Bức chân dung nội tâm và cá tính thơ độc đáo trong "Hỗn độn và khu vườn"

Tô Sa

(Dân trí) - Nguyễn Vĩnh Tiến đã thành công với vai trò kiến trúc sư, làm nên tên tuổi trong âm nhạc với bài hát "Bà tôi". Tập thơ mới nhất cho thấy cá tính thơ độc đáo của ông.

Tập thơ Hỗn độn và khu vườn do Nhã Nam phát hành trong mùa hè này, dày 268 trang, gồm 5 chương: Hoa lạ, Hỗn độn và khu vườn, Trầm cảm đô thị, Chàng thơ, Hoa nở không tên.

Tác phẩm mang đến hình dung về những chặng đường đời, những chặng đường thơ của tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến.

Thuở ban đầu với tác giả là nỗi háo hức, say mê khám phá, thời trưởng thành là hình ảnh con người suy tư buồn bã với câu hỏi "tôi là gì". Phần cuối là mảnh tâm tư, đi tìm chốn bình yên.

Những bài thơ được chọn đưa vào tập sách chỉ là một phần trong vườn thơ của tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến, vì thế rất khó để "nói ráo riết" tận cùng về thơ ông.

Bức chân dung nội tâm và cá tính thơ độc đáo trong Hỗn độn và khu vườn - 1

Bìa sách "Hỗn độn và khu vườn" (Ảnh: Nhã Nam).

Nguyễn Vĩnh Tiến được nhận xét là một nhà thơ có phong cách hết sức đa dạng. Nếu đọc từ đầu đến cuối tập thơ, độc giả sẽ thấy được một giọng thơ riêng, trôi chảy, ý thơ tuôn ra bất chấp các ranh giới của thể loại, vần điệu, của cũ và mới, của truyền thống và thể nghiệm.

Nguyễn Vĩnh Tiến chu du qua các miền không gian từ nông thôn tới thành thị, từ cõi tâm linh huyền bí tới hiện thực phô bày, từ trầm tích quá khứ tới nỗi chán chường hiện tại.

Đọc thơ của ông, người đọc hay gặp bất ngờ, từ những câu lục bát thả ngang trong một bài thơ văn xuôi, hay những câu kết độc đáo và những liên tưởng thú vị của một tâm hồn phong phú.

Có hai nhân cách hiển hiện trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, đó là con người của nhà quê và con người của lang bạt.

Con người nhà quê nhớ thương nguồn cội "Bố tôi Hoài Đức mẹ tôi Cẩm Khê", nhớ nơi cắt rốn chôn rau của mình, vùng trung du Phú Thọ: "Tôi chỉ nên là/ Cậu bé trung du buồn/ Cặm cụi lớn/ Để trôi về nguồn cơn...".

Con người nhà quê trìu mến với ông bà, đám giỗ, với bờ ao, mảnh vườn, tường gạch, cọng rơm… và xót xa nghèn nghẹn với những phôi pha không thể nào chống đỡ.

Trong khi đó, con người lang bạt nơi thị thành hay trong cõi riêng, hiện ra mơ mộng hơn, suy tư hơn, chán chường hơn, lại có chút bất cần đời.

Đến cuối, tập thơ khép lại với những vần điệu tinh khôi, những triết lý về lẽ sống ở đời, của một con người đầy từng trải.

Bức chân dung nội tâm và cá tính thơ độc đáo trong Hỗn độn và khu vườn - 2

Tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến (Ảnh: Phạm Hồng Hà).

Tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến, 50 tuổi, quê Phú Thọ, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 1996 và cao học Pháp ngữ chuyên ngành Thiết kế Đô thị với Di sản và Phát triển bền vững.

Ông nhận học bổng của Bộ Văn hóa Pháp vào năm 2003, thực tập tại SDAP Toulouse. Sau đó, ông là nghiên cứu sinh về Đô thị đa cực tại École Doctoral TESC Toulouse giai đoạn 2010-2016.

Hiện ông vẫn tham gia các hoạt động về Kiến trúc và Quy hoạch đô thị với đề tài liên quan đến đô thị đa cực và mô hình thành phố trong tương lai.

Trong lĩnh vực âm nhạc, ông đã làm nên tên tuổi từ rất sớm với giải Quán quân Bài hát Việt 2005 với ca khúc Bà tôi.

Là một nhà thơ, ông đã xuất bản nhiều tập thơ, đoạt nhiều giải thưởng về thơ và truyện ngắn.

Nguyễn Vĩnh Tiến sáng lập nhóm thơ "Hoa lạ" năm 1992, chủ trương đổi mới thơ, đi sâu vào những "phi lý" giao thoa các sự vật, hiện tượng trong đời sống.

Thơ của ông độc đáo vượt ra ngoài giới hạn của thể loại, vần điệu, vừa giàu tính nhạc vừa suy tư, sâu lắng.