1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kho bạc Nhà nước sẽ có hàng loạt thay đổi trong cơ cấu tổ chức?

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tài chính vừa đề xuất hàng loạt thay đổi trong cơ cấu, tổ chức của Kho bạc Nhà nước; trong đó giải thể Trường nghiệp vụ kho bạc, tổ chức lại Vụ Kho quỹ thành Cục Thanh toán - Kho quỹ…

Dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo) đánh giá mô hình quản lý thanh toán của Kho bạc Nhà nước hiện nay chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030. Mô hình tổ chức của Vụ Thanh tra - Kiểm tra chưa phù hợp với quy định của pháp luật về thanh tra hiện nay. Tên gọi của một số đơn vị chưa bao quát hết nhiệm vụ của đơn vị…

Kho bạc Nhà nước sẽ có hàng loạt thay đổi trong cơ cấu tổ chức? - 1

Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Quân (Ảnh: KBNN).

Từ đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án tổ chức lại Vụ Kho quỹ thành Cục Thanh toán - Kho quỹ, gồm 4 phòng: Phòng Chế độ; Phòng Thanh toán và hỗ trợ; Phòng Kế toán thanh toán; Phòng Kho quỹ.

Trường hợp thành lập Cục này, Bộ Tài chính dự kiến bố trí khoảng 45 biên chế công chức để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ.

Đồng thời, Bộ Tài chính dự kiến cắt giảm 1 phòng của Cục Kế toán Nhà nước (còn 3 phòng) và sẽ bố trí 40-45 biên chế công chức để thực hiện các nhiệm vụ.

Cục Công nghệ thông tin, Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước, Vụ Tổng hợp - Pháp chế do chỉ điều chỉnh một mảng nhiệm vụ nhỏ của đơn vị liên quan đến công tác thanh toán sang Cục Thanh toán - Kho quỹ nên được Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục duy trì.

Vụ Thanh tra - Kiểm tra của Kho bạc Nhà nước được đề xuất chuyển sang mô hình Thanh tra, gồm 4 phòng (Phòng Thanh tra, Phòng Kiểm tra, Phòng Xử lý sau thanh tra và Phòng Tổng hợp). Trường nghiệp vụ kho bạc sẽ giải thể theo đúng chủ trương của Đảng và quy hoạch các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Chính phủ.

Tên của một số đơn vị được đề xuất thay đổi cho phù hợp thực tiễn: Vụ Hợp tác quốc tế đổi tên thành Vụ Đối ngoại - Truyền thông; Cục Công nghệ thông tin đổi thành Cục Công nghệ thông tin và chuyển đổi số; Tạp chí Quản lý Ngân quỹ quốc gia thành Tạp chí Kho bạc Nhà nước.

Tại dự thảo gửi tới Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính dự kiến chuyển nhiệm vụ kiểm toán nội bộ từ Vụ Thanh tra - Kiểm tra sang Vụ Tổng hợp - Pháp chế và đổi tên Vụ Tổng hợp - Pháp chế thành Vụ Pháp chế - Kiểm toán nội bộ.

Sau khi sắp xếp, kiện toàn như trên, số lượng các tổ chức đơn vị thuộc Kho bạc Nhà nước giảm 1 đơn vị (từ 14 xuống 13). Các đơn vị còn lại đảm bảo đáp ứng tiêu chí thành lập theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, Kho bạc Nhà nước được tổ chức thành hệ thống từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo nguyên tắc tập trung thống nhất.

Trong đó, cơ quan Kho bạc Nhà nước ở Trung ương gồm 13 đơn vị: Vụ Pháp chế - Kiểm toán nội bộ; Vụ Kiểm soát chi; Cục Thanh toán - Kho quỹ; Vụ Đối ngoại - Truyền thông; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Tài chính - Quản trị; Văn phòng; Thanh tra; Cục Kế toán nhà nước; Cục Quản lý ngân quỹ; Cục Công nghệ thông tin và chuyển đổi số; Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước; Tạp chí Kho bạc Nhà nước.

Kho bạc Nhà nước có Tổng giám đốc và không quá 4 Phó tổng giám đốc; các chức vụ này do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức theo quy định pháp luật.

Giảm hơn 3.200 vị trí lãnh đạo từ cấp tổ/đội trở lên

Tại tờ trình gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, cơ quan soạn thảo thống kê từ năm 2015 đến nay, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã cắt giảm được 2.332 đầu mối và giảm hơn 3.200 vị trí lãnh đạo từ cấp tổ/đội trở lên.

Trong đó, Kho bạc Nhà nước Trung ương đã dừng hoạt động Trường Nghiệp vụ kho bạc để thực hiện chủ trương tập trung đầu mối đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức theo Quyết định số 705/2019 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời cắt giảm 7 phòng, khoa thuộc trường.

Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh giảm 253 phòng thuộc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh (giảm 44% so với năm 2015); Kho bạc Nhà nước cấp huyện giảm 73 đơn vị (giảm trên 10% so với năm 2015).

Về sắp xếp, bố trí cán bộ, Kho bạc Nhà nước đã cắt giảm 650 vị trí lãnh đạo cấp phòng và tương đương; cắt giảm hơn 2.600 công chức lãnh đạo cấp tổ/đội.

Từ năm 2015 đến nay, biên chế công chức của hệ thống Kho bạc Nhà nước cắt giảm từ 15.599 người xuống còn 13.659 người (giảm 1.940 biên chế, tương đương giảm 13,7% so với năm 2015).