1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ trưởng Nội vụ: Kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, khó vẫn phải làm!

(Dân trí) - Nói về việc xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: “Đây là vấn đề khó, vấn đề mới nhưng chúng ta cũng phải tạo cơ sở hành lang pháp lý để xử lý những trường hợp sai phạm sau này. Không phải sai phạm rồi nghỉ hưu là hạ cánh an toàn”.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu tập trung làm rõ các vấn đề tinh giản biên chế, thực hiện đề án vị trí việc làm; giải pháp cải cách tiền lương; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật công vụ; đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ...


Đại biểu Hoàng Thanh Tùng đặt câu hỏi về việc xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng đặt câu hỏi về việc xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) nhắc lại, ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương - vừa bị kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011 - 2016. Sau đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm việc với các đơn vị liên quan để thống nhất quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng.


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân (Ảnh: Quochoi.vn)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân (Ảnh: Quochoi.vn)

“Với tư cách là người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ về công tác quản lý, xử lý cán bộ công chức có vi phạm, đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về hình thức xử lý về mặt nhà nước đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, bảo đảm kịp thời nghiêm minh đúng quy định của pháp luật”, đại biểu Hoàng Thanh Tùng nói.

Đại biểu cũng lưu ý Bộ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý đây là trường hợp đặc biệt vì ông Vũ Huy Hoàng đã được Quốc hội khóa 13 miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng từ thừng 4/2016. Do đó, hiện nay ông Hoàng không còn là cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định có liên quan.

Trả lời ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, về mặt Nhà nước, Ban Bí thư giao Ban cán sự Đảng Chính phủ và các cơ quan phối hợp xử lý. Đây là vấn đề khó chưa từng có trong tiền lệ nên Bộ Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan để nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý.

“Điều này chứng tỏ quyết tâm chính trị đối với những người đang công tác hoặc nghỉ hưu nếu có sai phạm chúng ta vẫn phải có hình thức xử lý, chứ không phải sai phạm rồi nghỉ hưu là hạ cánh an toàn”, ông Tân nói.

Theo Bộ trưởng, nguyên tắc đó cũng là để cánh báo những người đang đương chức khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình phải nghiêm chỉnh thực hiện cho đúng chứ không phải nghĩ về hưu là hết trách nhiệm đối với Đảng và Nhà nước.

“Đây là vấn đề khó, vấn đề mới nhưng chúng ta cũng phải tạo cơ sở hành lang pháp lý để xử lý những trường hợp sai phạm sau này”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhắc lại.

Có hiện tượng bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) cho rằng, số tiền ngân sách chi thường xuyên cho bộ máy hành chính của nước ta đang quá lớn, điều này phản ánh bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ có giải pháp để nâng cao chất lượng công chức, viên chức.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nêu câu hỏi, việc bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình là rất đúng, tuy nhiên thời gian qua vấn đề này đã bị lợi dụng, là “bà đỡ” cho việc chọn người nhà chứ không chọn người tài. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, giải pháp nào để giải quyết vấn đề trên?

Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) chất vấn tình trạng bổ nhiệm cán bộ ồ ạt ở một số bộ ngành, địa phương. Bà Nga "truy" có hay không tình trạng bổ nhiệm cán bộ ồ ạt cuối nhiệm kỳ?


Đại biểu Lê Thị Nga đặt hàng loạt câu hỏi về vấn đề bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Lê Thị Nga đặt hàng loạt câu hỏi về vấn đề bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ. (Ảnh: Quochoi.vn)

“Có hay không tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ, trong đó có người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện? Trách nhiệm của Bộ và cách khắc phục? Vì sao sau 4 tháng chưa có kết quả thanh tra kiểm tra theo yêu cầu của Thủ tướng?”, đại biểu Lê Thị Nga nêu hàng loạt câu hỏi.

Làm rõ vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 15/9 và 31/10, Bộ Nội vụ đã có hai báo cáo về tình hình bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ. Thời gian tổng hợp báo cáo từ giữa năm 2015 đến nay. Bộ Nội vụ cũng đã có văn bản yêu cầu địa phương báo cáo nên giờ này Bộ đang tổng hợp ý kiến bộ ngành, địa phương và sẽ báo cáo Quốc hội.

Ông Lê Vĩnh Tân cho biết, theo báo cáo sơ bộ thì có hiện tượng bổ nhiệm nhiều ở cuối nhiệm kỳ, nhưng cần phân tích việc bổ nhiệm lại, bổ nhiệm đúng quy hoạch... “Điều này cần thanh tra một số nơi, cần thiết phải thanh tra công vụ. Chúng tôi sẽ có thanh tra công vụ cụ thể và có thông tin báo cáo đại biểu thời gian tới”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân giải thích.

