1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề xuất bổ sung quyền được chuyển giới trong Bộ luật Dân sự

(Dân trí) - Nói về quan điểm cần bổ sung quyền được chuyển giới của cá nhân vào trong Bộ luật Dân sự vì trong thời gian qua ở Việt Nam đã xuất hiện nhu cầu này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 5/2015.

Báo cáo về những vấn đề lớn xin ý kiến UB Thường vụ để chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sáng nay, 23/12, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đề cập quan điểm mới về quyền nhân thân.

Bộ trưởng Tư pháp phân tích, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định về quyền nhân thân (từ Điều 24 đến Điều 51) theo cách thức liệt kê cụ thể các quyền nhân thân. Dự thảo Bộ luật quy định về quyền nhân thân (từ Điều 32 đến Điều 52), về cơ bản tiếp tục quy định các quyền nhân thân như trong Bộ luật hiện hành.

Tuy nhiên, dự thảo do Chính phủ xây dựng có sửa đổi và bổ sung một số quyền nhân thân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 (quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể, quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân...). Dự thảo Bộ luật đồng thời bổ sung một điều khoản chung về các quyền nhân thân khác theo quy định của luật (Điều 52) để bảo đảm hơn tính bao quát, dự báo của quy định về quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự.
Đề xuất bổ sung quyền được chuyển giới trong Bộ luật Dân sự

Ông Cường cho biết, vấn đề này hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Bộ luật Dân sự không nên quy định theo cách liệt kê tất cả các quyền nhân thân của cá nhân mà chỉ nên quy định những quyền nhân thân của cá nhân trong các quan hệ dân sự.

Theo loại ý kiến này, cần cân nhắc không quy định trong Bộ luật dân sự một số quyền nhân thân như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền lao động; quyền tự do kinh doanh; quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo...

Lý do đưa ra là, quyền con người, quyền công dân, trong đó có các quyền nhân thân đã được ghi nhận đầy đủ trong Hiến pháp với tư cách là đạo luật cơ bản, do đó, không cần thiết và không nên quy định lại trong Bộ luật Dân sự. Việc chỉ quy định trong Bộ luật Dân sự những quyền nhân thân của cá nhân trong các quan hệ dân sự là phù hợp với tính chất, phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự. Kinh nghiệm của một số nước cũng cho thấy, trong Bộ luật Dân sự thường chỉ quy định quyền nhân thân để xác định tư cách chủ thể trong quan hệ dân sự.

Ngược lại, loại ý kiến thứ hai nhất trí với quy định như trong dự thảo Bộ Tư pháp soạn thảo: các quyền nhân thân của cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên phải được ghi nhận đầy đủ và cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự.

Bộ trưởng Tư pháp lập luận, với vị trí là luật cơ bản của toàn bộ hệ thống pháp luật, các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân về nhân thân mang tính quy tắc về pháp lý - chính trị. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự với tư cách là luật chung của hệ thống luật tư quy định những chuẩn mực ứng xử, quyền, nghĩa vụ giữa các chủ thể bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự. Do đó, cần phải cụ thể hóa các quyền con người, quyền công dân về nhân thân được quy định trong Hiến pháp vào trong các quan hệ dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự.

Việc quy định cụ thể các quyền nhân thân là để tạo thuận lợi hơn cho việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn.

Ngoài ra, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng có ý kiến cho rằng, cần bổ sung quyền được chuyển giới của cá nhân vào trong Bộ luật dân sự vì trong thời gian qua ở Việt Nam đã xuất hiện nhu cầu này. Ngày càng có nhiều người đã thực hiện việc chuyển giới ở nước ngoài về nước, làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý, xã hội liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của những người này.

Về vấn đề này, ông Cường nhận định, việc nghiên cứu, xem xét giải quyết vấn đề thực tiễn này là cần thiết. Tuy nhiên, do đây là vấn đề lớn, phức tạp nên cần phải có thời gian để nghiên cứu một cách thấu đáo. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9.

Trước mắt, để quy định của Bộ luật dân sự có tính bao quát, tạo điều kiện thuận lợi cho pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể về những vấn đề liên quan, Điều 41 dự thảo Bộ luật về quyền xác định lại giới tính.

Ông Cường phân tích, thay vì quy định cụ thể các trường hợp được xác định lại giới tính, Bộ luật Dân sự hiện hành thì chỉ ghi nhận một nguyên tắc chung. Theo đó, cá nhân là người thành niên có quyền được xác định lại giới tính trong trường hợp luật quy định. Người đại diện theo pháp luật chỉ có quyền yêu cầu xác định lại giới tính của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong các trường hợp luật định. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của luật.

Tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vừa qua về việc sửa Bộ luật cũng thể hiện nhiều đề xuất bổ sung quyền bí mật gia đình, đặt vấn đề quy định về quyền được chết, bổ sung quy định giải quyết tranh chấp dân sự xảy ra đối với trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Một số quyền cụ thể như quyền về họ, tên (Điều 33), các đại biểu đề nghị quy định để quyền này không được ảnh hưởng đến lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc; đề nghị bổ sung quyền thay đổi họ tên, chữ đệm vào điều luật cho thống nhất.

Quyền xác định lại giới tính (Điều 41), nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định việc xác định lại giới tính trong trường hợp chuyển giới; quy định rõ người chưa thành niên, người thành niên có quyền xác định gới tính như thế nào…

P.Thảo