1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đại biểu Quốc hội:

Đề nghị bổ sung tội cố ý làm trái trong bổ nhiệm cán bộ

(Dân trí) - Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 26/10, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị bổ sung tội cố ý làm trái quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức sau hàng loạt vụ việc lùm xùm gần đây, mà điển hình nhất là vụ Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Đại biểu Thái Trường Giang (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Thái Trường Giang (Ảnh: Quochoi.vn)

Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thái Trường Giang cho rằng, dư luận đang rất bức xúc trước việc lạm dụng quyền lực, cố ý làm trái quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ trong thời gian vừa qua. Trong đó, sự việc ông Trịnh Xuân Thanh lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) gây thua lỗ lớn gần 3.300 tỷ đồng nhưng vẫn được luân chuyển, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn ở Bộ Công Thương và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã gây ra hậu quả nghiêm trọng và đang được các cơ quan chức năng xử lý.

“Mặc dù trong Bộ luật Hình sự đã quy định một số tội liên quan đến lạm dụng chức vụ trong quản lý nhưng chưa có điều khoản nào quy định về tội cố ý làm trái các quy định về tuyển dụng công chức, cán bộ. Để kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, tôi đề nghị bổ sung tội danh cố ý làm trái quy định về tuyển dụng cán bộ, công chức nhằm răn đe, trừng trị đối với nhóm hành vi nguy hiểm này”- ông Giang đề xuất.

Ngoài ra, vị ĐBQH tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm tới nhóm tội phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Vấn đề thực phẩm bẩn gây bức xúc toàn xã hội. Hành vi vi phạm trong lĩnh vực này nguy hiểm, xâm phạm tới tính mạng và sức khỏe của người nhiều người, mà sức khỏe là vô giá không thể mua được bằng tiền. Hành vi trong lĩnh vực này còn ảnh hưởng tới thể chất, trí tuệ của người Việt Nam nên chúng ta cần phải tuyên chiến với nó, tăng hình phạt tù lên chung thân, thậm chí tử hình với tội này, chứ hiện nay dự thảo mới đề xuất mức phạt tù cao nhất 20 năm thôi”- ông Giang thẳng thắn.

Trong khi đó, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) đánh giá, sở dĩ đến nay quan điểm thảo luận của các đại biểu còn rất nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều vì quan điểm sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015 không rõ ràng, chưa xuyên suốt và nhất quán.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) khẳng định, đây là một bộ luật cực kỳ quan trọng và đặc biệt ở chỗ chỉ cần sai một dấu chấm, dấu phẩy thôi cũng có thể không áp dụng được hoặc gây hậu quả khôn lường. “Chính vì thế quan điểm của tôi là sửa những điểm sai về kỹ thuật, hành văn, những điểm bất hợp lý mà không sửa sẽ có hại cho đất nước”- ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, việc thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo luật này chưa đủ, mà cần phải có những cuộc thảo luận rất chuyên sâu, với sự tham gia góp ý của các chuyên gia tư pháp, điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư dày dạn kinh nghiệm.

Kết thúc cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, đây là bộ luật lớn, quan trọng và là công cụ đấu tranh chống tội phạm cũng như liên quan trực tiếp tới quyền con người nên được đại biểu Quốc hội quan tâm, yêu cầu làm thận trọng.

“Rất nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Quốc hội sẽ giao cho cơ quan thẩm tra, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan liên quan nghiên cứu đầy đủ ý kiến của đại biểu để tiếp thu, chỉnh lý, xây dựng lại dự án luật này. Chúng tôi sẽ đề nghị tổ chức những hội nghị, hội thảo chuyên đề, mời các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức đại biểu Quốc hội chuyên trách, lấy ý kiến các cơ quan, địa phương, đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trình thông qua vào kỳ họp thứ 3, để đáp ứng yêu cầu và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật”- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thế Kha

.