Công chức đánh người phải bị loại ngay khỏi bộ máy nhà nước

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ "hai câu hỏi dễ". Đại biểu phản án tình trạng hàng loạt cán bộ, công chức, viên chức đánh người trong thời gian gần đây.

“Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu số cán bộ, công chức, viên chức bây giờ còn có phải là công bộc của người dân nữa không? Với tư cách đại diện cơ quan nhà nước, nơi có trách nhiệm hướng dẫn người dân thực hiện đúng nghĩa vụ của công dân, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật. Cán bộ, công chức, viên chức lẽ nào hành xử thiếu văn hóa, thậm chí côn đồ, xem thường quy định pháp luật?”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương điều đó thực sự đáng báo động trong quy trình tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Đại biểu Cương đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết ý kiến, liệu chúng ta có thể xây dựng một nhà nước liêm chính với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như thế? Giải pháp nào cho việc nâng cao ý thức đạo đức của công chức viên chức?

“Tôi biết là nhiều vụ việc Thủ tướng cũng quan tâm, chỉ đạo. Vậy xin đề nghị Thủ tướng chia sẻ về vấn đề này”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương mong Thủ tướng cùng chia sẻ vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng phán ánh việc cử tri luôn kêu ca về việc tuyển dụng lâu nay không minh bạch. Qua quan sát việc tuyển dụng công chức, viên chức một số Bộ ngành, địa phương có vẻ rất nghiêm túc, minh bạch; nhưng chỉ là hình thức vì con cháu của các lãnh đạo không ai không có việc làm. Điều này chủ yếu rơi vào người dân thường.

“Đã đành con cháu của lãnh đạo nhà có điều kiện nhưng không phải ai có điều kiện đều thi tốt cả, xin Bộ trưởng giúp tôi câu trả lời”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm rõ.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, những trường hợp như đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu nếu xét những cán bộ, công chức, viên chức không đủ tiêu chuẩn về điều kiện công chức thì nên loại ngay bởi vì họ không xứng đáng là công bộc phục vụ nhân dân.

“Tôi nghĩ chúng ta phải có thái độ dứt khoát, đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm, năng lực kém chúng ta còn loại ra khỏi bộ máy nhà nước. Còn công chức mà vi phạm pháp luật, tôi nghĩ chúng ta phải xem xét xử lý nghiêm túc không để tình trạng này tiếp tục xảy ra để ảnh hưởng đến toàn bộ công chức của chúng ta”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Về công tác tuyển dụng, ông Lê Vĩnh Tân cho biết đã chỉ đạo các Vụ chuyên môn của Bộ Nội vụ nghiên cứu vì sao trong thời gian qua công tác thi tuyển đầu vào của công chức chỉ đạt hơn 10%, còn xét tuyển lên đến 90%?

“Tôi nghĩ chủ trương thông qua thi tuyển là rất công khai, minh bạch nhưng tại sao lại ít người như vậy? Còn xét tuyển không qua thi tuyển tại sao lại đông người đến vậy?”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ băn khoăn.

Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới chúng ta nghiên cứu mở rộng công tác thi tuyển thông qua việc tạo điều kiện dễ dàng hơn để khuyến khích mọi người cùng thi tuyển. Bộ trưởng phấn đấu cố gắng đưa tỷ lệ thi tuyển lên đến 90%, còn xét tuyển xuống còn 10%.

Ông Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, qua kiểm tra công vụ ở các bộ ngành, địa phương thời gian qua đã phát hiện nhiều trường hợp chế độ hợp đồng, làm công tác chuyên môn, sau đó qua 5 năm xét tuyển vào công chức nhà nước.

“Những sai phạm này, trong quá trình thanh tra chúng tôi kiên quyết đề nghị UBND các tỉnh không tuyển dụng những trường hợp đã làm sai để tuyển thẳng vào công chức nhà nước”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ quan điểm.

* * *

Chiều nay 16/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân là thành viên Chính phủ thứ 4 đăng đàn trả lời chất vấn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội khóa XIV. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Thanh tra Chính phủ.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân được các đại biểu và cử tri cả nước kỳ vọng sẽ làm rõ các vấn đề như tinh giản biên chế, giải pháp cải cách tiền lương; tình trạng một số địa phương bổ nhiệm người nhà làm lãnh đạo hoặc bổ nhiệm công chức tràn lan.


Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân bắt đầu phiên trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân bắt đầu phiên trả lời chất vấn.

Những nội dung ông Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng Nội vụ làm rõ trước Quốc hội là vấn đề tinh giản biên chế, thực hiện đề án vị trí việc làm; giải pháp cải cách tiền lương; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật công vụ; đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ...

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm