Đề xuất ưu tiên đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam khi xây đường sắt tốc độ cao
(Dân trí) - Chính phủ đề xuất 19 chính sách đặc thù cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhằm đảm bảo tính khả thi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, huy động nguồn lực đầu tư...
Theo tờ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tổng chiều dài của tuyến dự kiến là 1.541km, đi qua 20 tỉnh, thành.
Tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế 350km/h. Ước tính mức đầu tư dự án là 67,34 tỷ USD, triển khai theo hình thức đầu tư công. Dự án phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến trong năm 2035.
Cơ chế đặc thù về cơ cấu nguồn vốn
Dự án có cơ cấu nguồn vốn phải được xác định trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Song, Chính phủ cho rằng dự án có mức tổng đầu tư rất lớn, thời gian thực hiện dự kiến 12 năm nên phải cân đối ngân sách qua nhiều kỳ trung hạn.
Để đảm bảo tính khả thi khi cân đối vốn cho dự án, Chính phủ cho rằng cần có chính sách cho phép trong quá trình thực hiện.
Vì vậy, Chính phủ đề xuất trong quá trình thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ được quyết định sử dụng các nguồn vốn, gồm Trái phiếu Chính phủ; vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; các nguồn vốn trong nước hợp pháp khác.
Về bố trí vốn và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công để bố trí vốn cho dự án, Chính phủ đề xuất cơ chế như dự án được bố trí vốn qua nhiều kỳ, kế hoạch đầu tư công trung hạn, mức vốn bố trí mỗi kỳ trung hạn phù hợp với tiến độ thực hiện dự án.
Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để bố trí vốn cho dự án trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn trung hạn và hàng năm đã được Quốc hội quyết định.
Ưu tiên đặt hàng doanh nghiệp Việt
Chính phủ đề xuất cơ chế Thủ tướng quyết định danh mục sản phẩm công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp khác phục vụ dự án được giao, đặt hàng với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.
Tờ trình cũng nêu đề xuất Thủ tướng được quyết định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước tham gia.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ được quyết định các sản phẩm công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp khác phục vụ dự án mà trong nước có thể sản xuất được; chủ đầu tư, tổng thầu ưu tiên đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam.
Theo tờ trình, việc phân chia dự án thành phần phải được thực hiện sau khi đã quyết định được công nghệ phù hợp với đặc điểm của dự án.
Chính phủ đề xuất chủ đầu tư được lập thiết kế kỹ thuật tổng thể thay cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
Về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, tờ trình nêu đề xuất Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có thẩm quyền quyết định trong một số trường hợp cụ thể.
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Về cơ chế, chính sách đảm bảo quốc phòng, an sinh, phòng chống tham nhũng tiêu cực, Chính phủ đề xuất cơ chế mới dành riêng cho dự án chưa được quy định tại các Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Đấu thầu.
Cụ thể, đối với công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu EPC, gói thầu tư vấn sử dụng nhà thầu nước ngoài, phải thành lập tổ thẩm định để kiểm tra, xem xét sự phù hợp với quy định của pháp luật đối với một hoặc các nội dung: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu.
Thành phần tổ thẩm định phải có sự tham gia của đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.
Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ tổng mức đầu tư do tư vấn lập cho Kiểm toán Nhà nước để thực hiện kiểm toán đồng thời với quá trình thẩm định dự án của cơ quan có thẩm quyền.