Đề xuất có cơ chế đặc thù riêng cho hoạt động tố tụng khi bỏ công an huyện
(Dân trí) - Phân tích công an huyện là cơ quan đầu tiên thực hiện hoạt động tố tụng, đại biểu Quốc hội góp ý nếu bỏ công an huyện mà cơ quan VKS, Tòa án chưa kịp sắp xếp, cần cơ chế đặc thù cho hoạt động tố tụng.
Sáng 14/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Tán thành với hiệu lực thi hành của nghị quyết từ ngày 1/3, song đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Huế) băn khoăn việc sắp xếp các cơ quan liên quan khi bỏ công an cấp huyện.
Bà cho biết theo quy định về pháp luật hình sự, công an huyện là cơ quan đầu tiên, trực tiếp, thực hiện các hoạt động tố tụng.
Với việc Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/3, theo nữ đại biểu, sẽ còn thời gian rất ngắn để các cơ quan tố tụng khác như Viện kiểm sát, Tòa án thực hiện những công việc tiếp theo, và sẽ khó có sự điều chỉnh phù hợp với việc giải thể công an cấp huyện. Đối chiếu với hiệu lực nghị quyết, bà Sửu đề nghị cần có cơ chế đặc thù riêng để phục vụ hoạt động tố tụng.
Góp ý thêm về vấn đề xử lý tài sản sau sáp nhập, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (TPHCM) nêu thực tế khi thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện cũng đã có những vướng mắc.
Với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này, theo ông Đức, là cuộc sáp nhập rất lớn nên số lượng tài sản sau sáp nhập cũng rất lớn. Và nghị định hiện có về xử lý tài sản sau sáp nhập vẫn chưa thể bao quát hết.
"Ví dụ tài sản hình thành trong tương lai, nằm trong các đề án, dự án mà chủ đầu tư là các cơ quan chịu sự sáp nhập, trong quá trình thực hiện sẽ có những vấn đề phát sinh như chậm thời gian, đội vốn, kéo dài... buộc phải xử lý, thì trách nhiệm đặt ra thuộc về đơn vị nào?", vị đại biểu nêu vấn đề và cho rằng cần tính toán để đảm bảo tài sản được xử lý hợp lý, làm rõ trách nhiệm.
Đồng thời, ông cũng nêu thực tế hiện nay, một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được đưa vào vận hành, quản lý, có những dự án thực hiện đấu thầu quốc tế, tên chủ đầu tư lúc đầu như vậy, sau sáp nhập đổi tên thì tính toán thế nào?
Ông đề nghị cần có quy định về nội dung này để nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm.
Liên quan quy định xử lý cơ cấu tổ chức và con người bị tác động sau sáp nhập, vị đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết chúng ta có Nghị định 177, 178, Thông tư 01/2025 về vấn đề giải quyết chế độ cho những người có nguyện vọng về hưu để thực hiện cuộc sắp xếp, đây là điều rất tốt.
"Nhưng còn người lao động trong những cơ quan bị sáp nhập, kết thúc hoạt động, họ không đủ điều kiện thỏa mãn trong các nghị định, thông tư trên, chúng ta cần tính toán thế nào?", đại biểu Đức góp ý có thể quy định thêm về quyền của những người này trước sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết dự thảo nghị quyết chỉ quy định nguyên tắc chung để xử lý vấn đề khi sắp xếp tổ chức bộ máy, không quy định về trình tự, thủ tục, chế tài.
"Chúng tôi đã tính toán rất kỹ để trong Nghị quyết này chỉ đưa ra nguyên tắc chung để xử lý vấn đề khi sắp xếp, tổ chức bộ máy", ông Ninh nói thêm với những vấn đề đã rõ và không có vướng mắc, sẽ tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành.
Ví dụ về xử lý tài sản, chế độ chính sách với cán bộ, công chức, đã có các nghị định ban hành trước đó. Với những vướng mắc phát sinh thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, việc sắp xếp bộ máy có phạm vi rộng nên chưa thể lường hết được những vấn đề phát sinh. Vì vậy, nghị quyết cho phép Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND và người có thẩm quyền được phép xử lý các vấn đề phát sinh.