1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Đêm Giao thừa: Tất cả cùng đi đón thời khắc của năm mới

(Dân trí) - Có lẽ rất ít khi mà vào đêm Giao thừa, tiết trời lại đẹp như năm Bính Tuất này. Nhiệt độ khoảng 16 độ, đủ cho các cô gái có thể diện những bộ cánh sành điệu nhất, còn cánh đàn ông thì khoác bộ comple cũng đủ đẹp. Phóng viên Báo Dân trí cũng hoà vào dòng người đông như trẩy hội để cùng đi đón giao thừa.

Đón giao thừa quanh Bờ Hồ

 

Chỉ hơn 10 giờ đêm, đã có hàng ngàn nam thanh nữ tú, ông bà già, trẻ em đi bộ dọc theo các con đường dẫn đến Bờ Hồ, trái tim của Thủ đô để chờ đón giao thừa. Các điểm trông giữ xe máy đều chật cứng. Giá 10.000 đồng/xe, nhưng hình như chẳng mấy ai quan tâm đến giá cả. Nhiều gia đình đi xe ôtô lên Bờ Hồ và hơi bị khổ bởi dòng người chật như nêm cối, xe len lên rất khó, gửi cũng phải ở rất xa đoạn trên Bác Cổ mới có bãi.

 

Bao giờ cũng vậy, các thanh niên trong lúc chờ phút giao thừa thì gọi mực nướng uống với bia. Có hàng chục quán như vậy nằm rải rác quanh Bờ Hồ. Cũng là một dịp để người bán hàng kiếm thêm chút ít.

 

Theo thời gian, tục nhảy lên cây bẻ cành lộc mất dần, thay vào đó là lộc mía. Tuỳ từng cây to, nhỏ, xấu đẹp mà có giá từ 15.000 đến 30.000đồng/cây. Người bán lại còn buộc thêm cả cái nơ đỏ cho hên. Hỏi Hùng, một sinh viên Bách Khoa cùng nhóm bạn đang bán mía ngay chỗ Hàng Bài, được biết: Vài năm gần đây ai cũng thích lộc mía. Bởi cây mía vừa giữ được tươi lâu, vẫn còn cả ngọn xanh, lại ngọt ngào, mua về để trong nhà trong đêm giao thừa cứ như mang về sự xanh tươi, ngọt ngào cho cả năm.

 

Chúng tôi đi theo dòng người theo vòng xoay Bờ Hồ. Có mấy anh bạn miền Nam ra Hà Nội vào dịp Tết khẳng định: Con gái Hà Nội đẹp nhất vào dịp Tết. Quả đúng như vậy. Dù có hơi rét một chút nhưng ai cũng cố gắng làm sao cho mình xinh đẹp nhất. Đặc biệt năm nay, mốt tóc uốn, sấy lọn cầu kỳ và nhuộm nâu có vẻ rất thịnh hành. Mà nếu đã làm mái tóc công phu như vậy thì đội mũ làm gì.

 

Các nhà hàng xung quanh Bờ Hồ đều chật cứng. Trên Hàm Cá Mập, các bàn đều được đặt hết từ lúc 11 giờ đêm. Người ta đặt trước hoặc chịu khó đi sớm một chút để có bàn, vừa nhâm nhi cái gì đó vừa chờ thời khắc thiêng liêng đến gần. Giá cả đêm Giao thừa cũng “chát” gấp đôi gấp ba ngày thường. Cũng đúng thôi. Cả năm mới có một vài dịp như thế này, người phục vụ đã phải hy sinh cả Tết để đi làm rồi, trả cao một chút có sao đâu.

 

Đón giao thừa trên Potomac

 

Năm nay Hà Nội tổ chức 7 điểm bắn pháo hoa nhưng đông nhất vẫn là 3 địa điểm: Công viên Lê Nin, Bờ Hồ và Hồ Tây.  Rời Bờ Hồ, một trong những địa điểm tổ chức giao thừa truyền thống, chúng tôi lên Hồ Tây. Ngay chỗ Quan Thánh, đường đã bị tắc bởi một sân khấu được dựng lên và một chương trình ca nhạc có vẻ rất tự phát đang diễn ra. Nhạc là nhạc đĩa, còn các ca sĩ thì chẳng có tên tuổi gì, cứ nhảy bừa lên, ăn mặc thì lôm côm và hát ông ổng. Cũng chẳng hề gì: Tết mà.

