho biết, chợ thực hiện rất chặt chẽ công tác kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của gia súc, gia cầm, kiểm dịch từ đầu vào cho đến đầu ra. Hàng an toàn được tập kết tại một khu rồi đưa vào khu giết mổ. Sau đó, thú y viên kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận cho gia súc, gia cầm đưa vào lưu thông trên thị trường. Mỗi đêm, lượng gia cầm giết mổ trong chợ được khoảng 4.000kg, lượng thịt trâu bò cũng được khoảng 20 tấn cung cấp cho các chợ trong thành phố.

4h30, 2 cán bộ thú y vẫn miệt mài ngồi viết giấy chứng nhận dưới ánh đèn neon. Chị Bích dường như đã quá quen với công việc ban đêm, nhưng cũng phải thốt lên: "Trời rét nhỉ!".

Những ngày cuối năm này, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch nhau quá nhiều, nên công việc của những cán bộ thú y cũng vất vả hơn, đồng hành với vất vả của những người lao động trong khu giết mổ gia súc, gia cầm. Để xua đi cái lạnh, một đám đàn ông làm "vệ sỹ" chở vợ đi chợ đêm phải đốt một đống lửa giữa chợ. Họ ngồi xúm xít vây quanh thứ ánh sáng ấm áp đó hơ tay, nói với nhau dăm ba câu chuyện.

Chúng tôi trở về nhà khi trời đã dần sáng. Trong chợ, mọi hoạt động dường như gấp gáp hơn, vội vã hơn để kịp chở những chuyến hàng vào thành phố.


Theo Việt Hà
Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm