1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đề xuất sửa mức báo động lũ, quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Sau cơn bão Yagi, chuyên gia đề xuất điều chỉnh các cấp báo động lũ, sửa đổi quy trình liên hồ chứa lưu vực sông Hồng để vận hành linh hoạt hơn, góp phần phòng lũ hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại.

Ngày 29/10, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD) phối hợp với Cục Quản lý Đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn) tổ chức hội thảo "Thực tiễn và thách thức trong vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng qua cơn bão số 3".

TS Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch VNCOLD cho biết, đồng bằng sông Hồng vừa trải qua cơn bão Yagi (bão số 3) gây tổn thất lớn về người và tài sản, thiệt hại trên 40.000 tỷ đồng. Đặc biệt, hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn trên diện rộng, lũ quét, sạt lở đất và đe dọa an toàn hồ chứa.

Đề xuất sửa mức báo động lũ, quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng - 1

Nhiều thủy điện an toàn trong bão Yagi nhờ công nghệ tiên tiến (Ảnh: CTV).

Theo ông Thắng, hội thảo nhằm tập hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để có những kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 143/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm làm tốt công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai mà Thủ tướng yêu cầu.

TS Hà Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kyuden Innovatech Vietnam cho hay, trong bối cảnh cơn bão Yagi đổ bộ trực tiếp vào nước ta, hệ thống HNT với công nghệ Nhật Bản đã hỗ trợ vận hành hiệu quả an toàn ở nhiều nhà máy thủy điện chịu tác động lớn từ mưa lũ do hoàn lưu bão Yagi gây ra.

"Theo khuyến cáo của các chuyên gia Liên danh KIV - WeatherPlus, các nhà máy thủy điện nên áp dụng công nghệ Nhật Bản hỗ trợ ra quyết định vận hành HNT để nâng cao mức an toàn vận hành lũ và đồng thời tăng sản lượng nhờ vận hành đón lũ giảm xả thừa trong các cơn lũ", ông Tuấn nói.

Liên quan đến việc vận hành hệ thống hồ chứa và đảm bảo an ninh nguồn nước trên lưu vực sông Hồng, PGS.TS Nguyễn Mai Đăng, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, việc vận hành hệ thống các hồ chứa đa mục tiêu trên hệ thống sông Hồng là bài toán rất phức tạp vì phụ thuộc vào nhiều số liệu đầu vào, biến đổi khí hậu...

Về giải pháp, ông Đăng đề xuất sửa đổi quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng để đảm bảo vận hành linh hoạt hơn, góp phần phòng lũ hạ du hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng đề xuất cơ quan chức năng cần tập trung nghiên cứu phân cấp lại các cấp báo động lũ, quy định lại mực nước trước lũ (đón lũ) linh hoạt hơn… góp phần vận hành hệ thống an toàn, đảm bảo an ninh nguồn nước cho lưu vực và cho quốc gia.