 

Có lẽ chưa năm nào trên Hồ Tây lại đông người như năm nay. Chẳng thấy anh công an nào đứng cả nhưng trật tự vẫn rất tốt. Đặc biệt pháo năm nay nổ khá nhiều. Có hai loại pháo: Pháo tép nổ và pháo hoa phụt. 10.000 đồng một cây pháo hoa bắn được tới 35 phát lên trời. Pháo của Trung Quốc tràn ngập. Lâu lâu nghe lại tiếng pháo thấy lại nhớ đến những Tết trước đây, đêm giao thừa lúc nào cũng ngập trong tiếng pháo, trong xác pháo và hương thơm nồng của pháo. Nói gì thì nói tiếng pháo vẫn có một cái gì đấy rất độc đáo, thiêng liêng, có pháo Tết mới thực sự có đầy đủ ý nghĩa.

 

11 giờ đêm, người đứng xung quanh lan can hồ Tây đã chật cứng. Chúng tôi quyết định lên Potomac, một nhà hàng nổi nằm trên Hồ Tây. Hầu như chẳng có quán nào nghỉ cả. Potomac bán vé để lên Nhà hàng: 90.000 đồng/vé cho người lớn, trẻ em dưới 12 tuổi miễn phí. Tuy nhiên đổi lại thì khách được miễn phí bia hay nước ngọt, được ngồi thảnh thơi trên mặt hồ để nhìn pháo hoa.

 

Ngồi trên Potomac mới thấy không khí đón giao thừa thật rộn rã. Giá vé dù khá cao nhưng hầu hết các bàn cũng đều được đặt hết. Rất nhiều người đưa gia đình, kể cả trẻ con lên đây chờ giao thừa. Cuộc sống ngày càng sung túc, thời gian để hưởng thụ với mỗi người lại càng quý, có lẽ vì vậy mà người Hà Nội không ngủ, cùng thức để đón giao thừa.

 

Hầu hết những người ngồi chờ giao thừa như chúng tôi đều móc máy điện thoại ra nhắn tin. Từ 11 giờ đêm, tình trạng nghẽn mạch đã diễn ra. Gửi một cái tin rất khó. Nhắn tin đã trở thành một loại hình chúc tết hết sức phổ biến trong ngày Tết. Có rất nhiều khách Tây cũng lên Potomac để đón giao thừa. Đối với khách nước ngoài thì Tết Việt Nam đúng là đặc biệt: Ai cũng đổ ra đường, ai cũng vui vẻ và cái không khí của đêm giao thừa thì rất đặc biệt.

 

Đúng 12 giờ đêm, những phát pháo hoa đầu tiên được bắn lên trời. Tất cả cùng vỗ tay reo hò đón năm mới. 15 phút bắn pháo hoa trong tiết trời se lạnh và cảm giác đón không khí xuân đang ùa về thật thú vị, khó có bút nào tả hết được cảm giác lúc này. Hình như khuôn mặt ai cũng hân hoan. Năm nay rút kinh nghiệm năm trước nên  việc bắn pháo hoa được chia thành ba đợt, đợt khai hoả, đợt giữa và đợt kết thúc đều hết sức ấn tượng và đầy mầu sắc. Mọi người ở các bàn cùng đứng lên nâng ly chúc mừng năm mới. Tết thật kỳ lạ. Không quen nhau, nhưng sẵn sàng bắt tay, chúc mừng nhau.

 

Một năm mới lại bắt đầu. Một cuộc nhắn tin cho tôi từ một người bạn ở Nhật: Thời khắc giao thừa bao giờ cũng thật là thiêng liêng, ngay cả ở trên đất Nhật xa xôi này, mình cũng như cảm nhận được điều ấy.

 

Sau giao thừa, trên đưòng về qua các chùa, tôi đã thấy chùa nào cũng mở cửa, mùi hương toát ra thơm ngát. Đã có khá nhiều các cụ, khăn áo chỉnh tề, thong dong bước vào chùa.

 

Đức Trung