ĐBSCL hạn, mặn nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua
(Dân trí) - Mới trung tuần tháng 2 nhưng tình hình khô hạn, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng các tỉnh ven biển ở ĐBSCL rất nghiêm trọng. Trước tình hình trên ngày 17/2 tại TP Cần Thơ, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị “phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”.
Hàng chục ngàn héc ta lúa bị chết do hạn, mặn
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mùa khô năm 2015-2016, Tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt 20-50% trung bình nhiều năm. Mực nước thượng nguồn sông Me Kong tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Do thiếu nước ngọt, mặn xuất hiện sớm hơn 2 tháng so với cùng kỳ đã xâm nhập sâu vào vùng ĐBSCL.Hiện, trên các hệ thống sông chính ở miền Tây, mặn xâm nhập sâu từ 40-93 km, tăng 10-15 km so với các năm trước.
Viễn cảnh châu thổ không còn là “túi nước ngọt” rất gần, nhất là trong mùa khô khi sự xâm nhập mặn từ biển Đông và biển Tây quét sâu vào đất liền. Lâu nay, các nhà khoa học nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vùng ĐBSCL - vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mekong trước khi đổ ra biển.
Đây là vùng thu nhập nguồn nước lớn nhất nước, cả từ sông và biển. Nhờ nguồn nước dồi dào, khối lượng phù sa lớn và điều kiện khí hậu tương đối thuận lợi, trong nhiều thập niên qua đây là vựa lúa lớn nhất của cả nước, đóng vai trò then chốt đảm bảo an ninh lương thực và cung ứng nguyên liệu cho xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, hiện tại tỉnh Vĩnh Long nằm rất xa biển nhưng lần đầu đã bị nước mặn tấn công. Còn Hậu Giang hơn 40 ha lúa bị thiệt hại nặng.Theo Phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang, Mai Anh Nhịn thì hiện tại các sông lớn ở tỉnh này đã bị mặn xâm nhập sâu từ 3 đến 4km. Hiện tỉnh này có đến 34.000ha lúa bị thiệt hại và con số này chưa dừng lại, đời sống sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng…. Ở Cà Mau diện tích lúa bị thiệt hại trên 18.000ha, chiếm 56% diện tích trồng lúa trên đất nuôi tôm.
Một thực tế đang xảy ra với ĐBSCL,đất nông nghiệp bị khô hạn, xâm nhập mặn gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp đặc biệt là lúa và hoa màu, người dân thiếu nước ngọt trong sinh hoạt. dẫn đến ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.
Có giải pháp quyết liệt, kịp thời
Theo Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thì trước mắt phải bảo vệ vụ lúa đông xuân 1,55 triệu ha trên đồng, sau đó tính chuyện an toàn cho vụ hè thu cũng như đời sống sản xuất của người dân. Đồng thời, địa phương phải có giải pháp tầm nhìn tương lai để ứng phó với tình trạng hạn và xâm nhập mặn khốc liệt, gay gắt hơn.
"Dù chúng ta có biện pháp ứng phó nhưng thiệt hại vẫn xảy ra và sẽ nghiêm trọng hơn, do vậy cần phải cấp bách thống nhất các biện pháp ứng phó thiên tai đồng thời đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Tôi đề nghị Bộ Tài chính cho địa phương tạm ứng ngân sách để làm ngay các việc như đắp đập, xây cống, nạo vét kênh mương... Nếu cân nhắc quá thì khi tiền về đến nơi thiên tai đã càn quét hết. Đây là đợt hạn, mặn nghiêm trọng nhất trong vòng một trăm năm qua”- Bộ trưởng Phát nói.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tình hình mực nước thấp dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở khu vực ĐBSCL 2015-2016 là thiên tai đặc biệt nghiêm trọng. Hậu quả của nó hiện rất lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, vì thế các bộ, ngành, địa phương cần nhận thức đầy đủ về tình hình nghiêm trọng hiện nay để chủ động đề ra giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân. Có bước đi, lộ trình và tầm nhìn dài hạn để xử lý vấn đề như tăng vốn đầu tư; sử dụng ngân sách hiệu quả, kịp thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tham gia của toàn bộ nhân dân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh đã là thiên tai thì phải giải quyết nhanh, kịp thời, không để ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN&PTNT có văn bản trình gấp kinh phí chống hạn mặn ngay sau hội nghị này. Các Tỉnh ủy đều có chỉ thị hoặc nghị quyết chỉ đạo vấn đề này đến các chi bộ và nhân dân; xây dựng và ban hành Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vấn đề này; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có nhận thức đúng đắn về sự nghiêm trọng của xâm nhập mặn; dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung bắt tay vào các công việc cụ thể để ngăn mặn…
Phạm Tâm