1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đề xuất Bộ Công an tăng cường chế tài xử phạt đối tượng trộm chó

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Công an cho biết đã và đang chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, kế hoạch ngăn ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi trộm chó.

Cử tri tỉnh Long An phản ánh, rất bức xúc trước nạn “trộm chó” xảy ra thường xuyên ở khu vực nông thôn. Các đối tượng trộm chó ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện. Vì thế cử tri đề nghị Chính phủ, Bộ Công an cần nghiên cứu, đề xuất tăng cường chế tài đủ sức răn đe đối với tội phạm này.

trom cho.jpg

Trộm chó gây bức xúc dư luận ở nhiều vùng quê (Ảnh: Trần Lê).

Trả lời cử tri mới đây, Bộ Công an khẳng định, đối tượng trộm chó hay đối tượng trộm cắp tài sản khác đều phải chịu trách nhiệm về hành vi gây ra, mức xử phạt nặng hay nhẹ tùy thuộc vào hành vi, tính chất, mức độ vi phạm được quy định tại Điều 173, Bộ luật Hình sự.

Theo đó, nếu đối tượng trộm chó hành vi manh động, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện được coi là tình tiết tăng nặng trong quá trình xem xét trách nhiệm hình sự, bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, vừa trừng trị, vừa răn đe, giáo dục, cải tạo, phòng ngừa.

Tuy nhiên, tiếp thu kiến nghị của cử tri tỉnh Long An, trong thực tế triển khai thi hành pháp luật, Bộ Công an cho biết sẽ phối hợp cơ quan tư pháp rà soát, đánh giá mức độ, hiệu quả của việc áp dụng chế tài xử phạt đối với các hành vi trộm cắp tài sản (trộm chó). Nếu chế tài xử phạt theo quy định hiện hành chưa đủ sức răn đe, giáo dục người vi phạm sẽ báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Để ngăn chặn tình trạng trộm chó, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, kế hoạch ngăn ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi trộm chó.

“Đề nghị cử tri và nhân dân khi phát hiện đối tượng trộm chó không được có hành vi xâm hại thân thể và báo ngay cơ quan chức năng gần nhất để kịp thời xử lý”- Bộ Công an cho hay.

Sẽ tăng cường đầu tư trang bị phương tiện vũ trang

“Hiện nay xảy ra nhiều trường hợp chống người thi hành công vụ tại các địa phương, vì vậy đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư trang bị phương tiện (vũ trang) hiện đại và tăng thẩm quyền trấn áp cho cán bộ trong quá trình thực thi công vụ nhằm góp phần hạn chế tình trạng này”- cử tri tỉnh Long An kiến nghị.

Giải đáp thắc mắc này, Bộ Công an cho biết, về thẩm quyền, đối tượng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được quy định cụ thể tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Hằng năm, để tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy và phòng, chống mua bán người, Chính phủ phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016 - 2020 cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó có phần kinh phí phục vụ trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng thi hành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, do hạn chế về ngân sách nên kinh phí, phương tiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Công an sẽ báo cáo Chính phủ, Ban Bí thư chủ trương tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trương tổng kết đánh giá các Chương trình phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời đề xuất xây dựng Chương trình và kinh phí cho giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó có vấn đề tăng cường nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho công tác phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm chống người thi hành công vụ nói riêng đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đề xuất Bộ Công an tăng cường chế tài xử phạt đối tượng trộm chó - 2

Lực lượng công an xã phối hợp tuần tra, kiểm soát vi phạm giao thông.

Ngoài ra, trả lời cử tri tỉnh Bình Thuận xung quanh đề xuất “cho phép công an cấp xã được tham gia tuần tra an toàn giao thông trên địa bàn xã để đảm bảo an toàn giao thông”, Bộ Công an dẫn ra quy định tại Điều 8 Nghị định số 27/2010 của Chính phủ và Thông tư số 47/2011/TT-BCA của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 27/2010.

Theo đó, trong một số trường hợp cần thiết, lực lượng cảnh sát khác và công an xã sẽ được huy động để phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông.

“Như vậy, việc tham gia tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn gia thông của công an cấp xã đã được pháp luật quy định, việc huy động lực lượng công an cấp xã ở địa phương tham gia thuộc thẩm quyền của Giám đốc, Trưởng Công an quận huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”- Bộ Công an nêu rõ.