(Dân trí) - Nhắc đến nghề đánh lư đồng dịp tết ở Sài Gòn, ít ai không biết đến ông Trần Thành Tiến. Với hơn 20 năm kinh nghiệm và những kỹ xảo đánh bóng lư đồng, ông Tiến luôn được hàng trăm người dân tin tưởng giao cho nhiều bộ lư quý dịp cuối năm.
Theo truyền thống dân tộc Việt Nam, ngày Tết không chỉ mang ý nghĩa sum họp gia đình mà đây còn là dịp để tưởng nhớ những người thân đã khuất. Mỗi dịp Tết các gia đình đều chuẩn bị một bàn thờ gia tiên với đầy đủ những món ăn truyền thống đầy ý nghĩa. Ngoài đồ ăn, trên bàn thờ không thể thiếu bộ lư đồng để phục vụ việc thờ cúng. Do vậy, lư đồng có ý nghĩa quan trọng dịp Tết và là phong tục truyền đời của người Việt.
Từ xưa, các bộ lư đồng để trên bàn thờ luôn được điêu khắc một cách hết sức tỉ mỉ và công phu. Theo các nghệ nhân chế tác đồng, lư là một trong những sản phẩm đòi hỏi một người nghệ nhân cao tay và lương thiện.
Nếu so với các sản phẩm đồng khác, khi bị lỗi thì dễ dàng hàn, đánh bóng để sửa chữa thì việc sửa lư khó gấp nhiều lần. Người làm lư cũng cần có cái tâm vì lư được xem là một trong những sảm phẩm mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Ngày xưa, mọi sản phẩm lư đều được chế tác thủ công nên tinh xảo và độc đáo hơn bây giờ.
Đặc tính của đồng dễ bị phai màu, xỉn màu theo thời gian nên người dân hàng năm đều phải đánh bóng lại bộ lư của mình. Việc đánh bóng lư đồng cũng cần phải có kinh nghiệm, nếu không đồng dễ bị phai màu, hư hỏng lư và từ đó nghề đánh lư đồng ra đời.
Ở Sài Gòn nghề đánh lư đồng một thời cũng từng là nghề thu hút hàng trăm nghệ nhân tham gia nhưng giờ cũng còn khá ít người giữ nghề. Một trong số đó là ông Trần Thành Tiến (61 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM). Ông Tiến cho biết làm nghề đánh bóng lư đồng không chỉ mưu sinh mà nó còn là cái nghiệp, cái đam mê.
Việc ông Tiến đến với nghề đánh lư đồng cũng khá bất ngờ và ít ai trong gia đình nghĩ ông sẽ theo nghề này hơn 20 năm qua. Thời điểm đó, trong một lần cùng gia đình mang lư đồng để đánh bóng, ông đứng xem và thấy thích thú với việc đánh lư nên quyết tâm theo học. Trải qua gần 1 năm và gần chục bộ lư đồng bị hư do lỗi đánh bóng, ông Tiến đã thành thạo nghề đánh bóng và theo đuổi đến bây giờ.
Thời điểm đó, rất ít người đánh bóng lư đồng nhưng chưa ai biết ông nên cửa hàng của ông lúc nào cũng vắng khách. Thời gian trôi qua, khoảng 3 năm sau thì cửa hàng ông đông kín khách đặt đánh bóng lư đồng vì ông có kỹ thuật đánh lư khá đẹp mặt, ít nơi nào làm được. Nhờ vậy, ông nổi tiếng trong giới đánh lư đồng và nhiều người gọi ông là người có bàn tay "phù thủy", đụng tới đâu đẹp tới đó.
Mỗi dịp cuối năm, ông Tiến thường mở cửa hàng tại đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1) để đánh bóng lư đồng. Ông bắt đầu công việc dịp Tết vào khoảng đầu tháng Chạp và kết thúc vào trước đêm giao thừa với hàng trăm bộ lư và thu nhập hàng trăm triệu đồng.
"Kiếm tiền thì ai cũng ham vì giờ làm một ngày bằng 10 ngày bình thường nhưng không phải vì tham tiền mà làm ẩu, làm lấy số lượng, lư là một vật phẩm thiêng liêng nên phải cẩn trọng trong từng bước đánh bóng", ông Tiến nhấn mạnh.
Một bộ lư đồng trước khi được giao cho khách thường trải qua 4 công đoạn. Đầu tiên là rửa sạch bụi nhang, phơi khô rồi mới cà máy để đánh bật vết xỉn màu. Tiếp đó mới chà mạnh bằng bột tẩy và phơi khô. Công đoạn nào cũng cần phải có kinh nghiệm và kỹ xảo riêng để lư đồng có độ bền sau khi được đánh bóng.
Theo ông Tiến, lư đồng không chỉ phục vụ nhu cầu thờ cúng mà nó còn có giá trị tinh thần rất lớn. Nhiều gia đình truyền nhau một bộ lư đồng từ đời này qua đời khác. Nhiều bộ lư đồng có giá trị hàng trăm triệu nên phải trân quý lư khi đánh bóng. "Nếu mình không yêu lư của khách như lư của mình thì khó giữ nghề này", ông Tiến nói thêm.
Cũng theo ông Tiến, nghề đánh bóng lư đồng dễ dàng kiếm thêm thu nhập nhưng cũng nhiều may rủi. Mặt khác, việc dùng tay tiếp xúc với nhiều bột tẩy rửa khi đánh lư cũng dễ bị ăn da tay hoặc gây hại cho phổi khi hít phải. Nhiều người thắc mắc sao ông không mang bao tay khi đánh bóng lư thì ông chỉ trả lời ngắn gọn "mang bao thì làm không kỹ, không đẹp".
Phạm Nguyễn - Xuân Hinh