Đề xuất thay đổi cơ cấu tổ chức Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tài chính đề xuất nhiều thay đổi về cơ cấu, tổ chức, hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Ngày 7/11, Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đang được tổ chức thẩm định.

Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo) đã tiến hành rà soát Quyết định số 1515/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Qua đó, Bộ Tài chính nhận thấy một số quy định liên quan đến nguyên tắc hoạt động, chức năng, nhiệm vụ; mô hình quản trị, điều hành; quyền và nghĩa vụ của HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành Ngân hàng Phát triển Việt Nam; trách nhiệm của bộ, ngành, cơ quan liên quan đối với hoạt động của ngân hàng cần rà soát, nghiên cứu để phù hợp với thực tế hiện nay.

Đề xuất thay đổi cơ cấu tổ chức Ngân hàng Phát triển Việt Nam - 1

Trụ sở Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Hà Nội (Ảnh: Chinhphu).

Theo Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam không phải doanh nghiệp, do đó việc quy định ngân hàng hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Quyết định 1515/2015 chưa phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Doanh nghiệp.

Vì thế, Bộ này đề xuất Ngân hàng Phát triển Việt Nam là ngân hàng chính sách do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và pháp luật có liên quan.

Bộ Tài chính sẽ rà soát các quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để quy định trực tiếp tại nghị định các nội dung có liên quan phù hợp với tính chất hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo trình Chính phủ quy định các nội dung về cơ cấu tổ chức quản lý của Ngân hàng Phát triển Việt Nam bao gồm: HĐQT và bộ máy giúp việc; Ban kiểm soát; Tổng giám đốc.

Để phù hợp với thực tế, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ bỏ quy định về chức danh Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng. Quy định nhiệm vụ quyền hạn của HĐQT theo hướng tăng cường trách nhiệm, chủ động trong hoạt động điều hành và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu tương đương như đối với Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (trừ các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã được quy định).

Việc này nhằm đảm bảo phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng giao HĐQT là cơ quan đại diện trực tiếp của chủ sở hữu nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và phương án cơ cấu lại, định hướng hoạt động của ngân hàng này trong giai đoạn 2023-2027 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Tài chính dự kiến các quy định trên sau khi ban hành sẽ được triển khai thi hành ngay, không cần hướng dẫn bởi quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc thông tư của Bộ Tài chính; không phát sinh thủ tục hành chính mới.

Theo dự thảo nghị định, thành viên HĐQT, người điều hành, người lao động của Ngân hàng Phát triển không được tiết lộ thông tin khách hàng, bí mật các thông tin về hoạt động của Ngân hàng Phát triển theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Phát triển được quyền từ chối yêu cầu của tổ chức, cá nhân về cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi, tài sản của khách hàng và hoạt động của Ngân hàng Phát triển, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.