Nữ Bộ trưởng nói về đột phá khi sửa luật gốc của nền hành chính Nhà nước

Hoài Thu

(Dân trí) - Vấn đề mang tính căn cơ và tư duy đột phá nhất trong Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, theo Bộ trưởng Nội vụ, là hoàn thiện được nguyên tắc phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo hiến định.

Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 14/2, với nhiều ý kiến quan tâm đến quy định về phân cấp, phân quyền và ủy quyền.

Đề xuất chỉ phân quyền khi địa phương đủ năng lực

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) chia sẻ lo ngại khả năng cát cứ quyền lực cũng như nguy cơ chồng chéo quyền lực khi phân quyền không rõ ràng, nhất là giữa Trung ương và địa phương.

Dẫn chứng, ông nói nhiệm vụ trọng yếu như quy hoạch, đầu tư công, quản lý đất đai, môi trường, vừa thuộc trách nhiệm Chính phủ, vừa thuộc thẩm quyền địa phương. Điều này có thể khiến tranh chấp trong thực thi chính sách.

Nữ Bộ trưởng nói về đột phá khi sửa luật gốc của nền hành chính Nhà nước - 1

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Ảnh: Hồng Phong).

Đặc biệt, chính quyền địa phương có thể lạm quyền và thiếu kiểm soát khi được phân quyền, tự quyết định theo lợi ích của mình mà không nhất quán chính sách chung của quốc gia.

"Một số tỉnh, thành giàu tài nguyên, kinh tế mạnh có thể tận dụng phân quyền để thiết lập chính sách ưu đãi riêng, còn địa phương yếu kém có thể không đủ năng lực thực hiện gây trì trệ", vị đại biểu nêu quan điểm.

Ông Khải đề xuất bổ sung nguyên tắc phân quyền có điều kiện, chỉ phân quyền khi địa phương có đủ năng lực tài chính, nhân lực quản trị, xây dựng chỉ số đánh giá năng lực quản trị của từng địa phương trước khi thực hiện.

Bên cạnh đó, theo ông, phải tăng cường giám sát ở Trung ương, thành lập hội đồng kiểm soát phân quyền để kiểm soát chặt chẽ việc này.

Cũng theo ông Khải, cần bổ sung cơ chế thẩm định hiệu quả phân cấp, quy định rõ nhiệm vụ nào bắt buộc phải có báo cáo đánh giá hàng năm, quyết định phân cấp phải được Quốc hội đánh giá định kỳ.

Trong ủy quyền, vị đại biểu cho rằng nếu thiếu kiểm soát có thể khiến trách nhiệm đùn đẩy giữa các cấp chính quyền khi thực hiện nhiệm vụ.

Nữ Bộ trưởng nói về đột phá khi sửa luật gốc của nền hành chính Nhà nước - 2

Các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9 sáng 14/2 (Ảnh: Hồng Phong).

Ngoài ra, ủy quyền có thể tạo ra các lãnh địa hành chính, khi một số địa phương được ủy quyền đặc biệt nhưng không có cơ chế đánh giá năng lực định kỳ, khiến họ tự quyết định không theo trình tự, hoặc một số địa phương từ chối thực hiện nhiệm vụ gây rối loạn thực thi chính sách.

Ông Khải đề nghị giới hạn phạm vi ủy quyền, chỉ ủy quyền nhiệm vụ hành chính thông thường, không ủy quyền quyết định chính sách vĩ mô.

"Phân quyền, phân cấp, ủy quyền là xu hướng chung tất yếu nhưng cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ", ông nhấn mạnh.

Nhiều nội dung mới và mang tính đột phá

Làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh Luật Tổ chức Chính phủ là đạo luật gốc của nền hành chính Nhà nước.

Việc sửa luật lần này, theo Bộ trưởng, có ý nghĩa chính trị, xã hội, pháp lý và cũng mang tính lịch sử trong bối cảnh lịch sử, khi chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời tháo gỡ được điểm nghẽn về thể chế để khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới.

Nguyên tắc xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh sự toàn diện và tư duy hoàn toàn mới, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội, đó là luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc chung để đảm bảo giá trị, sức sống. Điều quan trọng hơn, là đảm bảo yêu cầu vừa thực hiện mục tiêu quản lý Nhà nước, vừa thực hiện mục tiêu kiến tạo phát triển.

