1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Giảm 500.000 người khi sáp nhập bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã

Thế Kha

(Dân trí) - “Việc sắp xếp thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách bám sát chủ trương không tăng biên chế, không tăng ngân sách và không ảnh hưởng đến các hoạt động khác”.

Giảm 500.000 người khi sáp nhập bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã - 1

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại cuộc họp thẩm định dự án luật (Ảnh: Bộ Tư pháp).

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, tại cuộc họp thẩm định dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vừa diễn ra, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định việc nghiên cứu xây dựng luật là cần thiết, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đủ mạnh để tiếp tục tập hợp, huy động, huấn luyện, sử dụng các lực lượng quần chúng tham gia phối hợp với lực lượng công an chính quy.

“Việc sắp xếp thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách bám sát chủ trương không tăng biên chế, không tăng ngân sách và không ảnh hưởng đến các hoạt động khác”- ông Ngọc nhấn mạnh.

Tính toán của Bộ Công an cho thấy, nếu sắp xếp thống nhất 3 lực lượng nêu trên sẽ cắt giảm được khoảng gần 500.000 người, đồng nghĩa với việc cắt giảm chi phí ngân sách chi trả hàng năm.

Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Bộ Công an - cơ quan chủ trì soạn thảo, cân nhắc làm rõ quan điểm công an xã chính quy là lực lượng nòng cốt, còn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chỉ là lực lượng hỗ trợ. Đồng thời, cần bổ sung các quy định về thi đua khen thưởng, xử lý vi phạm đối với lực lượng này.

Giảm 500.000 người khi sáp nhập bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã - 2

Lực lượng bảo vệ dân phố phối hợp cùng công an phường kiểm tra vi phạm lòng lề đường ở Hà Nội (Ảnh minh họa: An ninh Thủ đô).

Trong khi đó, đại diện Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) đề nghị quy định rõ trách nhiệm của trưởng công an xã trong việc chịu trách nhiệm trước cấp ủy chính quyền địa phương.

“Ở nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nếu không quy định rõ trách nhiệm của Trưởng Công an xã thì dễ dẫn đến tình trạng “đánh trống ghi tên” để hưởng chế độ mà không lựa chọn được người đáp ứng tiêu chuẩn để tham gia vào lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở”- vị đại diện Cục Tác chiến phân tích.

Một số ý kiến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tiêu chuẩn chung đối với lực lượng này sau khi được thống nhất từ 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách; làm rõ mối quan hệ với công an chính quy, xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan, tổ chức liên quan…

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị Bộ Công an làm nổi bật hơn nữa mục tiêu của dự án luật là xây dựng lực lượng hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng công an chính quy, qua đó củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ngay từ cơ sở.

Tiếp tục rà soát các quy định liên quan như Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dân quân tự vệ… để đảm bảo đồng bộ, không trùng lặp nhiệm vụ. Định lượng được nguồn tài chính tổng thể và chế độ bồi dưỡng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, cũng như nghiên cứu các vấn đề sẽ phát sinh như tiêu chí tuyển chọn, các thủ tục để hưởng chế độ, bồi dưỡng…