(Dân trí) - Cách đây hơn 100 năm, 30 nghệ nhân đồng từ khắp nơi quy tụ về phường 12 quận Gò Vấp thành lập làng lư đồng An Hội với 30 cơ sở. Trải qua thăng trầm, nay chỉ còn 5 cơ sở hoạt động và xuất xưởng khoảng 1000 bộ lư đồng các loại mỗi tháng. Dịp Tết, số lượng lư đồng được bán ra dao động từ 3000 - 4000 bộ.
Tìm đến làng nghề lư đồng An Hội dịp cuối năm, không khí ở đây nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. Ngay từ đầu con hẻm nhỏ đường Phan Huy Ích (phường 12, quận Gò Vấp) đã nghe thấy những tiếng đục đẽo, chạm trổ đồng từ các lò đúc lư đồng phát ra. Để kịp cho những chuyến hàng Tết, các cơ sở lư đồng đều phải thuê thêm từ 5 - 10 thợ tích cực làm đêm ngày.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Thắng (chủ cơ sở lư đồng Hai Thắng) cho biết ông đã theo nghề hơn 50 năm. Nghề lư đồng An Hội được hơn 100 năm với nghệ nhân khai sáng là ông Trần Văn Kỉnh. Ông Kỉnh sau này truyền lại cho bà con trong xóm để phát triển và mở rộng nghề lư đồng. Các sản phẩm nổi tiếng ông Kỉnh truyền lại là lư đồng, chảo đồng, tượng phật, đồ tam khí, siêu đao….
"Ngày xưa hơn 30 cơ sở, già trẻ lớn bé gì cũng đều làm nghề đồng hết. Lúc đó, nghề này là nghề tạo ra công ăn việc làm lớn nhất cho người dân nơi đây. Đứa trẻ tầm 7,8 tuổi đã thuộc hết các công đoạn của nghề đúc đồng. Cả xóm lúc nào cũng vui nhộn trong tiếng chạm trổ, tiếng leng keng của đồng. Sau này, nhiều người chuyển nghề nhưng tôi vẫn kiên quyết giữ nghề cha ông để lại", ông Thắng chia sẻ.
Hiện, ông Thắng do tuổi cao nên không còn thường xuyên tham gia vào việc đúc lư đồng. Ông giao lại cơ sở cho con trai Trần Quốc Thái lo các công việc kỹ thuật, ông quản lý chung và hướng dẫn các nghệ nhân những kỹ thuật chạm trổ. Anh Thái là 1 trong 7 người con ông Thắng chọn để truyền nghề với mong muốn nghề cha ông sẽ được lưu truyền mãi.
"Để làm ra một bộ lư đồng hoàn chỉnh cần trải qua 12 công đoạn: Tạo khuôn, bịt sáp, bít khuôn, bít đất, cố định khuôn, nung khuôn, nấu đồng, đồ khuôn, làm sạch khuôn, hàn, điêu khắc và đánh bóng.
Trong đó, khâu quan trọng nhất là nung khuôn, nấu đồng vì nếu khuôn không chuẩn thì lư đồng sẽ bị hư khuôn, nung đồng thừa lửa hay thiếu lửa khi đồng khô sẽ bị nứt lư. Việc pha trộn nhôm và kẽm cũng cần theo tỉ lệ 1 tấn đồng, 30kg kẽm và 2kg nhôm", ông Trần Quốc Thái nhấn mạnh.
Ông Thái là nghệ nhân đúc lư đồng đời thứ 4 của dòng họ. Từ nhỏ ông Thái đã mê nghề cha ông nên 15 tuổi được cha truyền lại đủ mọi kỹ thuật để trở thành một nghệ nhân giỏi. Đến nay, ông Thái đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề, dù vất vả nhưng ông vẫn giữ mãi đam mê với đồng như thời xưa bé.
"Từ nhỏ tôi đã được cha chỉ dạy cho biết nghề lư đồng là nghề của tổ tiên để lại nên tôi rất yêu mến nghề này. Tôi tìm tòi thêm để học hỏi sao trở thành người có tay nghề giỏi để giữ vững nghề của cha. Hiện, nhắm mắt tôi cũng có thể làm được từng động tác của tất cả các bước để làm ra một chiếc lư đồng. Nghề này cực nhọc, vất vả lắm, không đam mê thì không trụ nổi", ông Thái chia sẻ thêm.
Theo ông Thái, ngày xưa khi còn nhiều cơ sở đúc đồng thì mỗi cơ sở chỉ làm được khoảng 20 - 30 bộ lư đồng/tháng. Tuy vậy, đến nay 5 cơ sở còn lại đều làm từ 200 - 300 bộ lư đồng để đưa ra thị trường với 7 chủng loại khác nhau.
Tùy theo kích cỡ, độ tinh xảo mà một bộ lư đồng có giá từ 1.5 triệu đồng - 80 triệu đồng. Hiện cơ sở của gia đình ông mỗi tháng sử dụng hết hơn 2 tấn đồng, tạo thu nhập cho gần 20 công nhân từ 10 - 30 triệu đồng.
Những tháng cuối năm, cơ sở của gia đình ông cho ra đời khoảng 800 - 900 bộ lư đồng. Tổng số lượng lư đồng làng An Hội đưa ra thị trường dịp cuối năm dao động từ 3000 - 4000 bộ/tháng.
Phụ trách công đoạn điêu khắc, đánh bóng tại cơ sở lư đồng Hai Thắng, ông Trần Hoàng Nghĩa cho biết mỗi dịp Tết các nghệ nhân "làm mỏi tay không hết việc". Đây là thời gian mà các nghệ nhân cơ cực nhất nhưng ai cũng vui vì sản phẩm truyền thống vẫn còn được ưa chuộng. Mặt khác, đây cũng là dịp các nghệ nhân có thêm thu nhập để chăm lo Tết cho gia đình đầy đủ hơn.
"Hơn 30 năm làm nghề rồi, công đoạn này quyết định đến vẻ đẹp của bộ lư đồng nên các nghệ nhân phải có kỹ thuật điêu luyện, đôi tay mềm và khối óc sáng tạo. Để học được các kỹ năng điêu khắc trên đồng, các nghệ nhân phải trải qua ít nhất 3 - 5 năm trong nghề. Dịp Tết mình làm tăng ca từ sáng tới đêm, làm mệt thì nghỉ rồi làm tiếp. Mỗi ngày nghệ nhân phải điêu khắc khoảng 20 bộ. Dù làm nhiều nhưng đôi tay lúc nào cũng phải chính xác, đánh búa đều để các đường nét không bị méo", ông Nghĩa chia sẻ.
Theo chia sẻ của các nghệ nhân, hiện lư đồng An Hội có 2 loại chính: loại lư Bắc có dáng tròn trĩnh hoặc bầu dẹp, lư Nam dáng vuông. Loại hàng chợ, giá thường từ 1.5 triệu đồng đến 5 triệu đồng/bộ và loại hàng đặt, giá dao động từ 5 đến 80 triệu đồng/bộ, tùy theo kích cỡ, độ tinh xảo, kỳ công của các họa tiết rồng phụng, trúc mai, song long hay phúc lộc thọ...