Nữ Bộ trưởng nói về đột phá khi sửa luật gốc của nền hành chính Nhà nước - 3

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh Luật Tổ chức Chính phủ là đạo luật gốc của nền hành chính Nhà nước (Ảnh: Phạm Thắng).

Việc sửa đổi luật cũng bám sát chủ trương về phân định thẩm quyền và mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan của Trung ương, các cơ quan của Chính phủ, với chính quyền địa phương để khắc phục những vấn đề giao thoa, chồng chéo, bảo đảm vị trí, vai trò, chức năng của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng thông tin thêm về vấn đề mang tính cốt lõi, căn cơ và tư duy đột phá nhất trong luật lần này, đó chính là hoàn thiện được nguyên tắc phân quyền, phân cấp, ủy quyền theo hiến định

"Việc này nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo để thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo của cả hệ thống, nhất là chính quyền địa phương", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Trà, dự thảo luận còn tạo hành lang pháp lý quan trọng để tháo gỡ những rào cản về phân cấp, phân quyền, phân định nhiệm vụ cụ thể đang hiện hữu trong rất nhiều luật chuyên ngành.

Vừa qua, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Quốc hội, Bộ trưởng Trà cho biết các cơ quan đã tiến hành rà soát việc phân cấp, phân quyền thì thấy rất vướng, không làm được. Qua rà soát 257 luật thì có tới 177 luật quy định thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; 152 luật quy định thẩm quyền của Thủ tướng; 141 luật quy định rất cụ thể về thẩm quyền HĐND, UBND; 92 luật quy định rất cụ thể của thẩm quyền của tất cả cấp chính quyền.

"Thế thì làm sao chúng ta có thể thực hiện được nguyên tắc phân cấp, phân quyền và ủy quyền? Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi lần này phải là luật gốc, đưa ra nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ, tất cả luật chuyên ngành và văn bản quy phạm pháp luật phải đi theo nguyên tắc của luật này", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một nội dung đột phá khác được Bộ trưởng đề cập nhằm giải quyết các vướng mắc trong hàng trăm luật chuyên ngành, đó là biện pháp mang tính chất ủy quyền lập pháp.

"Đây là tư duy đột phá, cũng là quyết định sáng suốt của Quốc hội trong điều kiện lịch sử đặc biệt của đất nước. Nếu không làm như vậy, không thể giải quyết được mấy trăm luật chuyên ngành đang phân cấp, phân quyền rất cụ thể", Bộ trưởng Trà nhấn mạnh thêm đây là vấn đề rất mới, mang tính chất lịch sử, chưa từng có tiền lệ nhưng rất cần thiết, trong bối cảnh đặc biệt để đất nước cất cánh bước vào kỷ nguyên mới.

Thông tin cụ thể về quy định nguyên tắc tổ chức hoạt động của Chính phủ và phân định thẩm quyền, người đứng đầu cơ quan soạn thảo cho hay luật thiết kế nội dung rất mới nhằm làm rõ hơn vị trí, vai trò của Chính phủ trong mối quan hệ quyền lực của Chính phủ với Quốc hội, TAND Tối cao và VKSND Tối cao và cơ chế phối hợp, kiểm soát của Chính phủ với nền hành chính Nhà nước…

Quy định này đảm bảo quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phân cấp cũng như đảm bảo sự phối hợp và kiểm soát quyền lực.

Luật cũng minh định rõ về thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương, đảm bảo nguyên tắc rành mạch thẩm quyền, khắc phục tình trạng đẩy việc lên Chính phủ như hiện nay.

Liên quan quy định phân cấp, phân quyền và ủy quyền được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định đây là điều khoản mới, quan trọng, có tính cốt lõi, tạo hành lang pháp lý để tất cả các luật, văn bản dưới luật phải đi theo nguyên tắc này.

Dự thảo luật thiết kế đã đảm bảo tính bao trùm, khái quát tính pháp lý về phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo hiến định.

Khẳng định sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận, Bộ trưởng Nội vụ cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện để có dự án luật tốt nhất trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này.