Đề xuất mới về cơ cấu tổ chức Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm "một suất" Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vì công việc "hết sức nặng nề và áp lực"; đồng thời giữ nguyên 15 đơn vị như cơ cấu tổ chức hiện nay.

Hồ sơ dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Cơ quan soạn thảo - Bộ Tài chính cho biết đã tổ chức rà soát 13 Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng và 2 đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đảm bảo các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ độc lập tương đối, đáp ứng các tiêu chí thành lập theo quy định.

Cụ thể, 10 Vụ tổ chức không có cấp phòng và có từ 21-38 biên chế công chức; Cục Công nghệ thông tin tổ chức 4 phòng có 32 biên chế; Văn phòng có 51 biên chế, Thanh tra có 52 biên chế

2 đơn vị sự nghiệp có mục tiêu, nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, được tổ chức phù hợp với quy hoạch ngành, lĩnh vực, có số biên chế được giao năm 2024 lần lượt là 24 và 62 người.

Đề xuất mới về cơ cấu tổ chức Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - 1

Trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Hà Nội (Ảnh: ssc.gov.vn).

Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ bỏ quy định hiện hành "Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về chứng khoán và thị trường chứng khoán; chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và sự chỉ đạo về nghiệp vụ thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính".

Lý giải điều này, Bộ Tài chính nói trước đây mô hình của Thanh tra chứng khoán đặc thù so với các đơn vị làm công tác thanh tra tại các Tổng cục và tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ khác (là Vụ tham mưu). Tuy nhiên, hiện nay một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ cũng được tổ chức cơ quan thanh tra theo quy định tại Nghị định số 03/2024 của Chính phủ.

Do đó, mô hình, nhiệm vụ và các chức danh của Thanh tra chứng khoán sẽ thực hiện theo quy định chung của pháp luật về thanh tra (bao gồm cả pháp luật về thanh tra chứng khoán) nên không cần quy định cụ thể tại dự thảo quyết định này.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có không quá 4 phó chủ tịch (hiện hành là không quá 3 phó chủ tịch). Việc này nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; hoàn toàn phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

"Cùng với sự phát triển và gia tăng về quy mô của thị trường, các nhiệm vụ, công việc đặt ra đối với đội ngũ lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hết sức nặng nề và áp lực", Bộ Tài chính giải thích thêm.

Tại dự thảo, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được đề xuất giữ nguyên như hiện nay, gồm 15 đơn vị: Vụ Pháp chế; Vụ Phát triển thị trường chứng khoán; Vụ Quản lý chào bán chứng khoán; Vụ Giám sát công ty đại chúng; Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán; Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán; Vụ Giám sát thị trường chứng khoán; Vụ Hợp tác quốc tế;

Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Tài vụ - Quản trị; Văn phòng (có đại diện tại TPHCM); Thanh tra; Cục Công nghệ thông tin; Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán; Tạp chí Chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có tư cách pháp nhân, con dấu có hình Quốc huy, tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và trụ sở tại Hà Nội.