1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Để phá được lô cốt trên Đồi C2, hai đồng đội đã ngã xuống ngay trước mặt tôi...

(Dân trí) - Chứng kiến hai đồng đội hi sinh khi ôm bộc phá lên đánh lô cốt, lợi dụng địch tạm ngừng bắn để thay băng đạn, Nguyễn Văn Thạch ôm bộc phá tiếp cận mục tiêu. Giật nụ xòe, châm lửa, ông chỉ kịp lùi ra, nằm dán xuống đất để tránh sức ép của vụ nổ. Được lệnh lui về phía sau nhưng người lính trẻ vẫn kiên quyết xông lên, chiến đấu trả thù cho đồng đội.

Gặp mặt các chiến sĩ Điện Biên Phủ sau 65 năm ngày chiến thắng

Tháng 12/1953, vừa tròn 17 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Thạch (xã Hùng Tiến, Nam Đàn, Nghệ An) tình nguyện lên đường nhập ngũ, biên chế vào Đại đội 38, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Cuối tháng 4/1954, đơn vị ông có mặt ở Điện Biên Phủ.

Để phá được lô cốt trên Đồi C2, hai đồng đội đã ngã xuống ngay trước mặt tôi... - 1
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thạch ôn lại cuộc chiến đấu trên đồi C2, nhân kỉ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

“Khi chúng tôi có mặt ở Điện Biên, chiến dịch đã bước vào giai đoạn ác liệt. Dọc đường đi, dân công hỏa tuyến ùn ùn gồng gánh, tải lương thực, vũ khí… vượt rừng lên Điện Biên. Đêm, công binh, dân công thắp đuốc sáng rực cả rừng để mở đường. Cái không khí khẩn trương ấy khiến chúng tôi thêm tin tưởng về ngày thắng lợi sắp đến gần”, ông Thạch hồi tưởng.

Trung đoàn 98 được lệnh đánh lô cốt của địch trên đồi C2 - là một trong những cao điểm phía Đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bức bình phong che chắn hữu hiệu cho phân khu trung tâm phía dưới lòng chảo Mường Thanh, nơi có cơ quan đầu não của địch và sân bay Mường Thanh. Từ lô cốt nhìn ra có thể bao quát được tình hình bên ngoài. Với hỏa lực mạnh, địch tiêu diệt bất kỳ mối đe dọa nào đối với điểm trọng yếu trong tuyến phòng thủ phía Đông sở chỉ huy.

Mọi công tác chuẩn bị được gấp gáp thực hiện. Các phương án tiêu diệt lô cốt này để phá vỡ phòng tuyến phía Đông sở chỉ huy của Tướng Đờ Cát được luyện tập nhuần nhuyễn trên sa bàn. Chiếm được cứ điểm này sẽ tạo thuận lợi cho các mũi tấn công của quân ta vượt cầu Mường Thanh, tiến thẳng vào trung tâm chỉ huy của địch.

Để phá được lô cốt trên Đồi C2, hai đồng đội đã ngã xuống ngay trước mặt tôi... - 2
17 tuổi, ông Nguyễn Văn Thạch có mặt trong đoàn quân giải phóng Điện Biên, chứng kiến những người đồng đội hi sinh trong khi đánh lô cốt, chiếm lĩnh cao điểm Đồi C2.

Tối 6/5/1954, tiểu đội ông Thạch nhận nhiệm vụ ôm bộc phá, phá hủy, tiêu diệt lô cốt trên Đồi C2. Tiểu đội do đồng chí Cao Văn Bằng (người Cao Bằng) chỉ huy, trực tiếp ôm bộc phá tiếp cận lô cốt, đồng chí Lê Văn Hậu (người Hưng Nguyên, Nghệ An) và Nguyễn Văn Thạch chịu trách nhiệm yểm hộ.

