1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng Công an đề nghị giữ nguyên đối tượng cảnh vệ

(Dân trí) - Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung, thay đổi một số đối tượng cảnh vệ trong dự thảo Luật Cảnh vệ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, trong điều kiện ổn định về chính trị hiện nay thì trước mắt chưa nên bổ sung hoặc thay đổi.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải đáp băn khoăn của đại biểu Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải đáp băn khoăn của đại biểu Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt ban soạn thảo, chiều 21/11, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an đã tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo Luật Cảnh vệ.

Theo dự thảo luật, đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Cụ thể là Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng.

“Một số đại biểu có đề nghị bổ sung, thay đổi một số đối tượng nhưng ban soạn thảo thấy rằng trong điều kiện ổn định về chính trị hiện nay của đất nước, trước mắt chưa nên bổ sung hoặc thay đổi như ý kiến đại biểu. Đề xuất này cũng đã được tổng kết thực tiễn trước khi xây dựng dự thảo luật. Trong trường hợp nếu cần bổ sung, thay đổi đối tượng cảnh vệ sẽ thực hiện theo khoản 5 điều 10 dự thảo luật (căn cứ vào yêu cầu chính trị, an ninh trong từng giai đoạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh hoặc bổ sung đối tượng cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ đối với các đối tượng- PV)”- ông Lâm nói.

Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung một số mục tiêu cơ quan cấp tỉnh nằm trong phạm vi của đối tượng cảnh vệ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc bảo vệ trụ sở các cơ quan này đã được lực lượng cảnh sát bảo vệ hoặc các lực lượng chuyên trách khác đảm nhiệm. Đây cũng là mục tiêu quan trọng nhưng không phải đối tượng cảnh vệ, không phải mục tiêu cảnh vệ.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc mục tiêu cảnh vệ ở một số khu vực trọng yếu như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Quảng trưởng Ba Đình, đài tưởng niệm... Tuy nhiên, ông Lâm khẳng định: “Đây là nơi người dân có thể đến tham quan, là những khu vực có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, trung tâm chính trị - văn hóa Ba Đình là mục tiêu đối tượng xấu thường tìm cách xâm phạm nhằm gây bất ổn về an ninh quốc gia và trên thực tế các địa điểm này đã được triển khai thực hiện hoặc phối hợp thục hiện công tác cảnh vệ theo Pháp lệnh chứ không phải như ý kiến một số đại biểu nói rằng nếu quy định như vậy sẽ không có lực lượng đảm nhiệm. Thực tế đây là đối tượng cảnh vệ đã được triển khai. Vì vậy, thừa kế quy định của Pháp lệnh Cảnh vệ, đề nghị tiếp tục quy định những khu vực này là đối tượng cảnh vệ”.

Đối với ý kiến đề nghị bỏ khoản 5 điều 10 của dự thảo về việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, ban soạn thảo thấy rằng trong điều kiện nhất định, khi tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có thay đổi, làm xuất hiện yêu cầu phải có những biện pháp cảnh vệ với những đối tượng nhất định mà Luật Cảnh vệ chưa quy định thì cần kịp thời báo cáo để bổ sung nên đề nghị nên giữ nguyên.

Đề nghị giữ nguyên phụ cấp đặc thù

Theo Thượng tướng Tô Lâm, thực tiễn công tác cảnh vệ mang tính đặc thù chuyên biệt, luôn phải chủ động thực hiện nhiệm vụ độc lập, thường xuyên phải làm việc ngoài giờ, không kể ngày đêm với nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe, thậm chí hi sinh cả tính mạng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, nên để động viên cán bộ chiên sỹ cảnh vệ, pháp luật đã quy định được hưởng phụ cấp ưu đãi.

“Để phù hợp thực tiễn và kế thừa quy định của pháp luật, đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định về phụ cấp đặc thù như dự thảo luật”- ông nói.

Thế Kha