Vượt qua hệ thống dây thép gai dày đặc, bãi mìn và lưới lửa đạn của địch, ba người tiến gần hơn đến lô cốt. “Tiểu đội trưởng Cao Văn Bằng trúng đạn khi đang tiếp cận lô cốt, hi sinh. Đồng chí Lê Văn Hậu cầm lấy gói bộc phá, trườn lên. Một vệt đạn tuôn xối xả, anh Hậu gục xuống. Lúc này, tôi nhận nhiệm vụ phá lô cốt địch.

Lợi dụng địch tạm ngừng bắn để thay băng đạn, tôi trườn thật nhanh. Gói bộc phá được đặt áp sát bờ tường lô cốt, tôi giật nụ xòe, châm lửa theo đúng kỹ thuật đã được học rồi bò lùi về phía sau. Chỉ kịp úp mặt và ép toàn bộ thân mình xuống sát đất, một tiếng nổ lớn, lô cốt bị sập…”, ông Thạch kể.

Để phá được lô cốt trên Đồi C2, hai đồng đội đã ngã xuống ngay trước mặt tôi... - 3
Từ Đồi C2 - một trong những cao điểm phía Đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, có thể nhìn bao quát và che chắn hữu hiệu cho phân khu trung tâm phía dưới lòng chảo Mường Thanh (ảnh tư liệu).

Từ phía sau, quân ta ào lên chiếm lĩnh cao điểm. Được lệnh lui về phía sau sau khi chịu sức ép từ vụ nổ nhưng Nguyễn Văn Thạch vẫn kiên quyết cùng đồng đội xông lên, tiêu diệt địch, trả thù cho đồng đội. Một cuộc chiến trong thế giằng co diễn ra suốt đêm. Sáng 7/5/1954, địch tập trung lực lượng, hỏa lực nhằm đánh bật Trung đoàn 98 ra khỏi cứ điểm nhưng với sự yểm trợ của các đơn vị bạn, Trung đoàn 98 đã đánh bật từng đợt phản kích của địch.

Trưa 7/5/1954, từ Đồi C2 nhìn xuống sân bay Mường Thanh, lác đác những chiếc cờ trắng được làm từ vải dù cắt ra, đi lên từ các hầm ngầm. “Có thể địch nghi binh, chúng ta không được chủ quan”, chỉ huy đơn vị ra lệnh.

Để phá được lô cốt trên Đồi C2, hai đồng đội đã ngã xuống ngay trước mặt tôi... - 4
Ông Thạch gặp lại đồng đội trên chiến trường Điện Biên năm xưa.

“Làm tất cả để đánh trận cuối cùng nhưng chúng tôi không nghĩ cục diện chiến dịch lại thay đổi nhanh chóng đến như thế. Đến trưa rồi sang chiều, cờ xin hàng của lính Pháp đã phủ trắng sân bay Mường Thanh. Chúng tôi vẫn giữ vững ý chí chiến đấu, không chủ quan với địch. Đến cuối chiều, Ban Chỉ huy Chiến dịch thông báo Tướng Đờ Cát xin hàng và bị bắt sống, chiến dịch hoàn toàn thắng lợi. Không thể nói hết niềm vui, niềm hạnh phúc của chúng tôi lúc bấy giờ…”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thạch chia sẻ.

Hết chiến tranh chống Pháp, ông tiếp tục tham gia cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, chiến đấu ở chiến trường ác liệt Trị - Thiên Huế. 37 năm chiến đấu, cống hiến trong quân ngũ, năm 1990 ông Nguyễn Văn Thạch nghỉ hưu, về địa phương. Người lính đã kinh qua những trận đánh sinh tử vẫn không chịu nghỉ ngơi, ông hoạt động năng nổ trong công tác đoàn thể tại địa phương và thường xuyên tham gia các buổi nói chuyện lịch sử với thế hệ trẻ.

Với ông, tuổi 17, đã sống và chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là ký ức đẹp đẽ nhất…

Hoàng Lam